ClockThứ Hai, 17/07/2023 14:26

Tìm cách khai thác thị trường du lịch tiềm năng “khổng lồ”

TTH - Nhiều năm qua, thị trường du lịch Hồi giáo thế giới rất rộng lớn và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế vẫn chưa khai thác tốt. Để thu hút hiệu quả thị trường khách quốc tế tiềm năng này, nhiều vấn đề đặt ra cho ngành du lịch.

“Nốt thăng” của du lịch HuếTìm cơ hội từ đường bay quốc tếNhanh chóng tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện

leftcenterrightdel
Khách du lịch Hồi giáo đến tham quan ở Huế 

Tiềm năng lớn nhưng chưa thu hút được khách

Nhiều lần đến Đại Nội, các di tích, điểm du lịch ở Huế, chúng tôi gặp rất nhiều khách du lịch quốc tế. Song, lại hiếm khi gặp được khách du lịch người Hồi giáo. Đại diện một công ty lữ hành ở Huế cho biết, các thị trường truyền thống của Huế là Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ… riêng khách du lịch Hồi giáo chưa đến Huế nhiều.

Khác với câu chuyện của Huế, thị trường khách du lịch Hồi giáo trên thế giới rất rộng lớn và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Theo công bố tại báo cáo Chỉ số Hồi giáo toàn cầu năm 2022 của Công ty du lịch CrescentRating của Singapore thì du lịch lữ hành tăng trưởng từ 108 triệu khách năm 2013 đến 160 triệu khách năm 2019. Sau đại dịch COVID-19, du lịch lữ hành người theo đạo Hồi cũng tăng trưởng trở lại mạnh mẽ, đạt khoảng 26 triệu khách năm 2021 và dự báo năm 2023 sẽ phục hồi 80%, khoảng 140 triệu khách. Dự báo tăng trưởng thị trường sẽ trở lại mức 160 triệu khách vào năm 2024 do sự mở rộng của du lịch quốc tế. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, số lượng người theo đạo Hồi trên thế giới là 1,8 tỷ người và riêng trong khu vực ASEAN là 255 triệu người. Sau đại dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung Việt Nam đã kết nối mạnh mẽ với các nước Đông Nam Á và cả Trung Đông, trong đó các quốc gia có tỷ lệ người Hồi giáo cao như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ… Tuy nhiên, nhìn chung các đơn vị vẫn chưa hiểu và nắm được nhiều thông tin về thị trường này và cũng chưa có sự đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương nhằm đáp ứng một trong những thị trường mới, đầy tiềm năng.

Hiện nay, thị trường khách Malaysia, Indonesia và cả một số quốc gia khác bắt đầu quan tâm đến du lịch Thừa Thiên Huế. Song, khách du lịch Hồi giáo có những đặc điểm riêng mà câu chuyện phục vụ, thu hút khách phải cần hiểu rõ. Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, nhiều vấn đề cần đặt ra cho chính quyền và những người làm việc trong ngành dịch vụ và khách sạn ở các địa phương là phải hiểu rõ về văn hóa, hành vi và nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo. Chẳng hạn như việc khách Hồi giáo chỉ tiêu thụ thực phẩm Halal, các cơ sở phục vụ đáp ứng nhu cầu có phòng cầu nguyện, hoặc nhu cầu đi du lịch của khách Hồi giáo là rất cao sau tháng Ramadan, tháng lễ quan trọng nhất của đạo Hồi (thường rơi vào dịp tháng 4 - tháng 5)...

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Halal Quốc gia Việt Nam chia sẻ, du khách từ các quốc gia vùng Vịnh thường đi du lịch trong các nhóm gia đình lớn, hiếm khi gia đình đi du lịch theo nhóm người 10 người. Điều này đã thúc đẩy xu hướng đi du lịch gia tăng và dịch vụ du lịch Halal. Tuy nhiên, có 3 điều mà người Hồi giáo khi đi du lịch rất quan tâm là thực phẩm Halal, dịch vụ thân thiện, sau đó là giá tour. Người Hồi giáo có nhu cầu đặc biệt, nhất là về văn hóa. Đó là vấn đề mà du lịch Huế, du lịch miền Trung cần quan tâm.

Tìm giải pháp thu hút

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để người Hồi giáo lựa chọn du lịch Việt Nam, trong đó yếu tố chính trị ổn định, kinh tế năng động và phát triển, địa điểm du lịch đẹp, có nhiều người Hồi giáo đến kinh doanh… Song, để thu hút hiệu quả thị trường khách Hồi giáo, rất cần dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo, các sản phẩm phải có chứng nhận Halal, cùng nhiều yếu tố khác phải đầu tư.

Bà Marina Muhamad, Giám đốc Trung tâm Du lịch Hồi giáo (Bộ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Malaysia) khi đến miền Trung - Việt Nam trao đổi về vấn đề phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung cho rằng, việc sở hữu nhiều cảnh đẹp là chưa đủ. Để thu hút dòng khách du lịch Hồi giáo, trước hết phải đáp ứng yêu cầu về ẩm thực với các nhà hàng đạt chuẩn Halal, đặc biệt phải có nhiều nơi để khách cầu nguyện, bởi người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần một ngày. Các địa phương phải thể hiện sự thân thiện, gần gũi với người theo đạo Hồi, phải tạo cho khách Hồi giáo cảm giác an toàn, thuận tiện, nhất là khi khách đến giờ cầu nguyện.

Rõ ràng, du lịch miền Trung nói chung, Huế nói riêng cần phải nắm rõ thông tin, kiến thức về thị trường du lịch Hồi giáo và cần phải có một quá trình chuẩn bị và đầu tư lâu dài, theo quan điểm cung cấp cho du khách cái họ cần dựa trên những gì mình đang sẵn có, nhưng phải theo đúng chuẩn mực. Ngành du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá điểm đến, xúc tiến đường bay, tìm kiếm thị trường, chia sẻ thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, các khách sạn trong việc tìm các doanh nghiệp có khả năng cung cấp các nguyên liệu, sản phẩm tiêu chuẩn Halal để giới thiệu cho các đơn vị ở địa phương, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm dịch vụ đáp ứng du lịch Hồi giáo do doanh nghiệp địa phương xây dựng để tiếp cận, khai thác các thị trường khách Hồi giáo có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh
Thành phố ẩm thực

Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân gần 720 năm trước, Huế có nguồn tài nguyên tinh hoa ẩm thực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cố đô. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới mà nhắc đến Huế, cùng với những sắc diện tươi mới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố ẩm thực của tinh hoa hội tụ.

Thành phố ẩm thực

TIN MỚI

Return to top