ClockThứ Năm, 04/07/2024 13:52

Tìm hướng phát triển cho du lịch biển đảo

TTH - Nếu Phú Quốc hay Lý Sơn hướng đến trở thành trung tâm của du lịch biển đảo thì ngay tại Thừa Thiên Huế, loại hình du lịch này có thể phát triển mạnh nếu biết cách khai thác.

Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về mô hình du lịch biển đảo

Tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Từ Lý Sơn

Chuyến tàu cao tốc gần cập cảng Lý Sơn, đập vào mắt chúng tôi vừa là nét hoang sơ đầy giá trị mà thiên nhiên ban tặng, vừa là nhịp sống nhộn nhịp của một huyện đảo đang chuyển mình mạnh mẽ.

Ông Ngô Đình Thành, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Sơn chia sẻ: “Sau đại dịch, lượng khách đang dần phục hồi trở lại. Năm 2023, Lý Sơn thu hút khoảng 170.000 lượt khách, trong đó có 1.959 lượt khách quốc tế, tăng 126% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt có 72.965 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1.159 lượt, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Điểm cộng của Lý Sơn không chỉ là cảnh quan thiên nhiên, con người thân thiện, ẩm thực và hải sản tươi ngon mà huyện đảo này ngày càng tạo ra trải nghiệm thú vị cho người dân bằng cách tập huấn cho người dân tham gia vào làm du lịch, kinh doanh loại hình dịch vụ homestay và các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Huyện Lý Sơn tập trung phát triển hạ tầng du lịch gắn những danh thắng nổi tiếng với những hoạt động văn hóa truyền thống của ngư dân miền biển.

Nhiều di tích như: Chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải… được khai thác, phục vụ du khách không thu phí. Đặc biệt, dù cách trở địa lý, nhiều sản phẩm, hàng hóa phải chở từ đất liền ra, nhưng Lý Sơn làm rất tốt khâu bình ổn giá, nhất là mùa cao điểm du lịch, các dịp lễ. Một cán bộ phụ trách du lịch nơi đây chia sẻ: “Trước dịp lễ, chúng tôi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, nhắc nhở chỉ tăng chất lượng sản phẩm, không tăng giá. Điều đó đã làm du khách an tâm và hài lòng”.

Sự phát triển của ngành du lịch ở Lý Sơn đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đảo; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, du lịch Lý Sơn vẫn còn một số hạn chế. 3 ngày 2 đêm ở Lý Sơn, những khảo sát, trao đổi, tìm hiểu khiến chúng tôi nhận thấy nhiều điều. Mặc dù hiện nay thủ tục với khách quốc tế khá thuận lợi, nhưng việc hút khách quốc tế đến du lịch huyện đảo rất ít. Lợi thế đặc trưng ở đảo, nhưng việc giữ chân khách lưu trú chưa cao, do thiếu dịch vụ về đêm (trước đó mô hình chợ đêm mở ra từng thất bại). Tại nhiều điểm du lịch ở Lý Sơn, việc khai thác, gắn sản phẩm du lịch với những câu chuyện để tăng tính hấp dẫn vẫn chưa làm tốt.

Kinh nghiệm cho du lịch Huế

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch đã trải nghiệm, tìm hiểu mô hình du lịch ở nhiều nơi khác. Mục tiêu của ngành du lịch Cố đô là cùng các doanh nghiệp, chủ cơ sở homestay, hợp tác xã dịch vụ du lịch, hộ kinh doanh du lịch nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm từ mô hình hiệu quả của tỉnh bạn để phát triển mô hình du lịch tại Thừa Thiên Huế, cũng vì thế cái hay, cái chưa tốt đều được “đóng gói” trong suy nghĩ để mang về phân tích, áp dụng.

Ngay tại Quảng Ngãi, chỉ riêng phần thuyết minh ở Khu chứng tích Sơn Mỹ đã đủ để lại ấn tượng cho khách. Hướng dẫn viên thuyết minh và đưa du khách trở về lịch sử bằng hình ảnh và lời thuyết minh ngắn gọn, nhưng giàu cảm xúc. Họ cũng dành cho du khách khoảng thời gian riêng tư để tìm hiểu những điểm khác ở khu chứng tích nếu không muốn hướng dẫn viên đi theo, song, để khách không lạc lõng về thông tin, những điểm đó đều có mã QR để khách quét vào nghe thuyết minh tự động, với thời lượng ngắn, đủ để khách nghe hết. Đó có thể mô hình rất hay mà những điểm tham quan, điểm du lịch ở Huế có thể tham khảo, áp dụng.

Riêng với đặc thù du lịch biển đảo, việc xây dựng các trải nghiệm nhiều hơn cho du khách cần được đẩy mạnh, gắn liền với nhịp sống ngư dân miền biển, trong đó, ngoài tắm biển, lặn ngắm san hô, các hoạt động như câu cá, câu mực, chèo thuyền kayak, cắm trại, thả diều, teambuilding… là những điều có thể hướng đến. Du lịch biển đảo chỉ có thể tạo được dấu ấn, sự khác biệt bằng chính những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Để giữ chân du khách, các dịch vụ trải nghiệm về đêm là điều không thể thiếu. Những mô hình chợ đêm, phố đêm, dịch vụ đêm na ná nhau dẫn đến thất bại ở các điểm du lịch cho thấy, muốn phát triển dịch vụ đêm phải có quá trình khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thị hiếu của khách một cách cẩn thận. Đồng thời, phải luôn có sự đổi mới, tránh trường hợp “sớm nở tối tàn”.

Ngoài khâu hoàn thiện sản phẩm, công tác quảng bá, xúc tiến phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và quảng bá qua nhiều kênh, có sự kết nối mang tính liên vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng. Chính quyền địa phương và ngành du lịch cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch với một số thành phố lớn, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành, kết nối tour, tuyến trong và ngoài tỉnh, tạo chuỗi kết nối phát triển du lịch…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “mắt xích” phát triển liên vùng - Kỳ 1: Kết nối, thúc đẩy phát triển

Khác với trước, đến thời điểm này hệ thống hạ tầng giao thông đang đầu tư khớp nối đồng bộ, các không gian phát triển được định hình rõ nét. Đây chính là tiền đề để các cấp, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch thực hiện hiệu quả các quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những “mắt xích” phát triển liên vùng - Kỳ 1 Kết nối, thúc đẩy phát triển
Phát triển rừng cộng đồng dựa vào nội lực

Đó là chủ đề tại hội thảo “Chia sẻ sáng kiến để phát triển rừng cộng đồng dựa vào nội lực” diễn ra ngày 29/6, do Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh tổ chức.

Phát triển rừng cộng đồng dựa vào nội lực
Return to top