ClockThứ Tư, 07/07/2010 07:41

Màu của Huế xưa

TTH - Một người bạn của tôi, sau khi thăm Huế đã đưa ra nhận xét: “Những thành quách rêu phong; những cung điện, miếu vũ đã bị bóng thời gian phủ mờ và chiến tranh làm cho hoang phế; những lăng tẩm trầm tư lẩn khuất dưới tán thông già... Tất cả đã tạo nên nét cổ kính, uy nghi của một Cố đô đầy hoài niệm. Nhưng có một thứ đã khiến cho Cố đô Huế không vì thế mà trở nên u buồn và lạnh lẽo. Đó chính là pháp lam Huế”. Tôi giật mình bởi lời nhận xét rất sắc sảo của một nhà nghiên cứu mỹ thuật đến từ Paris hoa lệ.

Phải! Pháp lam đã mang lại cho cung điện, đền đài của Huế sự lộng lẫy bởi những gam màu tươi sáng, rực rỡ và trường cửu. Nhờ đó mà trải bao biến cố và thăng trầm, Cố đô Huế đã không mang dáng vẻ u tịch và cô liêu lẽ ra phải có, khiến cho một nhà bỉnh bút của UNESCO đã phải thốt lên: Hué toujours recommencé (Huế luôn luôn mới).

Với những người có gốc gác “ngoài Huế”, pháp lam dường như là một khái niệm xa lạ và đầy bí ẩn. Cũng dễ hiểu thôi, bởi lẽ, pháp lam là một tinh phẩm của nền mỹ nghệ, kiến trúc và văn hóa của riêng xứ Huế, dù rằng người Huế không phát minh ra pháp lam, mà du nhập kỹ thuật chế tác pháp lam từ Quảng Đông (Trung Hoa).
 

Các đồ án trang trí bằng pháp lam trên nghi môn ở phía trước mộ vua Minh Mạng.
 
Pháp lam là một loại vật liệu kiến trúc, cốt làm bằng đồng, bên ngoài có tráng nhiều lớp men nhiều màu; tính năng chịu đựng các tác động ngoại lực, nhiệt độ, tác hại của mưa nắng và thời gian rất cao. Vì thế, loại vật liệu này thường được sử dụng để tạo thành các đồ án trang trí hình khối gắn trên đầu đao, đỉnh nóc, bờ quyết các cung điện; hoặc tạo thành các mảng trang trí phẳng, có hình vẽ phong cảnh, hoa cỏ, chim muông, thơ văn chữ Hán..., thường được gắn trên các dãi cổ diêm ở bờ nóc hay bờ mái các cung điện, trên các nghi môn trong hoàng cung và lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế.
 
Pháp lam Huế cũng là những tác phẩm nghệ thuật có tạo dáng đa dạng, màu sắc rực rỡ, đề tài trang trí phong phú và sinh động. Những món pháp lam gia dụng, đồ tế tự và những vật dụng bày biện, bài trí bằng pháp lam trong các cung điện, lăng tẩm ở Huế còn được coi là những cổ vật quý giá mà triều Nguyễn để lại cho hậu thế.
 

Trang trí “nhất thi nhất họa” bằng pháp lam trên cổ diêm và bờ nóc điện Thái Hòa (Đại Nội).
 
Vào thế kỷ XVII, những tu sĩ dòng Tên đến từ châu Âu đã du nhập vào Quảng Đông kỹ nghệ chế tác những mỹ thuật phẩm có cốt làm bằng đồng đỏ, bên ngoài vẽ các họa tiết bằng men ngũ sắc trên lớp men lót rồi nung đốt mà thành. Kỹ nghệ này xuất phát từ vùng Limoges (Pháp) và vùng Battersea (Anh), và được gọi là émail peint sur cuivre (Pháp) hay painted enamels (Anh). Người Trung Hoa ở Quảng Đông nhanh chóng tiếp thu kỹ nghệ chế tác émail peint sur cuivre của phương Tây để sản xuất ra các mỹ thuật phẩm có cốt làm bằng đồng đỏ, bên ngoài trang trí các motif đặc trưng của mỹ thuật Trung Hoa để xuất khẩu sang các nước châu Âu. Người châu Âu gọi những mỹ thuật phẩm này là Canton enamels,trong khi người Trung Hoa lại gọi những mỹ thuật phẩm này là họa pháp lang.
 
Từ Quảng Đông, những món họa pháp lang đã theo chân các tàu buôn Trung Hoa đi khắp nơi, theo đó, đã du nhập vào Việt Nam. Tuy chưa tìm được nguồn tư liệu cụ thể nào chứng minh việc các thuyền buôn Trung Hoa đem họa pháp lang vào bán ở các cảng Thanh Hà - Bao Vinh (Huế) hay Hội An (Quảng Nam), nhưng sự hiện diện của rất nhiều món họa pháp lang mang các niên hiệu Khang Hi (1661 - 1722) và Càn Long (1735 - 1795) trong các gia đình quý tộc và thương nhân ở những khu vực này cho thấy họa pháp lang Trung Hoa đã có mặt ở Huế (và Hội An) trước khi vua Gia Long (1802 - 1820) lập ra triều Nguyễn. Người ta mua pháp lang về làm đồ thờ tự hoặc để bày biện ở phòng khách. Sang đầu thời Nguyễn, quan lại có dịp sang Thanh công cán cũng tìm mua pháp lang Trung Hoa về trưng bày nơi thư phòng.
 

Tìm chân cao, pháp lam xanh trắng đời Minh Mạng.
 
Bấy giờ ở Huế có ông Vũ Văn Mai, thấy nhu cầu dùng đồ họa pháp lang trong giới quý tộc và dân chúng xứ Huế trở nên thời thượng, bèn sang Quảng Đông học nghề chế tác họa pháp lang. Về nước, Vũ Văn Mai tấu trình lên vua Minh Mạng và được nhà vua giao cho nhiệm vụ lập xưởng làm họa pháp lang để phục vụ nhu cầu của triều đình Huế. Năm 1827, xưởng chế tác họa pháp lang đầu tiên được thiết lập ở bên trong Kinh Thành Huế, gọi là Pháp lam tượng cục. Thay vì sử dụng tên gọi họa pháp lang như người Trung Hoa, thì triều Nguyễn lại khai sinh thuật ngữ pháp lam. Có ý kiến cho rằng, do người Huế phát âm chữ lang và chữ lan như nhau, nên triều Nguyễn đã gọi trại từ pháp lang thành pháp lam để tránhâm Lan trong tên của chúa Nguyễn Phúc Lan. Lại có người nói rằng lối nói trại này để tránh âm Lan trong tên của bà Tống Thị Lan, chính cung của vua Gia Long. Kỳ thực, các chữ Lan này tuy khác nhau về tự dạng nhưng đều trùng âm nên đều phải kiêng cử, vì phạm vào quốc húy của triều Nguyễn.
 
Tuy nhiên, đâu phải có xưởng pháp lam là làm được ngay những món pháp lam hoàn hảo như họa pháp lang của người Quảng Đông. Vì thế, khi mới lập lò, triều Nguyễn đã cho mời thợ từ Quảng Đông đến Huế để truyền nghề cho lính thợ trong Pháp lam tượng cục. Do việc tiếp thu kỹ thuật chế tác pháp lam buổi đầu chưa thành thục nên song song với việc làm pháp lam ở Huế, triều Nguyễn còn cử người sang Quảng Đông đặt làm những chế phẩm pháp lam chất lượng cao để phục vụ nhu cầu quan trọng trong cung. Những món pháp lam này tuy làm ở Trung Hoa nhưng tuân thủ các yêu cầu về kiểu dáng, hoa văn, họa tiết... do triều Nguyễn đặt hàng và có hiệu đề mang niên hiệu các vua triều Nguyễn. Đó chính là những món pháp lam ký kiểu của triều Nguyễn. Hai học giả người Pháp là Gaide và Henry Peyssonneaux, trong một bài viết in trên Bulletin de Amis du Vieux Hué vào năm 1925, đã sử dụng hai thuật ngữ: émaux d’Annam (Pháp lam Annam) và émaux faits pour l’Annam (Pháp lam làm cho Annam) để phân biệt pháp lam Huế với pháp lam ký kiểu của triều Nguyễn.
 

Tìm chân cao, vẽ cảnh tàu của người Tây dương đến Huế giao thương, pháp lam đời Minh Mạng.
 
Người châu Âu dùng kỹ thuật pháp lam để làm nên những cây thánh giá hay những bức chân dung Chúa Jésus và các bậc thánh tăng để thờ phụng trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Người Trung Hoa làm ra các món pháp lang kích thước vĩ đại, kỹ thuật tinh xảo và trang trí cầu kỳ để trưng bày trong đại điện của các hoàng đế Minh - Thanh. Còn người Huế thì sống chung với pháp lam trong ngôi nhà của mình. Trước tiên, pháp lam được sử dụng trong việc thờ tự, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Huế. Thi thoảng, du khách thăm Huế nhìn thấy trên các bàn thờ trong đại điện của vua chúa (hay nơi tư thất của thường dân) những chiếc bình hoa, lư trầm, hộp đựng cau trầu, quả bồng, tìm dâng nước cúng… xinh xắn, tinh xảo. Đó luôn là những vật phẩm linh thiêng và tôn quý trong suy nghĩ của người Huế.     
 
Thứ đến, pháp lam được dùng để làm đẹp ngôi nhà. Đó có thể là bức trấn phong đề thơ ngự chế của vua Minh Mạng; chiếc chóe long vân bày trong điện Hòa Khiêm; những chiếc chậu hoa, chậu đựng cành vàng lá ngọc bài trí trong điện Long An hay nơi các phủ đệ; có khi là chiếc đĩa lưỡng long triều nhật trang trí trên trụ cửa dẫn vào lăng mộ Kiên Thái Vương, thân phụ vua Đồng Khánh. 
 

Quả hộp đựng mứt, pháp lam đời Thiệu Trị 
Người Huế cũng dùng pháp lam để đựng đồ ăn, thức uống. Đó là những chiếc tìm chân cao vẽ rồng mây hay hoa lá, thậm chí vẽ cả cảnh tàu của người Tây dương đến Huế giao thương; hay chiếc đĩa bàn hiệu đề Tự Đức niên chế vẽ tích long vân khánh hội. Huế là xứ sở của các loại bánh, mứt. Vì thế, người Huế cũng “thửa” cho mình những quả hộp đựng mứt làm bằng pháp lam. Đó là những bộ khay 9 ngăn, đặt trong chiếc hộp gỗ sơn son, mỗi ngăn dùng đựng một món mứt khác nhau. Ngoài ra, còn có loại khay pháp lam đặc biệt, dùng để ăn món gỏi.
 
Cách nay 10 năm, khi đến Seoul, tôi được mời ăn món kuyolp’an của người Hàn. Đó là món gỏi gồm 9 thứ khác nhau (chữ ku tiếng Hàn nghĩa là số 9), bày trong bộ khay có 9 ngăn, mỗi ngăn đựng một loại thực phẩm khác nhau được thái chỉ. Khi ăn, thực khách gắp mỗi thứ một tí, bỏ vào trong lát củ cải cắt mỏng như tờ giấy, cuốn lại, rồi chấm với xì dầu và dầu mè có trộn sẵn muối tiêu. Ngon tuyệt trần. Các ông vua ở Huế cũng dùng món gỏi, có điều, món gỏi của các vua Nguyễn có đến 12 món trong khi kuyolp’an của dân Hàn chỉ có 9 món mà thôi. Và thay vì dùng bộ khay bằng sứ thì dân Huế lại dùng khay làm bằng pháp lam. Pháp lam Huế còn được dùng trong các bữa ăn kiểu Âu làm đài đựng các đĩa muối hoặc làm khay trà, chậu thau…

 
Đĩa ăn, trang trí năm con rồng, pháp lam đời Tự Đức.
 
Pháp lam Huế còn là những món văn phòng tứ bảo như hộp đựng ấn hay hộp bút… Phụ nữ Huế thì dùng hộp pháp lam đựng phấn nụ để làm đẹp. Đặc biệt, pháp lam còn hiện diện trong một trò chơi rất được ưa chuộng ở Huế: trò chơi đầu hồ. Trò chơi này thường được tổ chức trong hoàng cung hay trong các phủ đệ của những hoàng thân, quan lại triều Nguyễn vào những dịp xuân nhàn. Sử sách cho hay vua Tự Ðức và vua Bảo Ðại là những xảo thủ trong trò chơi này. Vì khoái trò đầu hồ nên các vua nhà Nguyễn cho làm nhiều đầu hồ bằng nhiều chất liệu như gỗ, sứ và có cả những chiếc đầu hồ làm bằng đồng có gắn những mảng trang trí bằng pháp lam.
 
Lịch sử khai sinh, tồn tại, phát triển, suy thoái và thất truyền của pháp lam Huế kéo dài chỉ hơn 60 năm. Kỹ nghệ chế tác pháp lam Huế, từ tạo dáng, chế men, pha màu, thủ pháp trang trí, kỹ thuật nung đốt… đều không sánh kịp với pháp lang Trung Hoa. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định là người Huế đã ứng dụng kỹ nghệ pháp lam vào cuộc sống sáng tạo hơn người Trung Hoa.
 

Đĩa lót chén uống trà, pháp lam ký kiểu đời Minh Mạng.
 
Trong khi người Trung Hoa chỉ coi pháp lang như một thứ chất liệu để sản xuất ra các vật dụng sinh hoạt, thờ tự hay những món đồ lưu niệm xinh xắn, thì các nghệ nhân thời Nguyễn đã vận dụng pháp lam như một loại vật liệu kiến trúc trong công cuộc kiến thiết các cung điện lăng tẩm ở Huế. Họ đã biết lợi dụng tính chất bền vững trước các tác động cơ - lý - hóa của chất liệu pháp lam để tạo thành các đồ án trang trí, gắn lên ngoại thất các công trình kiến trúc, vốn được xây dựng trong một vùng đất có khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Nhờ vậy mà trải hơn 200 năm tồn tại, các đồ án trang trí pháp lam trên các công trình kiến trúc ở Huế vẫn tươi nguyên màu sắc, khiến cho các di tích ở Huế bớt đi vẻ u buồn, trầm mặc, mà giữ nguyên nét son lộng lẫy giữa một cố đô rêu phong cổ kính. Đây là một thành tựu của pháp lam Huế so với các loại hình pháp lang khác trên thế giới.
 

Chậu quán tẩy, pháp lam đời Tự Đức.
 
Pháp lam Huế ra đời trong bối cảnh Việt Nam chưa tiếp xúc với những lý thuyết khoa học về màu sắc của phương Tây, thế nhưng các nghệ nhân chế tác pháp lam Huế đã đạt được một thành tựu to lớn về nghệ thuật sử dụng màu. Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã nhận xét: “Các nghệ sĩ làm pháp lam ở Huế đã sớm biết gia giảm liều lượng đậm lạt, nóng lạnh của màu sắc đến độ tinh vi, đã sáng tạo ra những phương thức dùng mảng, dùng màu và phát hiện ra những hòa sắc tương phản rất là chính xác... Pháp lam Huế chứa đựng những màu sắc tươi sáng, lộng lẫy, có cường độ mạnh nhưng vẫn quen mắt, như các hòa sắc điển hình thường hiện ra trong cuộc sống, thường được phản ánh trong nghệ thuật Huế thuở ấy”. Đó là nhận xét xác đáng nhất về pháp lam Huế, về những đóng góp của pháp lam Huế đối với nền nghệ thuật, đặc biệt là hội họa Việt Nam vào thế kỷ XIX.
 
Ngày trước, pháp lam hiện diện hầu khắp trong đời sống và trong ngôi nhà của người Huế với nhiều chức năng, công dụng khác nhau. Sau hơn một thế kỷ thất truyền, pháp lam Huế nay đã được tái sinh. Noi theo dấu cổ, những tân pháp lam tượng cục ở Huế hiện đang làm ra những món pháp lam với nhiều cách tân về kỹ thuật, mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc… khiến cho pháp lam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào đời sống Huế đương đại. Còn tôi thì hy vọng rằng: “Rồi đây, pháp lam sẽ tiếp tục hiện diện trong ngôi nhà Huế như đã từng một thuở”.

Trần Đức Anh Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top