Hôm rồi cả nhà tôi có dịp cùng đi du lịch vào Đà Nẵng và trú lại ở khách sạn khá có tiếng, là địa điểm check-in mới của Đà Nẵng nên gần như mấy trăm phòng của khách sạn kín chỗ. Chúng tôi là khách lẻ nên dù nhận oder song phải đi kèm với cam kết đúng thời gian đó phải nhận phòng và thanh toán luôn gói dịch vụ, nếu không họ sẽ cancel (huỷ đặt phòng) để nhận khách khác. Nhiều sao, hiện đại nên giá phòng/đêm kèm dịch vụ ăn tối của gia đình bằng cả tháng lương của người đã công tác hơn chục năm như tôi, song không vì thế mà khách sạn này bớt “hot”. Bằng chứng là sau đó một tuần, gia đình bạn tôi cũng đặt phòng khi nghe tôi giới thiệu về khách sạn thì không còn view vịnh (một trong những điểm hút khách của khách sạn này) nên đành phải chờ dịp khác. Nói vậy để thấy dù giá phòng và các dịch vụ đi kèm không hề rẻ nhưng khách sạn kia vẫn luôn “full” (kín chỗ) phòng.
Khu vực quán cà phê Nón trước đây nếu đầu tư, khai thác hợp lý sẽ là điểm đến hút khách
Dù khách sạn sang trọng, dịch vụ tốt song hạ tầng xung quanh chưa hoàn thiện. Một số đường dẫn vào khách sạn còn nhỏ hẹp, cây cối um tùm. Các công trình kế cận chưa nhiều cho thấy đây là khu đô thị, khu quy hoạch mới. Thế nhưng, điều đó cũng không ngăn được lượng khách đến với khách sạn này. Và quan trọng hơn, không chỉ nghỉ lại khách sạn, họ còn sử dụng rất nhiều dịch vụ, đến các điểm du lịch khác của Đà Nẵng. Chỉ chừng đó thôi cũng có thể thấy là có một nguồn thu không nhỏ. Một khách sạn đã vậy, nhiều khách sạn chắc chắn nguồn thu sẽ rất nhiều. Nhất là gần đây khi đến các điểm vui chơi, du lịch của Đà Nẵng, bao giờ cũng trong tình trạng gần như quá tải với khách đoàn đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc...
Được như vậy ngoài dịch vụ tốt, tôi cho rằng còn nhờ họ làm tốt khâu quảng bá, truyền thông. Bằng chứng khách sạn tôi ở có không ít các ngôi sao giải trí nổi tiếng đến và check-in. Hiệu ứng truyền thông, mạng xã hội đã đem lại cho khách sạn những nguồn khách liên tục và họ PR khôn ngoan theo kiểu nếu ai đã click vào trang của họ hoặc xem trên mạng xã hội về địa điểm này, thể nào cũng phải đến một lần cho bằng được. Và nhờ thế mà nguồn khách của họ càng lúc càng đông. Điều này tất nhiên phải kèm với dịch vụ tốt để kéo khách quay trở lại.
Nói điều đó để thấy rằng, ngành du lịch Huế làm truyền thông, quảng bá chưa tốt, dù chúng ta có khá nhiều khách sạn có view đẹp, nhìn ra phía sông Hương mà không phải địa phương nào cũng có lợi thế. Nếu làm tốt hơn công tác quảng bá, có khi các khách sạn và địa điểm check-in mới của Huế sẽ không thua kém bất kỳ địa phương nào. Điều này ngành du lịch đã từng thừa nhận và cho rằng, ngân sách cho công tác quảng bá thật sự rất khó khăn. Họ trông đợi khá nhiều vào các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nhưng xem ra, vẫn còn không ít doanh nghiệp chỉ quảng bá cái mình có mà chưa hướng đến cái khách cần và lợi ích của địa phương mình khai thác du lịch. Và còn thiếu hẳn sự liên kết, vẫn còn theo hình thức mạnh ai nấy làm.
Như vừa rồi, có đoàn khách từ Bình Phước ra Huế du lịch. Đơn vị làm tour đưa vào ở khách sạn trong Thành Nội và chỉ quanh quẩn ở đó rồi về. Thế nên họ không biết Huế có những địa điểm mới, đẹp như cầu gỗ lim, sôi động như phố Tây nếu không quay lại lần này và gặp chúng tôi. Khi nghe giới thiệu, họ đã rất hào hứng ăn vội buổi tối để đến những điểm check-in mới đó. Ít nhất là đã có thêm vài người biết về những đổi thay của Huế. Và nếu được lan toả hẳn là sẽ có thêm nhiều người đến Huế…
Sáng nay, ngang qua Đập Đá, hướng mắt về phía cồn Hến, về khu đất trước đây là quán cà phê nón với các dịch vụ trải nghiệm khá mới của Huế lúc bấy giờ với sự im ắng, rồi hướng mắt về phía những khách sạn hướng bờ sông lại ao ước, giá như khu đất đó (chỗ cà phê Nón) được đầu tư bài bản hơn, các khách sạn quảng bá tốt hơn view sông, với dịch vụ tương xứng chớ không chỉ là gọi mãi chỉ thấy “dạ” thì hẳn là ngành du lịch Huế sẽ “hot” không thua gì một vài điểm check-in mới ở các nơi khác.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ