Vốn con nhà ngư dân, gần trọn cuộc đời mình, ông Thiện hầu như gắn với con nước đầm Lập An- nơi có nghề nuôi hàu kiếm kế sinh nhai. Nói là gắn trọn bởi vì cuộc sống của ông luôn thường trực trên ngôi nhà chồ mấy chục m2 chênh vênh giữa sóng nước trong gần 40 năm qua.
Vùng đầm Lập An- nơi có điểm nuôi hàu dây kết hợp du lịch của ông Trần Thiện
Ông Thiện chia sẻ: Nghề nuôi hàu nhìn tuy có vẻ nhàn nhã nhưng bấp bênh, được mất hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên và yếu tố thời tiết. Buổi đầu con hàu còn ít người nuôi, môi trường ổn định thì cũng có bát cơm đầy sau mỗi mùa vụ; giờ thì đã nhiều người nuôi, năm gặp thời tiết bất lợi thì hòa vốn đã là may. Đã có những vụ nuôi hàu ông trúng lớn, sắm đủ thứ trong nhà, nhưng cũng có vụ về với hai bàn tay trắng!
“Nghề nuôi hàu ai nhìn vào tưởng chừng đơn giản, chỉ cần cấy giống rồi thả xuống nước và đợi đến ngày thu hoạch là xong. Thế mà gần 40 năm sống với nghề, mình không ít lần rưng rưng nhìn sản nghiệp của gia đình trơ trọi chỉ còn những đống vỏ. Có những năm thời tiết không thuận lợi, khi thì nắng nóng kéo dài, độ mặn trong nước tăng cao, hàu không phát triển, lượng sinh vật phù du trong nước giảm khiến chúng không phát triển hoặc chết”, ông Thiện kể.
Câu chuyện ông Thiện nuôi hàu để làm du lịch là một sự tình cờ thú vị. Trong một lần xin ghé thăm và chụp ảnh đầm Lập An tại ngôi nhà chồ của ông, Mark- một hướng dẫn viên du lịch người Pháp ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đầm Lập An, đã nảy ra một ý tưởng là sẽ kết hợp với ông Thiện để xây dựng nên một địa điểm dừng chân khám phá đầm Lập An ngay chính trên ngôi nhà chồ và khu vực thả nuôi hàu của gia đình ông Thiện.
Vậy là ý tưởng nuôi hàu kết hợp với làm dịch vụ du lịch đã được ông Thiện và anh hướng dẫn viên người Pháp triển khai thực hiện. Theo đó, Mark có trách nhiệm tìm kiếm và dẫn khách du lịch của mình đến địa điểm tham quan. Trong khi đó, ông Thiện đầu tư mở rộng ngôi nhà chồ của mình để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, tham quan, khám phá và dùng bữa ngay trên đầm Lập An.
Du khách đến đầm Lập An sẽ được thuyền máy đưa ra tận ngôi nhà chồ mà ông đã thiết kế mở rộng thêm gồm sàn trung tâm có mắc võng để du khách nghỉ ngơi thư giãn. Từ sàn nhà chính, ông Thiện xây dựng thêm cầu nối ra các gác nhỏ để du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh đầm Lập An. Sau đó du khách sẽ được trải nghiệm lặn, quan sát và thu hoạch hàu. Các thiết bị hỗ trợ đảm bảo an toàn cho du khách luôn sẵn sàng mặc dù mực nước đầm khu vực này khá cạn. Đây là một trải nghiệm thú vị được rất nhiều du khách thích thú khi đến đây.
Để phục vụ bữa ăn cho du khách, ngoài món hàu có sẵn của gia đình, ông Thiện còn thả nuôi nhiều loại cá thương phẩm ngon như cá hồng, cá mú ngay dưới sàn nhà để cho du khách ngắm nhìn và thưởng thức. Một chuyến dừng chân, khám phá và nghỉ ngơi tại địa điểm thả nuôi hàu của gia đình ông Thiện kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ, mỗi du khách sẽ trả phí 300 nghìn đồng.
Du khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài, tất cả họ đều rất thích thú khi được “làm ngư dân”, tự mình trải nghiệm và khám phá những điều thú vị và mới mẻ. Vào mùa du lịch, trung bình mỗi ngày, gia đình ông đón từ 10-20 khách, có thời điểm một ngày ông đón trên 40-50 khách, thu nhập hơn chục triệu đồng. Đây quả là một nguồn thu không nhỏ giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.
“Nuôi hàu kết hợp với làm du lịch của hộ gia đình ông Trần Thiện là mô hình tiên phong. Gia đình ông Trần Thiện chuyển đổi từ mô hình nuôi hàu bằng lốp xe sang nuôi bằng dây, giúp cải thiện ô nhiễm môi trường nước. Ông Thiện chủ động đầu tư thuyền bè, áo phao cứu hộ, thiết bị hỗ trợ cho du khách khi tham quan mô hình nuôi hàu dây tại đầm Lập An. Đây là mô hình kết hợp giữa phát triển kinh tế và du lịch rất mới mẻ, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình hội viên nông dân”, ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lăng Cô đánh giá.
Bài ảnh: Hà Nguyên