Halal - du lịch Hồi giáo - sẽ tiếp tục là một trong những lãnh địa du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và du khách Halal sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số Hồi giáo được dự báo đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030. Đó là thông điệp đáng chú ý tại hội thảo quốc tế được Trường Du lịch - Đại học Huế phối hợp Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tổ chức tại Huế cuối tuần qua.
Món ăn Việt phù hợp gu ẩm thực của dòng khách Halal - du lịch Hồi giáo. Ảnh: Tư liệu
Các chuyên gia cũng cho rằng, để đón bắt xu thế, tạo đà tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển bền vững cho đất nước trong thời gian tới, du lịch Việt Nam cần tận dụng tốt hơn những lợi thế sẵn có, áp dụng cách tiếp cận mới để thu hút nhiều hơn du khách từ Bắc Phi - Trung Đông.
Tìm kiếm thị trường mới là một trong những áp lực không hề nhỏ đối với lĩnh vực du lịch. Tại Thừa Thiên Huế, bài toán thị trường từng được đặt ra cách đây không dưới chục năm, khi thị trường châu Âu, đặc biệt là thị trường du lịch từ Anh, Pháp, vốn là dòng khách truyền thống của Huế, có dấu hiệu bão hòa sau thời gian dài khai thác, trong khi sản phẩm ít được làm mới. Khi ấy, chiến lược khai thác thị trường du lịch trong khu vực được thúc đẩy, với hiệu quả rõ rệt là sự tăng trưởng ồ ạt lượng khách vùng Đông Bắc Thái Lan đến Huế.
Nay, cơ hội tiếp cận thị trường Bắc Phi - Trung Đông đang mở ra triển vọng mới cho ngành du lịch Việt nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo nêu trên, đối với Việt Nam, lượng du khách đến từ các nước Bắc Phi - Trung Đông chiếm tỷ lệ không đáng kể, đặc biệt là lượng du khách Halal. Tương tự, tại Thừa Thiên Huế, sản phẩm Halal nói riêng và phục vụ du khách đạo Hồi nói chung còn rất hạn chế.
Cơ hội đã được nhận diện, nhưng làm gì để chạm được thị trường xa xôi và lạ lẫm như Bắc Phi và Trung Đông rõ ràng là một thách thức lớn với du lịch Việt, đòi hỏi sự đầu tư về công tác nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, dự lượng cung - cầu…, để chuẩn bị nhân lực, cung ứng dịch vụ, thúc đẩy quảng bá…
Với Thừa Thiên Huế, cuộc cạnh tranh tiếp cận thị trường mới này chắc chắn không dễ, bởi ngoài khó khăn chung, dù Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, đang phục hồi trở lại sau ảnh hưởng COVID-19, nhưng thực tế cho thấy, năng lực đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch Huế đang thiếu hụt dịch vụ cao cấp, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công tác quảng bá.
Phân tích cho thấy, với nhu cầu hiện tại, ngành du lịch của tỉnh đang thiếu trầm trọng cơ sở lưu trú cao cấp, thiếu nhân lực quản lý có chuyên môn cao, trong đó có cả tình trạng thiếu hụt đội ngũ hướng dẫn viên tiếng hiếm. Với những khoảng trống thiếu hụt ấy, ngay cả đáp ứng nhu cầu lượng du khách nội địa vào những dịp cao điểm như lễ, tết cũng đã khó, nên chiến lược vươn ra thị trường lớn và xa cần phải sớm, nếu không muốn chậm chân.
Trong khi, thông tin trên trang dulichvietnam cho thấy, từ năm 2015, nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Marocco, Bahrain, Ô-man, Brunei Darussalam… đã có chiến lược thu hút du lịch Halal. Riêng Indonesia đã đặt mục tiêu thu hút trên 20 triệu khách du lịch trong năm 2022, trong đó 5 triệu người sẽ đến nước này bằng du lịch Halal. Là một trong những phân khúc du lịch được ghi nhận sự tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, đóng góp của du lịch Halal cho nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng 35% (300 tỷ USD) vào năm 2020, nếu không có tác động của COVID-19.
Kim Oanh