ClockThứ Ba, 08/09/2020 13:45

Farmstay ở A Lưới, cần thay đổi để phát triển

TTH - Hình thành từ tháng 7/2019 và từng được nhiều người đánh giá triển vọng phát triển, nhưng mô hình farmstay ở A Lưới đến nay vẫn chưa đem lại nguồn thu thực sự cho người làm du lịch, việc duy trì và phát triển mô hình này cũng cần được nghiên cứu lại.

Farmstay Cân Tôm – nơi sống lại bản sắc văn hóa tộc người độc đáoGội đầu, xông răng bên thác A Nôr

Farmstay tại xã Hồng Hạ (A Lưới) thu hút khách gần xa

Chưa có nguồn thu

Ghé xã Hồng Hạ thăm các mô hình du lịch cộng đồng, mới biết chuyện làm du lịch của người dân vẫn còn nhiều trăn trở. Dịch bệnh chỉ tác động một phần, riêng mô hình farmstay lại khiến người dân băn khoăn tính hiệu quả. Anh Hồ Văn Lộc, một hộ dân làm du lịch ở Hồng Hạ trải lòng: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng chung đến du lịch nhưng nếu so sánh, homestay với các hoạt động du lịch cộng đồng đi kèm vẫn còn thu hút được khách. Còn với farmstay, từ ngày mở ra, chỉ có du khách đến chụp hình selfie miễn phí”.

Mô hình farmstay tại xã Hồng Hạ mở ra từ tháng 7/2019. Theo ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, trên cánh đồng lúa diện tích khoảng 2 ha, người dân góp công làm mô hình du lịch này, kinh phí đầu tư khoảng 70 - 80 triệu đồng. Đáng tiếc, ngoài dịch vụ đi kèm như ẩm thực, giải khát có khách sử dụng thì mô hình du lịch này chưa sinh lời, khó khăn về thu nhập dẫn đến tâm lý người dân dần ít mặn mà.

Cái khó của mô hình farmstay tại xã Hồng Hạ là phụ thuộc vào mùa vụ, điều kiện tự nhiên sẵn có, cụ thể là dựa vào vụ lúa trên đồng. Cách làm này khá bị động, bởi sau vụ lúa khung cảnh không còn như “kịch bản”, farmstay gần như tạm gác lại, chờ vụ sau. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng cho rằng, nếu gián đoạn các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp do mùa vụ, khi quay trở lại, người dân làm du lịch cũng giảm hứng thú và hiệu quả khó cao.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới trăn trở, mô hình farmstay tại xã Hồng Hạ còn mang tính tự phát, chưa thực sự bài bản dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn. Vấn đề trên rất đáng tiếc với triển vọng từ ý tưởng làm du lịch khá hay. Để phát triển farmstay hiện tại và nhân rộng mô hình này, cần phải có quá trình khảo sát, nghiên cứu lại.

Để farmstay hút khách

Điều kiện tự nhiên, thời tiết và nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, ẩm thực… là cơ hội tốt để A Lưới đủ sức phát triển những mô hình du lịch hiệu quả, trong đó có farmstay, như Đà Lạt và nhiều địa phương khác từng làm.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho rằng, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những hướng phát triển mà huyện hướng đến. Thời gian tới, có thể sẽ khảo sát thêm địa điểm để làm thêm mô hình farmstay, kết hợp với người dân dựa trên khai thác những yếu tố sẵn có: vườn tược, nương rẫy, ao hồ, để du khách cùng trải nghiệm với người dân. Sau trải nghiệm, những nông sản cũng có thể trở thành quà được du khách mua về.

Theo một số chuyên gia, A Lưới có thể phát triển mô hình farmstay, nhưng trước tiên phải đặt ra những chiến lược, giải pháp phù hợp. Chỉ riêng du lịch theo thời vụ đã cần phải thay đổi, bởi nếu đời sống người dân khó khăn, thu nhập không ổn định thì khó theo đuổi. Trái lại, với điều kiện tự nhiên vốn có, các địa phương có thể thích ứng bằng các mô hình trồng hoa theo mùa (bốn mùa hoa), cây ăn quả, thiết kế lại không gian phù hợp, đa dạng các trải nghiệm dựa trên đời sống của người dân miền sơn cước. “Cần có thêm những nghiên cứu để bổ sung thêm hướng sản xuất nông nghiệp mang tính thường xuyên, liên tục cùng các hoạt động trải nghiệm cho du khách”, ông Phúc gợi ý.

Lãnh đạo huyện A Lưới thừa nhận, để phát triển và nhân rộng mô hình farmstay, cần khảo sát kỹ để có phương án đầu tư cụ thể. Trên cơ sở nguồn lực xã hội hóa, sẽ xây dựng phương án hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư các mô hình du lịch bài bản, bố trí hợp lý hơn, đồng thời bàn với người dân về cách khai thác lợi thế du lịch trên cơ sở bảo tồn giá trị vốn có, bảo vệ môi trường bền vững.

Điểm yếu lâu nay của nhiều mô hình người dân làm du lịch là hạn chế trong khâu quảng bá. Dĩ nhiên, đi kèm còn có vai trò từ các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương. Vì thế, muốn phát triển farmstay cùng các dịch vụ du lịch, điều không thể thiếu là đẩy mạnh khâu giới thiệu để du khách khắp nơi biết đến.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

TIN MỚI

Return to top