ClockThứ Bảy, 19/01/2019 12:42
LIÊN KẾT DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ - QUẢNG TRỊ - QUẢNG BÌNH:

Cần cụ thể hơn

TTH - Sau hơn 2 năm liên kết phát triển du lịch giữa ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, đến nay, sự liên kết này vẫn đang còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao.

Liên kết để phát triển du lịch Bình - Trị - Thiên

Du khách tham quan, tìm hiểu di sản Huế

Còn hình thức

Tại hội nghị tổng kết liên kết du lịch Bình – Trị - Thiên cuối năm 2017, một loạt sản phẩm du lịch được ba địa phương thống nhất đưa vào khai thác trong năm 2018, như: “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”; con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững; tham quan chiến trường xưa Huế - Quảng Trị; du lịch đường bộ cho khách du lịch Thái Lan và Lào đi qua cửa khẩu Hồng Vân (Huế), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo và La Lay (Quảng Trị)… Nhưng đúng một năm khai thác, Hiệp hội Du lịch ba tỉnh đánh giá, số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia còn rất ít, lượng khách sử dụng theo đó cũng không đáng kể.

Thông qua sự liên kết, thời gian qua, ngành du lịch ba địa phương thực hiện nhiều chuyến khảo sát, xây dựng sản phẩm cho khách du lịch quốc tế, cũng như nội địa, qua đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan); sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử cho khách quốc tế từ Quảng Bình đến Quảng Trị, Huế… Tuy nhiên, sau những chuyến khảo sát, sự hợp tác chưa được thúc đẩy, chưa có sản phẩm hay tour tuyến chung.

Tại hội nghị tổng kết liên kết ba địa phương cuối năm 2018, các đại biểu tham gia nhìn nhận, nguyên nhân của liên kết giữa ba địa phương chưa sâu, chưa mang hiệu quả là do liên kết chủ yếu về mặt quản lý, định hướng của các cơ quan quản lý mà thiếu sự liên kết giữa các DN du lịch ba địa phương.

Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tần suất cho sự tương tác, gặp gỡ và hợp tác giữa các DN du lịch giữa ba địa phương gần như không có. Đầu năm lên kế hoạch hợp tác và cuối năm tổng kết, đánh giá lại sự liên kết đó. Một năm mới gặp gỡ một lần, đây thời gian quá dài để các DN kịp thời mổ xe nguyên nhân, khó khăn và tìm hướng khắc phục để có thể khai thác các sản phẩm hiệu quả hơn.

Một lý do khách quan cũng được chỉ ra là có sự khác nhau về đặc trưng các sản phẩm du lịch của ba địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của khách. Đối với Huế có thế mạnh là văn hóa, di sản nên thu hút khá nhiều khách quốc tế (hơn 2 triệu lượt trong năm 2018); trong khi đó, Quảng Bình lại thu hút chủ yếu khách nội địa (chỉ 200 ngàn lượt khách quốc tế trong năm 2018), nên khó để đưa khách đến với nhau. Ngoài ra, Quảng Trị dù đã rất cố gắng xây dựng sản phẩm, nhưng đánh giá của các DN, vẫn còn đơn điệu, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của khách.

Thường xuyên gặp gỡ

Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho rằng, thời gian đến, để sự liên kết hiệu quả hơn, cần mở rộng liên kết thêm Đà Nẵng và Quảng Nam để xây dựng “5 địa phương 1 điểm đến”, tạo hình ảnh quảng bá của khu vực miền Trung. Sau đó, tổ chức các hoạt động phối hợp quảng bá, xúc tiến điểm du lịch của 5 địa phương; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, mời các DN lữ hành lớn, các hãng hàng không, các blogger nổi tiếng đến khảo sát, phát triển sản phẩm chung cho cả vùng du lịch và đẩy mạnh hơn sản phẩm “Con đường di sản miền Trung”.

Một vấn đề cần được thực hiện tốt hơn là xây dựng thương hiệu du lịch chung cho ba địa phương, với sản phẩm du lịch chọn lọc, mang tính đặc thù của mỗi địa phương và phải bổ sung cho nhau, chứ không cạnh tranh nhau... Các DN góp ý, ba địa phương có thể xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh chung cho khách du lịch nội địa; nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sinh thái, mạo hiểm tại nhánh tây đường Hồ Chí Minh, chuỗi sản phẩm du lịch Cố đô nước Việt (Huế) - Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) - Kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình)… Một số DN cho rằng, để kích cầu khách, DN rất cần có sự hỗ trợ ban đầu về chính sách giảm giá, thủ tục hành chính ở cả ba địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phân tích, nếu các vướng mắc, khó khăn trong hợp tác, liên kết không sớm khắc phục sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý “bỏ cuộc” của các DN, do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm cầu nối, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ cho các DN thường xuyên hơn. Có thể mỗi quý tổ chức một lần, hoặc ít nhất nửa năm một lần, khi đó những khó khăn mới có thể sớm giải quyết, tiến đến xây dựng dịch vụ, điểm đến tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, để sự liên kết hợp tác đạt hiệu quả, trong năm 2019 này, ngành du lịch ba tỉnh sẽ thành lập tổ thư ký, giao Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch từng địa phương làm đầu mối để tiếp nhận thông tin, theo dõi và triển khai các hoạt động theo kế hoạch năm đã được ba địa phương đồng thuận. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Du lịch của ba tỉnh có sự chung tay tích cực hơn với ngành du lịch, để DN ba địa phương kết nối nhiều hơn.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển
Return to top