ClockThứ Ba, 09/08/2022 14:28

Để lữ hành “làm chủ” du lịch Huế - Kỳ 2: Trách từ hai phía

TTH - Yếu, thiếu dẫn đến bị động trong việc khai thác khách đều có nguyên nhân của nó. Khi đi sâu phân tích mới thấy, có cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan khiến lữ hành Huế mất dần vị thế của mình.

Để lữ hành “làm chủ” du lịch Huế - kỳ 1: Yếu & thiếu - làm gì cũng khó

Nhiều lữ hành không hình thành sản phẩm mới mà chỉ khai thác dựa trên nền tảng sẵn có

Chuyện của lữ hành Huế

“Căn bệnh” của doanh nghiệp Huế bấy lâu nay là câu chuyện “bắt chước” nhau, thấy doanh nghiệp nào đó có sản phẩm mới, khai thác hiệu quả thì làm theo. Thậm chí, có doanh nghiệp lấy ý tưởng của nhau rồi hạ giá tour để “câu” khách. Một yếu tố khác, doanh nghiệp Huế chỉ khai thác những sản phẩm dựa trên những nền tảng đã có sẵn, không có sự đầu tư, nên nguồn thu không lớn.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, vào thời điểm còn là Giám đốc Sở Du lịch cũng đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế của lữ hành Huế, các doanh nghiệp cho rằng, du lịch Huế không có gì mới, phụ thuộc vào văn hóa di sản. Nhưng nói đi cũng phải phân tích lại, lâu nay lữ hành đã đóng góp xây dựng, hay làm mới sản phẩm du lịch cho Huế nhiều hay không. Hay chỉ khai thác tour dựa trên những gì Huế đang có, không có những đổi mới, hay tính sáng tạo trong các tour tuyến. Đó là những nguyên nhân chính khiến quy mô của doanh nghiệp Huế cứ nhỏ bé, sản phẩm du lịch cứ manh mún và “na ná” nhau.

Tính đoàn kết là dấu hỏi lớn cho lữ hành Huế

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Hoài  Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, trong các vai trò của lữ hành là có xây dựng sản phẩm. Nhìn vào thực tế, lâu nay không có nhiều doanh nghiệp lữ hành Huế tự xây dựng sản phẩm của riêng mình; định hướng phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách hàng. Trong du lịch, một lữ hành chỉ chi phối, hay thu hút được khách khi lữ hành tổ chức và khai thác được sản phẩm riêng. Hay nói cách khác, sản phẩm quyết định việc thu hút khách chứ không phải lữ hành. Còn khi tất cả tour tuyến đều mang tính tương đồng, không có sản phẩm “đinh” thì không có vai trò làm chủ.

Tính đoàn kết, phối hợp cùng nhau phát triển cũng là điểm yếu của lữ hành Cố đô. Ở Huế từng hình thành một số “liên minh” du lịch, đã kết nối được một số doanh nghiệp với nhau, cùng khai thác thị trường và cho thấy hiệu quả  bước đầu; trong đó, phải kể đến liên minh khai thác thị trường khách Huế đi Đà Lạt. Nhưng rồi, chỉ sau thời gian, chính các doanh nghiệp lại cố tình phá giá của nhau. Chẳng hạn như một vụ việc cạnh tranh đã đưa ra Ban Chấp hành Hội Lữ hành để phân xử. Cụ thể là doanh nghiệp A đến chào tour tại một đơn vị giáo dục ở thị xã Hương Thủy, sau đó công ty B đến chào bán tour. Biết giá công ty A, công ty B cố tình hạ giá tour xuống để được đơn vị này đặt tour. Do phá nhau nên công ty B đã tự hạ thấp chất lượng, đưa khách lưu trú ở khách sạn thấp sao, cắt giảm bữa ăn. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch chung của Huế.

Hay một thời gian, một số lữ hành cũng tranh cãi trong việc khai thác tour “Hoàng hôn trên phá Tam Giang”, khi các doanh nghiệp cho rằng đã có sự ăn cắp ý tưởng của nhau. Hay mới đây thôi là “liên minh” cùng khai thác tour trà chiều trên sông Hương. Tour du lịch mới được đánh giá rất cao, nhưng rồi cái tư duy kinh doanh hạ giá để thu hút khách lại tái diễn. Chính doanh nghiệp trong liên minh đã hạ giá khiến các thành viên khác bất bình và lại mất đoàn kết.

Một yếu tố khác cũng cần được mổ xẻ, phân tích là sự chu đáo, chuyên nghiệp khi khai thác tour. Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng vẫn thường lặp lại nhiều lần. Còn nhớ cách đây chưa lâu ngành du lịch tổ chức thí điểm tour mặc áo dài ngũ thân và tham quan các tuyến điểm bằng xích lô. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt (“trùm” du lịch tàu biển) thẳng thắn chỉ ra tour còn thiếu chuyên nghiệp. Ông Xuân Anh nêu dẫn chứng, tour được tổ chức mà không kèm bản đồ để khách nghiên cứu, chuyến đi kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ mà khách không được phục vụ nước uống trên xe; đơn vị làm tour quên luôn cả mũ hay một cái gì đó để khách che nắng…

Nỗi niềm lữ hành

Những lý do chủ quan vừa nêu khiến lữ hành Huế tự “kìm hãm” sự phát triển của mình. Nhưng theo giới quan sát, nguyên nhân khách quan là chính yếu khiến lữ hành Huế mãi không “lớn” lên theo năm tháng. Theo ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, vào giai đoạn này hay trong bối cảnh điểm đến có thay đổi thì giá cả luôn là yếu tố chi phối đến hoạt động lữ hành. Đối với lữ hành, đưa khách đến Huế hay bất kỳ điểm đến nào không hề quan trọng mà quan trọng là lợi nhuận mang lại. Khi đặt lên một bàn cân cạnh tranh về giá, thì Huế lại thuộc “top 1” về giá tour cao hiện nay. Khi giá dịch vụ tour đến Huế quá cao nên khó cạnh tranh với các điểm đến khác.

Đường hàng không chưa phát triển đã kìm hãm lữ hành phát triển

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích kỹ hơn, khách đến Huế bằng hai hình thức là qua đơn vị tổ chức tour và dạng tự túc. Khi đến miền Trung, Đà Nẵng là điểm trung chuyển chính nên có giá dịch vụ hàng không thấp hơn Huế rất nhiều. Chẳng hạn như vào giữa tháng 7/2022 vừa qua, cùng trong khoảng thời gian bay từ Hà Nội vào Huế lên đến 4,5 triệu đồng, nhưng vào Đà Nẵng chỉ có 1,5 - 1,9 triệu đồng, nên Huế rất khó thu hút khách trực tiếp. Bên cạnh đó, với khách đến Đà Nẵng sau đó chọn Huế và Hội An để tham quan thì Huế cũng bất lợi hơn. Chi phí ra Huế cao hơn, vì khoảng cách xa làm tăng chi phí vận chuyển, thêm phí cầu đường, chi phí lưu trú ở Huế cũng cao hơn…

Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO từng đến Huế khảo sát và cam kết sẽ đưa khách về Huế với khoảng vài chục nghìn khách/năm. Nhưng rồi hợp tác này đổ vỡ, dù phía lữ hành Huế đã đáp ứng các yêu cầu, cung ứng dịch vụ. Nguyên nhân phía câu lạc bộ có điều khoản sẽ ở lại thêm một đêm ở Huế và cần có cơ chế giảm giá một điểm tham quan để giảm giá tour, nhưng điều đó đã không được chấp nhận.

Khi đưa ra những phân tích giữa cái được, cái không, các chuyên gia cho rằng, cái lợi dễ dàng nhận thấy, giảm chi phí tham quan một điểm với 100 nghìn đồng/khách, đúng là di tích sẽ mất nguồn thu, nhưng nếu chấp nhận bớt nguồn thu này, Huế sẽ thu lại ít nhất gấp 5 lần con số đó. Ở lại Huế thêm một đêm sẽ lưu trú ở khách sạn, một bữa ăn tối, có thể thêm bữa ăn trưa cho hôm sau, thêm các dịch vụ vui chơi vào ban đêm và thêm thời gian để mua sắm.

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt đánh giá, cách làm du lịch của Huế thiếu sự dứt khoát và chưa hướng tới hiệu quả lâu dài. Như cam kết đưa khách ra Huế của công ty đã thống nhất bước đầu giữa hai phía, chúng tôi xúc tiến triển khai ngay, nhưng phía Huế lại chậm, khiến cam kết này cứ kéo dài, làm cho chúng tôi thấy “nản”. Nếu cứ kéo dài hình thức kinh doanh như thế, chưa thể mang đến hiệu quả từ hai phía “win – win” sẽ rất khó để các doanh nghiệp dành thêm tình cảm cho Huế.

Cũng liên quan đến các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã thực sự trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, hỗ trợ lữ hành phát triển. Ông Đỗ Ngọc Cơ cho hay, chúng tôi đã đề xuất không biết bao nhiêu lần về chính sách chiết khấu cho lữ hành. Ngay cả những trưởng đoàn của các đoàn khách quốc tế, mỗi tháng có khi họ đến Huế và vào các điểm di sản 4-5 lần, nhưng cũng phải mua vé như khách. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đưa ra chính sách rất rõ ràng, cứ 15 vé sẽ miễn phí 1 vé. Lữ hành mua vé vào tham quan di sản cũng giống như du khách thì vai trò của lữ hành đâu cần có.

Huế là điểm đến đậm đặc về văn hóa và nhiều lễ hội. Nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành, lịch trình lễ hội Huế quá gấp gáp, đến ngày diễn ra mới công bố chính thức. Trong khi đó, để thu hút khách, lễ hội phải được biết đến từ 6 tháng đến cả năm để lữ hành xây dựng tour, du khách sắp xếp thời gian để đến Huế. Như lễ hội “Hương xưa làng cổ” vừa mới tổ chức cuối tháng 7, việc quảng bá chậm nên lễ hội chủ yếu thu hút khách địa phương, khách đi tour gần như không có.

Bài, ảnh: Đức Quang

(Còn nữa)

Kỳ 3: Cơ hội mới của lữ hành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025

Trong khuôn khổ lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 vào tối 22/12, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã trao cờ đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top