ClockChủ Nhật, 10/04/2022 20:25

Du lịch Huế còn nhiều thứ để làm

TTH - Huế ngày càng phát triển nhiều hình thức du lịch.

Du lịch Huế sôi động trở lạiĐoàn caravan xuyên Việt “Hành trình thịnh vượng 2022” thăm Huế

Về sản phẩm điểm đến, ngoài các lăng tẩm, chùa chiền thì có du lịch biển, du lịch đầm phá, tham quan làng cổ, làng nghề, trải nghiệm các vùng quê, nhà vườn; du thuyền trên sông Hương, tham gia các lễ hội, tắm sông tắm suối, leo núi...

Lễ hội đường phố luôn tạo không khí sôi động và hấp dẫn mỗi kỳ Festival Huế. Ảnh: ĐỨC QUANG

Về lưu trú thì muôn hình vạn trạng: các khách sạn lớn nhỏ, các khu resort, các homestay, các loại hình nhà lưu trú, căn hộ cho thuê…

Nhưng có một vài sản phẩm du lịch trải nghiệm khá hấp dẫn nhưng chưa thấy có ở Huế. Ví dụ như du lịch cắm trại. Người viết bài này mới bước chân vào lĩnh vực kinh doanh du lịch vài năm nay và cũng chỉ là kinh doanh lưu trú, kinh nghiệm chưa có nhiều nhưng cũng đọc được vài nhu cầu của khách khi họ lưu trú tại homestay. Một tỷ lệ rất lớn là các bạn trẻ. Họ đi từng cặp đôi, từng nhóm. Ngoài đi thăm các di tích Huế, họ thích trải nghiệm ở biển, đầm phá, nhà vườn.

Một buổi sáng, theo yêu cầu của một nhóm khách, tôi có dịp tự mình lái xe đưa họ về đón bình minh trên đầm phá. 4h sáng xuất phát từ Huế. Điểm lựa chọn đến là đầm Chuồn. Hóa ra mấy năm nay đầm Chuồn thu hút khách rất đông nên nhà hàng, quán ăn được mở ra rất nhiều. Chỉ vài chục phút sau chúng tôi đã có mặt tại đầm Chuồn. Một khung cảnh hết sức sinh động. Trên đầm phá nhiều chiếc thuyền đi đánh bắt từ đêm hôm trước đã bắt đầu hướng vào bờ mang theo những sản phẩm đánh bắt được. Nhiều chiếc ghe của người đi buôn đón đợi để mua gom các sản phẩm và chuyển đi khắp nơi trên Huế và trong tỉnh. Sản phẩm đầm phá từ con tôm, con cua đến con cá đều là những thứ trứ danh. Nó được kết tinh từ sản phẩm nước lợ. Khi thuyền vào bờ cũng là lúc một số quán bánh xèo trên bờ đê đỏ lửa. Du khách có thể tự tay mua các sản phẩm đầm phá để đổ bánh xèo. Hôm ấy, tôi còn thấy nhiều tốp khách nội địa là người trên Huế đạp xe từng đoàn về đây. Một đồng nghiệp của tôi là người làng Chuồn kể rằng, có cả những người “lãng tử” về thuê thuyền ra đầm phá để ngồi uống nước trà thưởng thức cảnh trời mây sông nước.

Rồi bình minh dần ló dạng trên phá Tam Giang. Chúng tôi may mắn được đón một bình minh đỏ mọng phía chân trời. Tiền cảnh là những chiếc thuyền như sắp đặt rẽ nước tiến vào bờ. Đúng là một  trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi đi ra đầm phá còn bắt gặp chợ nổi. Nghĩa là những người đi buôn thủy sản neo đậu để đón những người đi đánh bắt về. Là người địa phương, đã từng thực hiện nhiều chuyến đi trên đầm phá mà vẫn thấy thích thú huống hồ gì là du khách. Những tiếng xuýt xoa của du khách dường như không dứt đã cho tôi biết điều đó.

Họ cũng có nhu cầu trải nghiệm du lịch cắm trại, nhưng tôi không biết chỉ họ đi ở chỗ nào. Mà dường như ở Huế chưa có loại hình du lịch này.

Với cảnh quan thiên nhiên ở Huế: có núi đồi, có biển, có đầm phá, có vườn, có các hồ trong các thung lũng, có trằm… có thể nói là không thiếu nơi cắm trại hấp dẫn. Đi cắm trại thì không chỉ có cắm trại mà phải có vui chơi, ẩm thực, lửa trại… Ví như trên các thung lũng bao quanh là những ngọn đồi, có thảm cỏ trải rộng đến chân hồ, các bạn đến đây cắm trại, được ngồi trên lưng ngựa. Ban đêm là lửa trại và thưởng thức các món nướng tự tay mình làm. Có những nơi có thể đón cảnh hoàng hôn, cảnh bình minh rất đẹp. Thử hỏi như vậy có hấp dẫn không. Như trên đã nói, sở thích của các bạn trẻ bây giờ khác xa thế hệ trước. Họ có điều kiện, có thời gian rảnh là rủ nhau xách ba lô lên đường. Đến đâu họ cũng thích trải nghiệm cùng với thiên nhiên, thích khám phá văn hóa bản địa và ẩm thực vùng miền. Đi chơi như thế nó mới “tốn thì giờ”, mà tốn thì giờ thì du lịch Huế càng kiếm thêm được tiền từ lưu trú và dịch vụ. Dường như du lịch Huế chưa làm tốt điều này!?

Thời gian gần đây, tôi còn thấy các bạn trẻ ở Huế chơi mô tô phân khối lớn và ô tô địa hình rất nhiều. Nếu đọc được nhu cầu của các bạn trẻ, chúng ta có thể tổ chức các chuyến phượt bằng mô tô phân khối lớn, ô tô địa hình đi miền núi, đi về vùng nông thôn, chạy trên các trảng cát. Tất nhiên là phải tổ chức một cách bài bản, an toàn. Du lịch Huế cũng có thể “lượm tiền” từ đây. Chỉ đi tới những nơi đủ xa, cảnh quan thiên nhiên đủ đẹp để họ cắm trại, chuyện trò, sinh hoạt, trải nghiệm thiên nhiên. Mới nghĩ như thế tôi đã thấy nao nao trong lòng.

Tôi có xem một clip ở nước ngoài, họ tổ chức cả một nông trang. Ở đây không sử dụng điện, không internet, không wifi. Ai muốn đến đây ở một tháng, nửa năm… đều được, nhưng với một điều kiện là phải thực hành nghề nông để tạo ra các sản phẩm cho nhu cầu tự tiêu dùng. Thừa ra thì đem bán. Thế mà loại hình du lịch này thu hút đủ giới, đủ ngành… Họ làm du lịch một cách sáng tạo.

Nghe tôi kể chuyện đi đầm phá đón bình minh, một người bạn của tôi ở Truồi nói: anh có thể đưa khách về trải nghiệm mùa dâu Truồi ở quê em không. Em sẵn sàng là hướng dẫn viên để thuyết minh chuyện này. Ở Truồi còn có các vườn chè cổ tạo nên sản phẩm nổi tiếng chè Truồi. Bánh lọc Truồi làm nhân tôm tươi đầm phá cũng là một sản phẩm hấp dẫn. Đi thuyền trên sông Truồi xanh trong để tiếp cận ra đầm phá cũng là một câu chuyện thú vị…

Nói chung, du lịch Huế còn nhiều thứ để làm.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: H. TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025

Trong khuôn khổ lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 vào tối 22/12, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã trao cờ đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top