ClockChủ Nhật, 10/11/2024 20:14

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

TTH.VN - Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

 Khách trải nghiệm làm gốm tại làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền)

Nhiều tiềm năng cần được khai thác

Trở lại làng gốm Phước Tích cùng với đoàn khách du lịch là đại diện các doanh nghiệp lữ hành toàn quốc, ai cũng mê khung cảnh bình yên của làng quê và tỏ ra thích thú với nghề gốm ở Phước Tích. Đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Được hướng dẫn và tự tay làm gốm rất thú vị. Những trải nghiệm ở đây có cảm giác đưa mọi người về lại tuổi thơ, về với những nét đẹp chân chất, mộc mạc. Điều đó là chất liệu để khai thác du lịch”.

Không chỉ ở Phước Tích, tại Huế có nhiều nghề, làng nghề có thể khai thác để phát triển du lịch. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, Thừa Thiên Huế là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa gần 400 năm và gần 160 năm là kinh đô của quốc gia dưới hai triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn, là nơi lưu giữ và lan truyền những “vẻ đẹp” mang tính thời gian.

Huế cũng là vùng đất hội tụ tinh hoa tài năng sáng tạo của cả nước, chứa đựng một kho tàng văn hóa khổng lồ đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, kiến trúc cùng các loại hình làng nghề truyền thống độc đáo được lưu truyền đến ngày nay. Mỗi làng nghề có những đặc trưng rất độc đáo, rất riêng, như làng gốm Phước Tích, làng thêu Thuận Lộc, làng nón Phú Cam, làng rèn Hiền Lương, làng kim hoàn Kế Môn, làng điêu khắc Mỹ Xuyên, làng mây tre đan ở Bao La, làng hoa giấy Thanh Tiên,...

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng, địa phương, các nghề, làng nghề của tỉnh được khôi phục, sản xuất kinh doanh có thu nhập khá và từng bước thích nghi với cơ chế thị trường như rượu Thủy Dương, làm bún Vân Cù, Ô Sa, chế biến nước mắm Phú Thuận, mộc Mỹ Xuyên… đồng thời tỉnh còn du nhập, phát triển thêm một số ngành nghề như mộc mỹ nghệ, thêu ren, mây tre, đan đã góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

 Khách quốc tế thử làm hương khi ghé tham quan làng hương Thủy Xuân (TP. Huế)

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận 7 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thống tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố. Các kết quả khảo sát điều tra cho thấy, bên cạnh việc còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, thực tế, nhiều làng nghề đã được định hướng, kết hợp phát triển du lịch và mang lại những kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển các nghề, làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có quy hoạch, chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất kỹ thuật có phần lạc hậu, đa số sử dụng công cụ thủ công, truyền thống, sản phẩm chủ yếu là tự cung tự cấp, tính cạnh tranh thấp, ô nhiễm môi trường, nhiều ngành nghề truyền thống sản xuất cầm chừng, có nguy cơ mai một và mất đi... Đó là một trong những trăn trở khi gắn kết phát triển du lịch nghề, làng nghề.

Đầu tư phát triển

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề án “Phát triển du lịch nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030”, nhằm đưa ra một kế hoạch tổng thể kết hợp lại trong một hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống để chuyển tải các giá trị cộng đồng và là điểm đến của du lịch, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như thúc đẩy các giá trị kinh tế - xã hội của làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Du khách Hà Nội tìm hiểu nghề làm nón khi đi du lịch Huế

Lãnh đạo Sở Du lịch đánh giá, giữa hoạt động du lịch và làng nghề có mối quan hệ chặt chẽ hữu cơ tác động qua lại lẫn nhau. Phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế xã hội làng nghề truyền thống nói chung theo hướng tích cực và bền vững. Ngược lại làng nghề truyền thống cũng là trung tâm thu hút khách du lịch và có tác động mạnh mẽ trở lại khách du lịch trong mục tiêu phát triển chung. Việc phát triển du lịch làng nghề sẽ góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Đây là một trong những cơ sở để giải quyết việc làm tại chỗ, gắn với thực hiện chủ trương, chính sách phát triển theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Để phát triển du lịch nghề, làng nghề không chỉ cần sự nỗ lực của ngành du lịch mà cần sự hợp lực của nhiều ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ngành du lịch và các đơn vị, địa phương cần tập trung nhiều giải pháp, trong đó sẽ định hướng phát triển các địa điểm, tuyến du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Nghiên cứu, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.

Ngành du lịch phối hợp các đơn vị có liên quan cần định kỳ nghiên cứu, điều tra thị trường du lịch để làm cơ sở xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm và thương hiệu du lịch làng nghề truyền thống theo từng thị trường mục tiêu. Đa dạng hoá hình thức xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và du lịch làng nghề truyền thống nói riêng.

Theo ông Phúc, ngành Du lịch sẽ số hoá 3D một số điểm phát triển du lịch làng nghề truyền thống điển hình để phục vụ cho công tác quảng bá, giới thiệu trực quan hơn về các sản phẩm, dịch vụ làng nghề truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành phố ẩm thực

Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân gần 720 năm trước, Huế có nguồn tài nguyên tinh hoa ẩm thực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cố đô. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới mà nhắc đến Huế, cùng với những sắc diện tươi mới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố ẩm thực của tinh hoa hội tụ.

Thành phố ẩm thực
Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa

Nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Huế chính là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Cố đô trở thành tiềm năng lớn của nền công nghiệp văn hóa. Trong mối liên kết để phát triển, Huế đang có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch.

Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa
Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

Ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Huế. Sau thành công của hoạt động ra mắt hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport 2023, ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch.

Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

TIN MỚI

Return to top