Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Sau gần 5 giờ làm việc, Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” diễn ra sáng 16/2 đã thống nhất được nhiều vấn đề quan trọng. Qua đó, thúc đẩy du lịch nói riêng và kinh tế các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên phát triển tương xứng với lợi thế đang nắm giữ.
Sẵn sàng cho sự phát triển chung
Các đại biểu tham dự hội nghị nhìn nhận, khu vực miền Trung và Tây Nguyên nơi nào cũng có nhiều cảnh đẹp với sức hút đặc biệt đang được phát hiện, khai thác và dần phát huy hiệu quả.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2017 – 2018 khẳng định, khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng đô thị du lịch thông minh, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng, chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…
Đại biểu các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành và đại diện các cơ quan quốc tế, doanh nghiệp... tham dự hội nghị
“Không thể thống nhất suy nghĩ, nhưng có thể thống nhất miền Trung và Tây Nguyên qua một mục tiêu chung, đó là xây dựng du lịch miền Trung - Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng, qua hội nghị này, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh, môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư của các địa phương khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, đi đến hợp tác, đầu tư ngay trong ngày hôm nay hoặc tương lai gần. Chúng tôi đã sẵn sàng và nồng nhiệt chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư vào miền Trung và Tây Nguyên”, ông Phan Ngọc Thọ mong muốn.
Để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên thời gian tới, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đề xuất Chính phủ xem xét thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực nhằm đưa du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; cho phép xã hội hóa thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch vùng...
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu (phải) trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị
Về phát triển sản phẩm du lịch cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư đảm bảo đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 3 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: Chân Mây - Lăng Cô, Cù Lào Chàm và Bắc Cam Ranh; xây dựng 2- 3 tổ hợp mua sắm – vui chơi giải trí dành cho khách du lịch.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thu hút hơn sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư để dẫn dắt và tạo ra sự bứt phá. Chính quyền địa phương mỗi tỉnh thành cũng cần tập trung cải thiện triệt để môi trường du lịch, bảo đảm xanh- sạch- đẹp, văn minh thân thiện.
Cộng đồng địa phương từng nơi phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nét đẹp của dân tộc trong ứng xử văn minh du lịch, trong giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo đến bạn bè quốc tế.
Gắn du lịch với các ngành khác
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, để du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên phát huy hiệu quả, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển du lịch trong phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, điểm đến du lịch; có chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch tư nhân.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, chất lượng, giá trị trải nghiệm cao, khai thác các giá trị tài nguyên có lợi thế cạnh tranh cao, du lịch biển cũng như các giá trị tài nguyên đặc thù như du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa cộng đồng… nhằm hình thành sản phẩm du lịch của vùng. Đặc biệt cần liên kết đang phát huy hiệu quả từng vùng như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh… làm điển hình và nhân rộng.
Toàn cảnh hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, miền Trung và Tây Nguyên là nơi hội tụ, đại diện hầu hết các tài nguyên du lịch đang có của Việt Nam, từ biển, di sản, sinh thái, đến hang động, đặc biệt có 11 di sản thế giới, 2.000km bờ biển đẹp nhất. Tuy nhiên, nhiều địa phương, nhiều tài nguyên chưa khai thác hết được lợi thế, một số sản phẩm du lịch đã quá cũ...
Do đó, miền Trung và Tây Nguyên phải đổi mới sáng tạo, có cách nhìn mạnh mẽ, thể hiện khát vọng phát triển. Trước hết phải nhìn nhận lại du lịch phát triển phải gắn với các ngành khác để tạo thành cụm ngành, chứ không chỉ tập trung vào tài nguyên du lịch, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không thể tách khỏi văn hóa, giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải xây dựng hình ảnh người dân, nhân viên du lịch thân thiện, chân thành, chăm sóc, tận tụy… để có thể trở thành những “đại sứ” du lịch, điều này quan trọng hơn cả tài nguyên du lịch. Các doanh nghiệp trong khu vực cũng tự tôn dân tộc, tăng khả năng quảng bá nét đẹp của đất nước, tránh hạ giá, cạnh tranh mà bán rẻ văn hóa, tài nguyên du lịch.
Cũng tại hội nghị lần này, một số tỉnh thành đã trao quyết định chủ trương đầu tư và hợp đồng chiến lược cho các doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ban, ngành. Trong ảnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao quyết định chủ trương cho một doanh nghiệp đầu tư
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cần rà soát lại các tài nguyên du lịch đã khai thác tốt chưa, “viên ngọc” đã giao cho "thợ kim hoàn" giỏi chưa; thống kê, phân loại các tài nguyên du lịch, thu hồi các tài nguyên đã giao cho doanh nghiệp mà khai thác không hiệu quả, ảnh hưởng đến tài nguyên.
Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý chủ trương "mở cửa" bầu trời, tận dụng mọi nguồn lực mở rộng các sân bay; sớm hình thành cảng biển du lịch để đón khách tàu biển; xây dựng con đường ven biển từ Huế đến Bình Thuận bằng hình thức đấu giá để đầu tư tuyến đường, tạo động lực phát triển du lịch.
Bài, ảnh: Đức Quang - Phan Thành