Tôi vừa có dịp đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu.
|
Cầu qua Tô Đề
|
Thời còn đại học, tôi đã từng nghe và yêu thích hai vùng đất của Trung Hoa sản sinh ra những nhà thơ lớn đời Đường. Vì vậy trong chuyến đi này, khi đặt chân đến Hàng Châu, Tô Châu, trong tôi gợi lên nhiều sự thích thú khám phá. Từ Hà Nội đến Bắc Kinh mất ba giờ rưỡi bay. Từ đây đáp tàu nhanh tốc độ 170 km/h đi mất 13 tiếng. Rồi từ đó đi ô tô trên đường cao tốc mất một tiếng là đến Tô Châu, thêm một tiếng rưỡi nữa là đến Hàng Châu. Nghĩa là phải vượt qua khoảng hơn 5.000km để được đặt chân lên Phong Kiều (cầu Phong), nghe tiếng chuông Hàn Sơn tự (chùa Hàn Sơn - những địa điểm lừng danh trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế); được du thuyền trên Tây Hồ rộng mênh mông để nhìn thấy Đoạn Kiều và hai con đê nhân tạo cũng lừng danh chẳng kém là Bạch đê và Tô đê (hai con đê được đắp bởi hai nhà thơ nổi tiếng là Tô Đông Pha và Bạch Cư Dị), chính vì vây mà tôi bảo rằng đây là sự may mắm hiếm hoi trong đời có khi không lặp lại. Bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế như sau:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Tôi không có ý định bình bài thơ này mà chỉ ghi lại những gì được thấy, được nghe và những cảm xúc khi được đặt chân đến Hàn Sơn, nghe thật tiếng chuông mà như văng vẳng trong Phong Kiều Dạ Bạc.
Tác giả ở phố Hàng Châu.
Bài thơ ra đời trong một đêm buồn của Trương Kế khi tham gia một kỳ thi không đỗ. Giang, Phong trong bài thơ có lẽ là chỉ hai chiếc câu bắc qua một con sông nhỏ trước Hàn Sơn tự. Bây giờ hai chiếc cầu này vẫn còn. Chùa Hàn Sơn được xây dựng từ thời nhà Lương. Chùa còn có tên gọi khác là Phổ Minh. Đến thời nhà Đường đổi thành chùa Hàng Sơn. Tên này là do một vị chân tu có tên là Hàn Sơn có công rất lớn trong việc tu hành ở ngôi chùa này mà nên.
Phong kiều đẹp đến mê hồn. Toàn bộ thân cầu được ghép bằng những viên đá chẻ dài hình vòm. Từ đỉnh hình vòm so với mặt nước sông cao chừng 10 m. Đối diện với Hàn Sơn tự, ở về bến kia Phong kiều là những ngôi nhà cổ. Cầu Giang nằm về phía trên cầu Phong chừng mấy chục mét. Cũng cổ kính nhưng đường nét kiến trúc không đẹp bằng Phong kiều. Con sông đào chảy dưới Phong kiều được kè đá tảng, hai bên là những ngôi nhà cổ, hàng cây vào đầu đông rụng lá dưới sương mờ lãng đãng cảnh sắc như trong cõi mộng.
Với tôi, Hàn Sơn tự mùa này là đẹp nhất. Hàn Sơn tự còn nổi tiếng bởi một lẽ khác đó là trong La Hán Đường, vào thời nhà Thanh đã cho khắc 500 pho tượng La Hán. Và tháp Phổ Minh cao 5 tầng được xây dựng từ thời nhà Tuỳ. Nói chung, ngôi chùa này cái gì cũng cổ kính. Chùa cổ được xây dựng ở một thành phố cổ của Trung Quốc và được nổi tiếng lên gấp nhiều lần qua Phong Kiều Dạ Bạc.H
|
Lá rơi như bức tranh lãng mạn |
Hàng Châu cách Tô Châu khoảng 170 km. Cảnh sắc Hàng Châu cũng cổ kính và mơ mộng như ở Tô Châu. Trên các đường phố của Hàng Châu, người ta trồng rất nhiều cây ngô đồng. Mùa này, ngô đồng rụng lá, trải thảm vàng ươm suốt dọc hai bên đường. Không thấy người quét rác. Dường như người Hàng Châu muốn để cho thiên nhiên tự vẽ nên bức tranh lãng mạn cho chính mình.
Những ngày đầu đông, Hàng Châu lạnh kinh hồn nhưng không ngăn được sự háo hức khám phá của chúng tôi. Ở Hàng Châu có rất nhiều hồ nhưng đẹp và nổi tiếng nhất là Tây Hồ. Tây Hồ được bao bọc bởi ba mặt là núi, một mặt là thành phố Hàng Châu. Mùa này trên mặt hồ bao la phủ một lớp sương mờ như mơ như mộng. Ở phía xa mờ trên hai con đê nổi tiếng là những hàng đào và liễu một thấp một cao biểu tượng cho những đôi tình nhân đắm đuối. Bạch đê và Tô đê chính là lấy tên của các nhà thơ Bạch Cư Di và Tô Đông Pha nổi tiếng thời nhà Đường và nhà Tống.
Giữa thời nhà Đường, nhà thơ Bạch Cư Di, khi tới Hàng Châu làm thứ sử, đã cho đắp đê và xây đập ngăn nước ở Tây Hồ, đắp đường nối liền Đoạn Kiều với Cô Sơn. Từ đó đê này được gọi là Bạch đê để ghi nhớ công ơn của ông. Thời nhà Tống, nhà thơ Tô Đông Pha (Tô Thức) cũng đã đến Hàng Châu làm thứ sử. Khi đó đang lúc hạn hán, Tô Thức cho nạo vét hồ và dùng bùn đắp thành một con đường theo kiểu đê Bạch nhưng dài hơn gấp 3 lần và được lấy tên là Tô đê. Ngoài những địa danh nổi tiếng gắn với các thi nhân, ở Hàng Châu cũng là quê hương của sông Tiền Đường trong truyện Kiều của Nguyễn Du.
Nếu được ví von về bốn thành phố mà tôi vừa đặt chân đến, thì tôi sẽ không nói như người Trung Hoa mà sẽ nói rằng: có đến Bắc Kinh, Thượng Hải mới thấy mình đang ở cõi thực; có đến Hàng Châu, Tô Châu mới thấy mình lạc vào cõi mộng.
Lê Phương