ClockThứ Năm, 09/02/2023 13:45

Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch

TTH - Sản phẩm du lịch là lý do để du khách quyết định lựa chọn điểm đến. Dù đã có nhiều kế hoạch, giải pháp, nhưng sự phát triển sản phẩm của du lịch Huế vẫn còn chậm.

Nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch“Muốn đi xa thì đi cùng nhau…”

Đoàn doanh nghiệp khảo sát sản phẩm ở Hương Thủy

Chưa có nhiều thay đổi

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành du lịch năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh thông tin, cuối năm 2023, sẽ thời điểm mà các đề án để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thiện để trình Trung ương xem xét, tiến đến công nhận vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là, vào cuối năm 2023 là thời điểm “chốt” lại các kế hoạch, giải pháp để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế.

Thời gian còn lại chưa tròn năm. Thời gian không phải dài đối với du lịch Huế, nhất là nhìn vào các con số mà ngành du lịch phải phấn đấu đạt vào năm 2025: thu hút khoảng 6 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.

Trải nghiệm trò chơi cung đình trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Quang Sang

Điều đáng lo lắng là, cho đến đầu năm 2023, du lịch Huế vẫn chưa có những sản phẩm mới, đủ sức để tạo “cú hích” mới cho ngành công nghiệp “không khói”. Chẳng hạn như làm mới sản phẩm văn hóa - di sản; sản phẩm vui chơi giải trí; những khách sạn, resort mang tầm quốc tế…

Một nghiên cứu độc lập của Hiệp hội Du lịch tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão chỉ ra rằng, số lượt khách đến Huế gấp đôi số khách lưu trú. Điều đó có nghĩa là thời gian trung bình khách khi đến Huế là 1 ngày đêm. Mức chi tiêu của khách cũng chỉ là khoảng 1,7 triệu đồng cho 1,5 ngày. Có thể đó chỉ là những con số mang tính tham khảo, song ít nhiều cũng cho thấy thực tế của ngành du lịch Cố đô.

Du lịch có 3 lĩnh vực chính: Lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Cả ba lĩnh vực này đều lấy sản phẩm du lịch làm trục để xoay quanh. Vì vậy, ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển du lịch mang tầm vĩ mô, sản phẩm là yếu tố then chốt. Thời gian qua, dù có một số sản phẩm được hình thành, nhưng phải thẳng thắn rằng, các sản phẩm còn nhỏ lẻ, chỉ phục vụ được một ngách thị trường rất nhỏ trong tổng số lượng khách đến Huế. Để đạt được các mục tiêu về nguồn khách, mức chi tiêu, ngày lưu trú thì du lịch phải có sự đột biến.

Khách quốc tế ở các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ chọn nghiên cứu, tìm hiểu sâu văn hóa; trong khi đó, khách Đông Nam Á, Hàn Quốc và nội địa lại thích trải nghiệm, thích thưởng thức những hoạt động có tính tái hiện cao hơn. Tuy nhiên, các điểm di tích ở Huế chủ yếu dừng lại tham quan thuần túy, chưa có các trải nghiệm.

Từng có những tour du lịch nổi lên mà Huế nổi lên hơn cả, là sự lựa chọn hàng đầu trong lịch trình, như “Hành trình di sản miền Trung”, gần đây là “Miền di sản diệu kỳ”. Hay những tour rất được kỳ vọng, như “Huế - hành trình qua các kinh đô Việt”; “Đông Dương: Ba Cố đô – một điểm đến”; hay nhóm sản phẩm thiên về trải nghiệm, như: “Về Huế - cùng khám phá và tận hưởng”, “Tạo trải nghiệm văn hóa Huế cho riêng mình”, “Huế - Những khoảnh khắc thư thái và yên tĩnh”… Nhưng rồi, một số sản phẩm không được đẩy mạnh, hay bị bỏ quên; một số lại còn nằm trên bàn giấy.

Thời gian qua, nhiều chuyến khảo sát, đánh giá để tiến đến xây dựng các tour du lịch ra vùng ven TP. Huế, tăng tính đa dạng và bổ trợ cho du lịch văn hóa - di sản. Nhưng rồi, sự chuyển dịch của các tour vẫn đang rất chậm. Chưa có tour nào được đưa vào khai thác.

Hướng đến đáp ứng nhu cầu của khách

Đối với mọi điểm đến, sản phẩm có hấp dẫn, đặc trưng, mới lạ, đúng nhu cầu, mới tạo ra hành vi đi du lịch và sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho những khám phá, trải nghiệm mới. Muốn khách ở lại lâu hơn thì cũng phải là sản phẩm du lịch có tính đa dạng, phong phú.

Huế thiếu những sản phẩm du lịch thu hút du khách (ảnh minh hoạ). Ảnh: Bảo Phước

Theo ông Đỗ Ngọc Cơ, làm gì đi chăng nữa, trong phát triển sản phẩm cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Một trong những yếu tố tạo nên tính đa dạng và phong phú của du lịch là nhu cầu của khách du lịch thường xuyên thay đổi. Do đó, để tạo ra được lợi nhuận thì các sản phẩm du lịch phải phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều đó thì phải luôn nghiên cứu khách hàng, thị trường: sở thích, mong muốn, thu nhập… Khai thác tài nguyên du lịch phải chú ý đến tính đặc trưng, độc đáo của điểm đến kết hợp khai thác luôn cả những tài nguyên xunh quanh.

Ông Cơ đặt vấn đề, nhiều trải nghiệm trong Đại Nội dịp tết âm lịch vừa qua rất hay, đặc biệt là tái hiện lại các trò chơi cung đình. Đó là giải pháp để tăng “phần hồn” cho di sản Cố đô. Nhưng sau đó khi đưa khách vào lại Đại Nội thì không cò duy trì nữa. Hỏi ra thì mới biết chỉ tái hiện lại trong ba ngày tết mà thôi. Vì sao không duy trì thường xuyên? Chắc chắn du khách rất thích. Doanh nghiệp có thêm cơ sở thu hút khách tốt hơn.

Theo các chuyên gia, hiện nay xu hướng thị trường khách du lịch đang tìm kiếm sự tương tác với cộng đồng dân cư và tìm kiếm các trải nghiệm khác biệt nhiều hơn. Nếu địa phương cho thấy tài nguyên rất phong phú, đa dạng nhưng sản phẩm vẫn nghèo nàn, chính bởi tính trải nghiệm không có hoặc hoàn toàn không đáp ứng đúng mong muốn, sở thích của thị trường. Việc định hướng phát triển sản phẩm du lịch vẫn chỉ được tiếp cận theo lối truyền thống. Phát huy tài nguyên du lịch và phát triển hệ thống sản phẩm, cùng đội ngũ lao động không bắt nhịp với xu hướng thì rất khó trong cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, mỗi thị trường khách sẽ có những đặc điểm khác nhau khi lựa chọn điểm đến và dịch vụ, chẳng hạn du khách ở các vùng đô thị thường có nhu cầu về các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái thiên nhiên… Các hoạt động xanh, hoạt động thiện nguyện, hoạt động phát triển văn hóa cộng đồng, kết hợp chương trình du lịch sẽ tạo dấu ấn và sức hút đặc biệt đối với thị trường khách quốc tế và thế hệ trẻ trong nước. Ðặc biệt, việc áp dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ sẽ không chỉ thu hút khách hàng bằng yếu tố “thời thượng”…

Tham gia Diễn đàn Du lịch Huế 2022, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho rằng, Huế cần chú trọng khai thác chiều sâu các giá trị văn hóa. Những nhà làm du lịch ở Huế cần tìm kiếm những cách tiếp cận mới, như phát triển các dịch vụ về đêm gắn với tri thức tại các bảo tàng, thư viện, điểm di tích văn hóa, lịch sử; tăng cường các trải nghiệm ẩm thực bằng tất cả giác quan, không chỉ nếm thử mà còn chiêm ngưỡng tinh hoa nghệ thuật ẩm thực, tìm tòi giá trị, học hỏi cách làm. Chẳng hạn như khám sức khỏe bằng Đông y, kết hợp nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe bằng những liệu trình truyền thống rất khác biệt, cần đẩy mạnh khai thác.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

TIN MỚI

Return to top