|
Khách du lịch đến tắm suối, thác ở huyện Phú Lộc. Ảnh: Bạch Mã Village |
Tín hiệu khả quan
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu các ngành dịch vụ tại huyện Phú Lộc đạt khoảng 14.200 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.720 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch. Đối chiếu với kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc đánh giá, lĩnh vực dịch vụ đang phát triển khá, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống Nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 12,1%/năm. Tổng doanh thu các ngành dịch vụ giai đoạn 2021-2023 ước đạt 659.563 tỷ đồng, đạt 99,07% so với kế hoạch Nghị quyết đề ra 60.122 tỷ đồng.
Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lộc chia sẻ, dịch vụ du lịch đang có những tín hiệu khả quan. Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động du lịch diễn ra khá sôi động. Điều kiện thời tiết thuận lợi, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phú Lộc khoảng 1.086.150 lượt khách, đạt 60,7% kế hoạch, tăng 67,4% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 244.232 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt khoảng 978,4 tỷ đồng, đạt 56,2% kế hoạch, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng được quan tâm, các hộ kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang từng bước hình thành. Hiện, có 4 cơ sở đang đầu tư và hoàn thiện thủ tục để được hỗ trợ; trong đó, có 2 cơ sở lưu trú tại xã Vinh Hưng, 2 cơ sở lưu trú tại thị trấn Lăng Cô. Nhiều nhà đầu tư đã khảo sát, nghiên cứu dịch vụ như: xây dựng nhà hàng nổi trên đầm phá Cầu Hai, xây dựng khu thương mại và du lịch nghỉ dưỡng tại Mũi Né, các điểm dừng chân dọc Quốc lộ, đường ven đầm phá…, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương trong tương lai.
Ông Võ Đại Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lộc cho biết, dịch vụ thương mại cũng đang có những kết quả tốt. Thị trường nội địa được khai thác có hiệu quả, hoạt động lưu thông hàng hóa, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đa dạng và phong phú về hàng hóa, dịch vụ cho đời sống Nhân dân. Là cửa ngõ phía nam của Thừa Thiên Huế, nơi có hệ thống giao thông vận tải với các cảng biển, các khu kinh tế nên dịch vụ vận tải trên địa bàn huyện cũng khá sôi động. Khối lượng hàng hóa luân chuyển trên toàn huyện 6 tháng đầu năm đạt 25.000 tấn/km, đạt 52,3% kế hoạch; lượng hành khách luân chuyển 51.200 hành khách/km, đạt 52,2% kế hoạch. Hiện nay, có thêm 3 tuyến xe buýt chất lượng cao đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện (TP. Huế - Vinh Hiền, TP. Huế - Lộc Vĩnh, TP. Huế - Lăng Cô), nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương của Nhân dân.
Với dịch vụ vận tải biển, bến số 3 và bến số 2 - cảng Chân Mây (giai đoạn 1) đã chính thức đi vào hoạt động, nâng chiều dài bến Chân Mây lên gần 1km, tổng công suất khai thác hơn 6 triệu tấn/năm, cơ bản đáp ứng quy hoạch cảng Chân Mây theo quy hoạch phát triển được Chính phủ phê duyệt. Các loại hình dịch vụ tại cảng Chân Mây có hiệu quả, tạo được ấn tượng tốt đối với khách hàng. Tổng doanh thu của cảng giai đoạn 2021-2023 bình quân trên 200 tỷ đồng mỗi năm.
Quan tâm đầu tư
Những tín hiệu khả quan của 6 tháng đầu năm và của cả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2020-2025) cho thấy, huyện Phú Lộc đang đi đúng lộ trình định hướng phát triển. Tuy vậy, giai đoạn sắp tới vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm tạo chuyển dịch nhanh và vững chắc nền kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Định hướng của huyện Phú Lộc sẽ tập trung xây dựng huyện thành trung tâm dịch vụ lớn của tỉnh và khu vực miền Trung. Phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực chính thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Huyện Phú Lộc sẽ quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các chợ, nhất là chợ Truồi, chợ Lộc Sơn, chợ Thừa Lưu, chợ Lăng Cô, chợ Mỹ Lợi; phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, điểm bán hàng Việt.
Theo ông Thắng, huyện Phú Lộc đã đặt ra nhiều giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ phát triển. Giai đoạn sắp tới sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường trục Trung tâm đô thị La Sơn; đầu tư hạ tầng để kết nối giao thông cho phát triển du lịch: Hạ tầng các điểm du lịch cộng đồng, đường vào chùa Quốc tự Thánh Duyên...
Huyện Phú Lộc sẽ huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương để tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của Phú Lộc, kêu gọi các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình du lịch, văn hóa, thể thao nhằm phát triển du lịch Phú Lộc. Bên cạnh đó, cũng sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.