ClockThứ Ba, 05/03/2019 14:00

Du lịch đường sông chưa phát triển

TTH - Huế có hệ thống sông đa dạng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, xanh và sạch, điều kiện không thể thuận lợi hơn để phát triển du lịch. Lợi thế này vẫn chưa thể khai thác tốt để trở thành sản phẩm hấp dẫn.

Thêm sản phẩm du lịch ấn tượng

Sông Hương cần thêm những dịch vụ để thu hút khách du lịch hơn

Chưa khai thác hết lợi thế

Ngành du lịch nhìn nhận, ngoài sông Hương đang có một số hoạt động, dịch vụ phục vụ khách du lịch, còn những con sông khác, như An Cựu, Ngự Hà, Đông Ba… vẫn chưa được khai thác. Dù đã có không ít ý tưởng được đưa ra và cả những chuyến khảo sát, thử nghiệm, nhưng những tour du lịch đường sông vẫn đang còn ở dạng tiềm năng.

Sông Ngự Hà sau khi được giải tỏa và chỉnh trang hai bên bờ được cho là sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch trên “dòng sông Vua”. Theo Sở Du lịch, khá nhiều ý tưởng được các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức đưa ra để khai thác dòng sông này. Năm 2018, đoàn gồm doanh nghiệp của Huế phối hợp với ngành du lịch tổ chức chuyến khảo sát để tổ chức tour chèo thuyền từ sông Hương vào sông Ngự Hà và quay trở lại sông Hương từ sông Đông Ba. Nhưng rồi, sau chuyến đi hơn một năm, Ngự Hà vẫn chưa thể phục vụ khách.

Anh Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành cho biết, lý do không thể tổ chức tour là trên sông Ngự Hà chưa có bến thuyền nào để khách dừng chân tham quan. Không dừng chân, tour sẽ rất nhàm chán và không tạo được điểm nhấn. Lý do nữa là tour chỉ đi một chiều, từ cống Thăng Long (đường Huỳnh Thúc Kháng) vào Ngự Hà và quay trở lại, chứ không thể hình thành tour khép kín đến sông Hương vì bị tắc nghẽn ở cống Thủy Quan (đường Lê Duẩn), khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn xây dựng tour.

Việc mở bến thuyền tại sông Ngự Hà do Sở Giao thông và Vận tải cấp phép dựa trên hồ sơ xin mở bến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, việc mở bến thuyền hay bến xe thì phía cơ quan Nhà nước cần tạo điều kiện mở cho doanh nghiệp. Do cần thêm khoản kinh phí để đầu tư bến thuyền nên các doanh nghiệp ngưng xây dựng tour.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, dịch vụ hỗ trợ cho tour du lịch đường sông ở Huế vẫn còn thiếu. Các con sông có thể triển du lịch ở Huế thiếu điểm dừng chân và dịch vụ mua sắm, ăn uống, chụp ảnh… Đây là những điều kiện cần và đủ để du lịch đường sông thu hút khách và tăng thêm tính hấp dẫn.

Hay cả sông Hương, phải đánh giá khách quan là vẫn còn đơn điệu các dịch vụ du lịch. Trên sông chỉ dừng lại với ca Huế, đi thuyền rồng, ngắm cảnh hai bên bờ và tham quan một số điểm du lịch. Trước đây, trên sông Hương có dịch vụ chèo kayak, nhưng sau thời gian lại ngưng. Hay mới đây có đua sup, nhưng chưa mang tính thường xuyên và phục vụ khách.

Một vấn đề cần được nhìn nhận, nếu phát triển du lịch hợp lý sẽ góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan trên những dòng sông được bảo vệ, xanh sạch đẹp hơn. Như ở sông Ngự Hà gần đây, hai bên bờ thấy nhếch nhác, bèo tây đã có dấu hiệu quay trở lại.

Cần có chuỗi dịch vụ

Ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, Sở Du lịch vừa giới thiệu một doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc nghiên cứu tổ chức tour sử dụng thuyền chạy bằng điện kết hợp với chèo tay từ sông Hương vào sông Đông Ba, sau đó vào sông Ngự Hà. Ngoài ra, cũng có hai doanh nghiệp ở Huế đang nghiên cứu tổ chức tour bằng thuyền kayak tại sông Ngự Hà kết hợp lập một số điểm dừng chụp ảnh, giải khát.

Như những khó khăn đã được chỉ ra ở trên, đều cần làm với những tour đường sông là phải có nhiều điểm nhấn, có điểm dừng chân, không chỉ chụp hình mà ăn uống, mua sắm, trải nghiệm. Do đó, ngành du lịch cần có những định hướng và kế hoạch phù hợp hơn, để khi doanh nghiệp đến khảo sát xây dựng tour tuyến không bị vướng. Nhất là các bến thuyền, hay hạ tầng cần có sự đầu tư của Nhà nước.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa góp ý, đối với sông Ngự Hà nói riêng và các hệ thống sông khác nói chung ở Huế cần tạo được những điểm nhấn trên hành trình tour. Chẳng hạn như ở Ngự Hà, nếu như Trường đại học Nông Lâm trở thành một resort cao cấp, nguồn khách ở đây sẽ sử dụng dịch vụ tham quan Huế bằng thuyền. Khi có nguồn khách ổn định mới tạo ra được những dịch vụ kèm theo, bởi các dịch vụ sẽ cùng “cộng sinh” để phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, về lâu dài, Huế cần tính đến phương án chuyển Trường đại học Nông Lâm sang vị trí khác, để dành quỹ đất này phát triển du lịch. Điều này sẽ rất phù hợp vì địa điểm này gần Đại Nội, nằm trên tuyến city tour quanh TP. Huế, khu vực yên tĩnh và trước mặt có sông Ngự Hà.

Sông An Cựu hay sông Đông Ba nằm ngay trung tâm TP. Huế, hai bên bờ có cảnh quan và đời sống phong phú, xanh và sạch. Những tour đi thuyền và ngắm cảnh cũng được cho là góp phần tăng sức hút cho Huế. Chẳng hạn như sông Đông Ba, tour bắt đầu ở bến Tòa Khâm hay bến thuyền Đông Ba cũ, có thể xuôi về tham quan phố cổ Bao Vinh, xa hơn có thể đến làng hoa giấy Thanh Tiên. Để thay đổi cảm giác, khi trở lại thành phố có thể sử dụng phương tiện bằng xe đạp. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, dựa vào sinh thái, bảo tồn di sản của Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7%

Chiều 24/12, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2024; đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7
Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia

Ghi nhận khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, du khách Ấn Độ đang có nhu cầu du lịch ngày càng cao. Điều này thể hiện rõ khi nhiều người rất háo hức trải nghiệm du thuyền Disney Adventure của Disney Cruise Line, lần đầu tiên có mặt tại châu Á tại Singapore và mong muốn tàu khởi hành sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12/2025. Thậm chí, một số gia đình đã lên kế hoạch du lịch đến những nước châu Á khác như Nhật Bản trong thời gian chờ đợi tàu khởi hành.

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia
Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top