ClockThứ Hai, 25/05/2015 15:34

Chưa có tour tham quan di tích lịch sử cách mạng

TTH - Xây dựng các tour tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) là mục tiêu tạo sản phẩm mới của ngành du lịch. Tuy nhiên, qua khảo sát ở các công ty lữ hành du lịch thì Huế chưa xây dựng được các tour tuyến này.

Du khách tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Dương Nổ)

Còn nhiều vướng mắc

"Xây dựng được các tour di tích lịch sử cách mạng sẽ góp phần giáo dục truyền thống anh hùng, lòng biết ơn sự hi sinh của cha ông đối với giới trẻ và nhân dân. Đặc biệt, thông qua những chuyến tham quan này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất, không chịu lùi bước để bảo vệ độc lập dân tộc", ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Footsteps Travels.

Cách đây không lâu, nhân kỷ niệm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, chúng tôi có dịp tham quan và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng cách mạng tại khu di tích lịch sử Chín Hầm (dưới chân núi Thiên Thai, phường An Tây, TP Huế). Sau chuyến tham quan, chúng tôi trò chuyện với bác Phan Hanh (người chuyên hướng dẫn tại khu di tích Chín Hầm). Bác Hanh chia sẻ: “Khu di tích chủ yếu đón học sinh, sinh viên, đoàn viên ở các cơ quan về dâng hương và tham quan. Thỉnh thoảng, có các cựu chiến binh ở các tỉnh khác về thăm chiến trường xưa. Riêng khách du lịch thì rất ít, chỉ một vài du khách lẻ đến, chứ chưa tiếp đón một đoàn nào từ các công ty lữ hành, du lịch”.
Qua khảo sát ở nhiều công ty lữ hành được biết hiện nay chưa xây dựng được các tour tham quan các điểm DTLSCM. Bà Hồ Ngọc Phượng, công ty Footsteps Travels, chi nhánh Huế, cho hay: “Huế có rất nhiều điểm DTLSCM nổi tiếng như khu di tích Chín Hầm; nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan và ở làng Dương Nổ; các căn cứ, chiến khu Cu Bi - Hiền Sĩ ở Phong Sơn; địa đạo Khe Trái ở Hương Văn; xa hơn thì có đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm), các địa đạo A Don, A Nôr, A Púc… ở A Lưới và nhiều di tích khác có thể đưa khách đến. Tuy nhiên, rất tiếc là lâu nay chưa xây dựng được các tour tuyến, chương trình tham quan cụ thể”.
 “Khi khách có nhu cầu liên hệ thì mới lên kế hoạch tổ chức chứ chưa chủ động giới thiệu, quảng bá. Các đoàn khách trong nước chủ yếu là các cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Đối với khách nước ngoài, nếu một vài người đi du lịch tiện thể tham quan các di tích thì đơn giản, nhưng nếu là các cựu chiến binh hay khách đoàn với số lượng nhiều khi đến các địa điểm lịch sử này cần thêm một số thủ tục khá phức tạp nên việc xây dựng tour càng gặp khó”. Ông Nguyễn Thượng Hiển, Công ty HGH Travel, cho biết.
Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc công ty Footsteps Travels, chi nhánh Huế nhận đinh: “Kế hoạch phát triển của mỗi công ty đều cố gắng tìm ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Trong đó, việc đưa khách đến DTLSCM đã được công ty tôi tính đến. Nhưng đến nay chưa xây dựng tour tuyến là có nhiều nguyên nhân. Ngoài nhu cầu của du khách chưa cao thì quan trọng hàng đầu là các điểm di tích này còn khá đơn điệu, việc trùng tu, phục dựng lại còn khá hạn chế. Chẳng hạn như ở di tích Chín Hầm, chỉ mới phục dựng lại được một hầm (số 8) còn nhiều hầm khác vẫn chưa, thiếu nhà trưng bày hiện vật… Ngoài ra, các sản phẩm bổ trợ kèm theo cho các điểm di tích này cũng chưa được hình thành”.
Cần tăng cường quảng bá
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist chia sẻ: “Trong kế hoạch của công ty từ khi bắt đầu hoạt động thì chúng tôi đã nắm bắt và nhiều lần thử nghiệm, nhưng thấy hiệu quả còn khiêm tốn nên chưa lên kế hoạch tour tuyến cụ thể. Đối với các DTLSCM, hiện đã có một số du khách đến tham quan cho biết họ đã quan tâm và bắt đầu muốn tìm hiểu về lịch sử của Huế nói riêng và cả nước nói chung. Để thu hút du khách trong thời gian đến thì các di tích cần tiếp tục trùng tu, phục dựng lại nhiều hơn nữa để tăng sự sinh động. Ngoài ra, thông qua những ngày lễ, những chuyến xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế, các nhà quản lý về du lịch cần có tài liệu, kế hoạch tăng cường quảng bá để thúc đẩy phát triển du lịch cho các điểm di tích này”.
Qua số liệu từ Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, hiện toàn tỉnh có 108 DTLSCM được công nhận di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Theo nhiều người đang hoạt động trong ngành du lịch thì để tăng cường hiệu quả của tour đến các di tích, ngoài những góp ý trên thì cần một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức về lịch sử cách mạng. Thực tế cho thấy, đối với các DTLSCM thì cần có các hướng dẫn viên thuyết trình thì mới đạt hiệu quả, chứ khi khách tìm đến mà không được thuyết trình thì thông tin mà họ nhận được là rất hạn chế”.
Bài, ảnh: Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026). Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Tour trekking tại www.vietrektravel.com TPHCM tour châu âu uy tín 2024
Return to top