ClockThứ Năm, 05/08/2010 04:35

Long đong miếu Long Thuyền

TTH - Trước Festival Huế 2010, anh Lê Quyền ở Ngân hàng Phát triển gọi điện: “Nì, có cái miếu chi trước cột cờ mà để dột nát hết, tội nghiệp. Nhà báo tìm hiểu và viết đi chứ. Lễ lạc tới nơi rồi, ai lại để rứa, ốt dột…”. Nhiều lần qua lại, thấy miếu đổ nát, “hương tàn bàn lạnh”, chẳng có dấu hiệu có người coi sóc, đôi khi cũng tự hỏi: Tại sao? Rồi thôi. Sau cuộc điện thoại của anh Lê Quyền, bỗng dưng thấy mình như người mắc nợ. Mới tẩn mẩn tìm hiểu, mới hay đó là miếu Long Thuyền.

“Thân phận” ngôi miếu cổ

Trong tạp chí Huế Xưa và Nay (số 79, năm 2007), tác giả Vân Anh đã có bài nghiên cứu về bối cảnh xuất hiện và sự tồn tại của ngôi miếu cổ này. Theo tác giả, ngôi miếu cổ không thể do dân gian lập ra, cũng không phải do tiều đình tạo lập bởi nó nằm trong “phạm vi vùng cấm nghiêm ngặt của khu vực phòng vệ Kinh thành”. Trong biên chế nhà Nguyễn có Vệ Long Thuyền (hiểu một cách đại khái là lính lo việc thuyền bè phục vụ nhà vua) thuộc hạng “biền binh chính ngạch” được thành lập năm Minh Mạng thứ 18 (1837).
 
Ngôi miếu có tên là miếu Long Thuyền (hoặc am Long Thuyền) có lẽ do những người lính của Vệ Long Thuyền lập ra để làm nơi thờ cúng thuỷ thần – vị thần liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc của họ. Và chắc chắn nó phải xuất hiện khá muộn khi mà triều Nguyễn đang ở giai đoạn suy thoái, các luật lệ đã trở nên lỏng lẻo. Đồng thời phải xuất hiện trước năm 1933, bởi trong một tài liệu viết vào năm này L.Cadière đã nhắc đến sự có mặt của ngôi miếu.
 

Hiện trạng ở trong miếu

Cũng đề cập đến miếu Long Thuyền, trong cuốn sổ tay đã úa màu của mình, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đã ghi, miếu được lập vào năm Thành Thái thứ 16 (1904), đến năm sau – 1905, miếu được tu sửa (có lẽ do hư hại bởi cơn bão năm Giáp Thìn 1904: Nửa đêm bão tới thình lình/ Cù lăn nổi dậy miếu đình nghênh ngang). Tiếc rằng do quá lâu ngày và quá nhiều lần chạy lụt, tài liệu nay đã hư hỏng, thất lạc. Bản thân anh Hồ Vĩnh cũng không thể nhớ chính xác nó là tài liệu nào.
 
Năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm kinh đô, miếu bị pháo bắn sập và bị bỏ hoang một thời gian, sau đó, được những người theo đạo Tiên thiên thánh giáo sửa sang làm nơi thờ mẫu và đặt tên Hoà Nam tự. Đến năm 1985, khi chợ Đông Ba tạm dời về mua bán trước khu vực Kinh thành để chờ xây mới, miếu bị chiếm dụng và dần trở nên hoang phế cho đến ngày nay.
 
Những gì tận thấy
 
Tôi dựng xe, rảo thăm một vòng khắp khuôn viên ngôi miếu cổ. Ở lối vào, ngay dưới gốc cây mác cổ thụ là những trang thờ, bát nhang và đồ tự khí linh tinh “quá đát” được nhiều người dân đưa đến tống tán. Sân trước của miếu là một số am, cảnh cũng trong tình trạng xiêu vẹo, đổ nát. Các án thờ trong chính điện ngôi miếu chỉ còn là những bệ xi măng lạnh lẽo. Những bức tường bao đều đã rêu phong, ruỗng nát; khu vực tiền đường còn một mảng mái ngói đang chực rơi rụng bất cứ lúc nào dù chỉ mới một lực nhỏ động vào… Tệ hại hơn, đây đó trong khuôn viên miếu cổ là những bao cao su, những bơm kim tiêm đã dùng xong vương vãi, lăn lóc (!)
 
Ông Phan Thanh Hải, Phó Gió đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế thừa nhận, từ lâu, đó đã trở thành một tụ điểm cho các đối tượng bất hảo liên quan đến các tệ nạn xã hội hoạt động. Trung tâm thỉnh thoảng phải cho người đến thu dọn, nếu không “tàn tích” vương vãi còn khủng khiếp hơn nữa!
 
Nằm trên đất di tích, nhưng vì bản thân ngôi miếu không phải là di tích nên nó không thuộc sự quản lý của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Đã từng có ý kiến dẹp bỏ ngôi miếu, trả lại sự thông thoáng ở mặt trước Kinh thành như quy hoạch nguyên thuỷ. Nhưng, ai sẽ ra quyết định, ai sẽ trực tiếp tháo dỡ ngôi miếu là cả vấn đề hết sức tế nhị, hết sức “nhạy cảm”.
 
Thử tìm một giải pháp
 
Thông tin từ Trung tâm BTDTCĐ Huế mà chúng tôi nắm được, đã từng có 2 phương án được đề xuất.
 
Một: Phá bỏ hoàn toàn, trả lại nguyên trạng cho mặt tiền Kinh thành như trước khi ngôi miếu xuất hiện.
 
Hai: Đặt vấn đề và cho những người theo đạo Tiên thiên thánh giáo đầu tư tu sửa để trông coi thờ phụng, hương khói, ngoài ra không có hoạt động gì khác. Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ giúp thiết kế mẫu phù hợp.
 
Phương án 1 theo chúng tôi cần được xem xét cẩn trọng. Bởi lẽ, miếu Long Thuyền tuy xuất hiện muộn khi giai đoạn mà như nghiên cứu của tác giả Vân Anh là “khi triều Nguyễn đã suy thoái, mọi luật lệ đã trở nên lơi lỏng”. Tuy nhiên, dù muộn song chắc chắn là nó vẫn xuất hiện trong thời quân chủ, khi triều Nguyễn chưa cáo chung (trớc 1933; hoặc chính xác vào năm 1904 - theo ghi chép của Hồ Vĩnh). Miếu do những người trong Vệ Long Thuyền – những “biền binh chính ngạch” của triều đình – tạo lập, nên chắc hẳn việc làm ấy của họ phải được sự đồng ý của triều đình chứ không thể làm một cách “tự thị” được. Bởi vậy, ít nhiều ngôi miếu Long Thuyền cũng gắn bó với di tích Kinh thành Huế. Sự hiện diện của ngôi miếu trong suốt nhiều thập kỷ qua chắc chắn cũng đã ăn vào tiềm thức, đời sống tâm linh của ít ra là một bộ phận nhân dân Huế; phản ánh thêm một giác độ về đời sống văn hoá tinh thần của Huế. Việc bỗng chốc phá bỏ ngôi miếu, do vậy, là điều rất cần được cân nhắc.
 
Chúng tôi cũng không nhất trí với phương án 2, bởi lẽ, tất cả các cứ liệu để lại đều cho thấy, đó là miếu Long Thuyền chứ không phải là nơi thờ Mẫu. Do biến động của thời cuộc, của lịch sử nên những đệ tử của Mẫu mới ‘tranh thủ” tu sửa, sử dụng miếu Long Thuyền và biến thành “Hoà Nam tự”. Như vậy, đem miếu Long Thuyền để “trả” cho Mẫu là không thuyết phục và có thể  khó tránh được những phiền luỵ về sau.
 
Theo chúng tôi, hợp lý nhất là tỉnh chính thức giao trách nhiệm cho Trung tâm BTDTCĐ Huế thiết kế, xây dựng lại miếu Long Thuyền với quy mô, kiến trúc phù hợp với Kinh thành Huế và trực tiếp coi sóc, quản lý. Phương án này vừa xoá đi một “vết đen” trước mặt Kinh thành, góp phần tônt ạo vẻ đẹp cho di tích, cho cảnh quan đô thị. Đồng thời, vừa giúp bảo tồn cho Huế một địa chỉ khá thú vị, phản ánh một giai đoạn lịch sử, nột nét văn hoá Huế.
 
Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế – ông Phan Thanh Hải – khi nghe chúng tôi trao đổi về ý tưởng này cũng tỏ vẻ đồng tình. Bởi theo ông, hiện Huế đã phục dựng và đóng thành công thuyền cung đình (thuyền Yến Như, hạ thuỷ đưa vào hoạt động từ tháng 5-2008) và sắp tới còn có thể đóng thêm một số thuyền khác nữa. Việc tu sửa miếu Long Thuyền để anh em công tác trên các con thuyền cung đình có chỗ thoả mãn đời sống tâm linh của nghề nghiệp đôi lúc cũng là nhu cầu chính đáng và cần được xem xét.
 
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
4
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top