Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm bên lề hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”
Du lịch khu vực này có rất nhiều lợi thế, nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Dưới góc độ của quản lý nhà nước lẫn ý kiến chuyên gia, các đại biểu tham dự đã đưa ra những giải phải để du lịch miền Trung – Tây Nguyên tìm được bước đột phá mạnh mẽ. Từ đó, có hướng đi đúng với thế mạnh vốn của của mình.
Dưới đây là ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Kết nối những tương đồng để tạo sức mạnh chung
Các tỉnh miền Trung có những sản phẩm du lịch tương đồng. Chúng ta không thể phủ nhận có sự cạnh tranh, nhưng vấn đề cạnh tranh để phát triển, nếu có khả năng kết nối những tương đồng sẽ tạo được sức mạnh chung.
Với góc độ quản lý ngành, chúng tôi phân tích du lịch miền Trung bên cạnh nét chung, có những nét riêng rất đặc sắc, như di sản ở Huế khi so sánh với các di sản khác có đặc sắc riêng.
Thời gian đến, cần giải quyết về khả năng kết nối hạ tầng, giao thông, điểm đến; xây dựng các cơ chế, chính sách chung tính đến lợi thế các địa phương; phát triển nguồn nhân lực; quảng bá xúc tiến du lịch chung của các địa phương.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung: Phát triển đô thị ven biển gắn với du lịch và bất động sản
Tôi ví von miền Trung là máng xối còn Tây Nguyên là mái nhà. Do đó, cần tập trung xây dựng khu kinh tế ven biển gắn với công nghiệp, khu kinh tế này gắn với nguyên liệu ở Tây Nguyên, cùng với đó, khai thác tiềm năng về logistics ở các cảng biển, kinh tế miền Trung và Tây Nguyên sẽ cùng phát triển.
Ngoài ra, miền Trung cần tập trung phát triển thêm ngư nghiệp gắn với chế biến thủy hải sản, đây là thế mạnh vì có bờ biển kéo dài 2.000km, cùng với đó phát triển đô thị ven biển gắn với du lịch và bất động sản.
Để làm được điều này, các tỉnh cần thay đổi tư duy, phát triển du lịch từ điểm sang vùng du lịch. Toàn bộ miền Trung có thể chia thành 2 vùng, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và từ Bình Định đến Bình Thuận. Khi đó, tạo thành chuỗi “xương cá” gắn các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên. Cần chính sách tạo điều kiện để các tập đoàn tư nhân gắn kết với nhau, hình thành nên những “con sếu” đầu đàn, với những doanh nghiệp nhỏ, từ đó sẽ tạo thành sức mạnh ghê gớm.
Ngoài ra, cần thí điểm quỹ phát triển du lịch bằng nguồn phụ thu từ khách sạn và các doanh nghiệp du lịch. Vấn đề này đã được thảo luận khi xây dựng Luật Du lịch 2017, nhưng chưa có điều kiện trở thành quy định. Điều này, Chính phủ có thể thí điểm 1 vùng du lịch để có kinh nghiệm thực tiễn cho việc luật hóa. Tức nhiên, quỹ này được quản lý công khai, minh bạch phục vụ cho công tác quảng bá, tiếp thị du lịch chung của vùng.
PGS- TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cần đặt nặng trách nhiệm, gây áp lực với các địa phương
Qua thời gian nghiên cứu, hạn chế của du lịch các tỉnh miền Trung là chỉ đang khai thác những cái “mặt tiền”, chưa có chiều rộng để phát huy năng lực. Những thành phố du lịch còn thiếu dịch vụ về đêm, khách không ở lại lâu và chi tiêu ít. Miền Trung và Tây Nguyên có thế mạnh du lịch nhất nước, nhưng mà cái mạnh nhất đó là “mạnh ai nấy làm” nên các thế mạnh du lịch đó không phát huy tối đa hiệu quả.
Thiếu thể chế vùng đã được nói rất nhiều lần, các tỉnh phải đi xin chính sách nhiều hơn thay vì tự đặt ra chính sách riêng cho cả vùng. Do đó, Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương để các địa phương chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau.
Một chuyên gia nước ngoài từng cho rằng: “Người Việt rất thông minh nhưng lại dễ hài lòng, không dám dấn thân trừ khi hoàn cảnh bắt buộc". Vì thế Chính phủ, các Bộ, ngành thay vì dành nhiều lời khen thì cần đặt nặng trách nhiệm, bắt buộc, phải gây áp lực liên tục, nhiều hơn đối với các địa phương miền Trung và Tây Nguyên để các địa phương nỗ lực trong quá trình phát triển.
PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Chú trọng đến du lịch biển
Du lịch miền Trung và Tây Nguyên cần thay đổi cách làm, chuyển số lượng sang chất lượng, bởi khi khách đến quá lớn tạo áp lực cho môi trường, tài nguyên, cụ thể như ở Đà Nẵng và Khánh Hòa thời gian qua. Cơ cấu lại thị trường, phục hồi lại những thị trường truyền thống, mang lại lợi nhuận cao và hướng đến những thị trường chi tiêu cao.
Vùng cần chú trọng đến du lịch nghỉ dưỡng biển và sản phẩm di sản làm trọng tâm phát triển.
Khi đầu tư, hỗ trợ những dự án, Chính phủ chỉ đầu tư những dự án có tính liên kết vùng, chứ không nên đầu tư theo điểm như trước đây; cho phép du khách nước ngoài mua hàng và hoàn thuế tại nơi để kích thích mua sắm. Có chính sách lấy visa tại cửa khẩu, tăng thời gian thị thực 7 ngày cho khách tàu biển.
Ông Gavin Herholdt, Giám đốc Laguna Việt Nam: Làm du lịch phải có trách nhiệm
Để tăng tính bền vững của du lịch thì làm du lịch phải có trách nhiệm, tăng thời gian lưu trú, thay vì tăng quá nhiều lượng khách. Nhiều du khách châu Á đã quá chán với những đô thị ồn ào, họ muốn đến miền Trung bởi nơi này có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng với chiều sâu về văn hóa.
Do đó, cần tạo ra những sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường như du lịch bằng đạp xe, leo núi…
Riêng đối với Huế, vùng đất có chiều sâu văn hóa vì thế khách rất thích thú, ấn tượng khi đến tham quan. Ngoài ra, Huế cần xây dựng những khu phố cổ để thu hút khách hơn.
Ông Kim Do Hyon - Đại sức đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam: Câu chuyện văn hóa cuốn hút du khách
Huế có nhiều điểm đến rất đẹp. Sông Hương rất thơ mộng, món ăn Huế rất ngon, mỗi lần đến Huế cảm nhận được hương vị văn hóa lịch của Việt Nam khiến tôi muốn sống ở Huế. Nhiều khách Hàn Quốc muốn đến Huế bởi ở đó có nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử cuốn hút. Điều này rất quan trọng với du lịch, để du khách quay trở lại.
Đức Quang - Phan Thành (thực hiện)