Một góc đầm Lập An
So với những lần trước, lần này, dọc con đường ven đầm, nhiều nhà hàng nổi mọc lên, quy mô và có vẻ ra “tấm ra món hơn”. Bác tài cho xe tấp vào Vietpearl, một nhà hàng hải sản mới xuất hiện. Tranh tre là hai loại vật liệu chủ đạo được chủ nhân chọn lựa cho kiến trúc của nhà hàng này nên trông rất thân thiện, gần gũi. Chất liệu ấy, lại được dựng trên đầm nước rười rượi gió - nước nên vô cùng mát mẻ. Lúc chúng tôi đến, dù đang còn một số hạng mục phải tiếp tục hoàn thiện, vậy nhưng nhà hàng đã có khá nhiều khách tìm tới. Hôm ấy, tôi để ý thấy cả khách tây lẫn khách ta là cân bằng.
Trong lúc chờ thức ăn mang lên phục vụ, tôi thử đảo quanh một vòng. View thì khỏi phải bàn rồi- nơi được mệnh danh là “chốn giao tình giữa biển và núi”, mà núi ở đây là danh sơn Bạch Mã, biển là danh hải Lăng Cô, nên không đẹp mới lạ. Tuyệt đại bộ phận nội thất của nhà hàng đều được ốp tre, hệ thống cột, la-phông đều tre cả, lại được thiết kế khá mỹ thuật nên nhìn rất thích mắt. Hệ thống công trình phụ được đầu tư hiện đại, sang trọng và bền vững chứ không mang tính tạm bợ như một số nhà hàng nổi trước đây, nói chung đủ tự tin để đón tiếp cả những du khách khó tính…
Hải sản tươi sống, giá cả niêm yết rõ ràng ngay từ cửa ra vào nhà hàng Vietpearl
Nếu như so với trước kia, Lập An chỉ là một đầm nước buồn tênh, im lìm bên Quốc lộ IA với chỉ một đoạn đường nhỏ và ngắn chạy men theo phía đông bờ nước. Khách ngang qua chẳng thấy gì ấn tượng ngoài vô số những đống vỏ hàu và rất nhiều những lò nung vôi luôn bốc khói kèm theo mùi khét lẹt nhức mũi. Thì nay, với quyết định đầu tư con đường ven đầm kèm với việc sắp xếp, giải tỏa các lò vôi, tiết giảm hoạt động nuôi hàu bằng vỏ lốp xe gây ô nhiễm, đầm Lập An đã trở thành một điểm đến cho vùng đất du lịch Lăng Cô; một điểm dừng chân nghỉ ngơi, “giãn gân giãn cốt” cho khách trên hành trình thiên lý bắc nam; cũng là một địa chỉ yêu thích cho nhiều bạn trẻ, nhiều cặp đôi tìm về để lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp đến mê hoặc và không lo phải bị “đụng hàng”. Cũng theo con đường ven đầm, xa xa về phía chân núi còn có những điểm du lịch sinh thái dân dã, hoang sơ như thác Mơ, thác Đổ…, những địa chỉ mà ai đã đến một lần sẽ đều rất muốn đến nữa. Cảnh sắc trời ban, thêm “một chút” thao thức dụng tâm dụng lực của Nhà nước và doanh nghiệp, cuộc sống của người dân ven con sóng Lập An bây giờ đã khấm khá hơn nhiều. Vùng hói Dừa, hói Mít một thuở nghe thật xa xôi, nay đã điện, đã đường quang rạng. Trẻ không còn lo thất học, bệnh không còn lo cách trở thiếu thuốc thiếu thầy…
Thức ăn đã được mang lên, tươi ngon, nóng sốt. Rất hào sảng nữa là dù bàn ít khách hay nhiều khách, chủ nhà hàng đều cắt cử nhân viên phục vụ chăm sóc kỹ lưỡng. Kêu gì là có ngay, chén bẩn, vỏ sò, vỏ ốc thải ra là lập tức được dọn, được thay nhanh, vui vẻ, lịch sự và rất chuyên nghiệp- điều vốn rất hiếm gặp ở nhiều quán ăn, nhà hàng của Huế nói chung. Chợt nhiên thấy vui vẻ trong lòng vì lận lưng được một “tọa độ” vừa ý để có thể “đối nội, đối ngoại” mà không phải ngượng nghịu khổ đau khi được khách nửa đùa nửa thật: Huế có món “đặc sản… dạ”. (Nghĩa là gọi gì cũng dạ hết, nhưng cuối cùng… chẳng có gì xảy ra!)
Phía con đường, tiếp tục xuất hiện những chiếc ô tô du lịch, những đoàn tây, ta chạy xe máy đi phượt tìm đến. Cứ đà này, cụm nhà hàng Lập An chắc sẽ sống tốt. Tất nhiên, phải với một điều kiện: Làm ăn đàng hoàng, thân thiện, không “chặt chém”, chụp giật. Và đặc biệt là phải có ý thức bảo vệ môi trường. Như thế mọi thứ mới bền vững. Hãy thử tưởng tượng, với lượng du khách đổ về ngày càng nhiều, kéo theo lượng nhà hàng, quán ăn phải mỗi lúc mỗi phình ra, nếu không có ý thức, không quản lý chặt chẽ rác và chất thải, cứ cho mọi thứ xuống nước một cách “tự nhiên chủ nghĩa” thì đầm Lập An sớm muộn cũng “chết”. Lúc ấy, có hối ắt cũng chẳng còn gì để bàn…
Bài, ảnh: Hiền An