Mỗi kỳ tổ chức, văn hóa Huế đến gần hơn với công chúng (Chương trình “Văn hiến kinh kỳ” tại Festival Huế 2018)
“Cú hích” của du lịch Huế
20 năm, 10 kỳ đã tổ chức và hướng đến kỳ thứ 11, thời gian đủ dài để đánh giá và nhìn nhận hiệu quả, tác động của Festival Huế đối với kinh tế, chính trị của tỉnh nhà.
Tại một buổi lễ ký kết tài trợ cho Festival Huế 2020 gần đây, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2020 đánh giá, Festival Huế đã trở thành thương hiệu lớn, qua các kỳ tổ chức, lễ hội đem lại cho Huế một diện mạo, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước; kích cầu, tăng lượng khách du lịch đến với Huế.
Theo đại diện BTC Festival Huế 2020, nói festival là một sản phẩm du lịch là đúng nhưng chưa đủ. Festival Huế được tổ chức về bản chất là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, từ đó phát triển du lịch. Mỗi kỳ festival tập trung để tôn vinh một vài giá trị văn hóa của vùng miền, làm nổi bật văn hóa, nghệ thuật đỉnh cao, văn hóa có tính chiều sâu mà vào những ngày thường không thể tổ chức.
Dù đánh giá như thế, nhưng phải khẳng định rằng, chính những tác động từ festival đã mang đến cho ngành du lịch Huế rất nhiều cơ hội để phát triển, từ quảng bá hình ảnh, phát triển tiềm năng sẵn có của địa phương, tăng lợi nhuận trong các dịch vụ lưu trú, khách sạn. Giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển. Những tác động tích cực từ các kỳ Festival Huế có thể dễ dàng nhận thấy là giúp hình thành các sản phẩm phố đêm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các tour, tuyến mới như du lịch nhà vườn, phố cổ, Huế xanh, chợ quê, làng cổ.
Thống kê 3 kỳ festival gần nhất, kỳ 2014, có hơn 230.000 lượt khách lưu trú, tăng 25% so với Festival Huế 2012; trong đó, hơn 100.000 lượt khách quốc tế, đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến Festival Huế 2016, dù thời gian rút ngắn xuống còn 6 ngày so với 9 ngày như trước, nhưng cũng đón khoảng 250.000 lượt khách lưu trú. Với kỳ Festival Huế 2018, thu hút gần 1,2 triệu lượt người tham dự và khoảng 420.000 lượt khách du lịch, tăng 30% so với năm 2017; khách lưu trú ước 120.000 lượt, khách quốc tế chiếm khoảng 60% lượng lưu trú.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, ở mỗi kỳ Festival Huế được tổ chức, các khách sạn trên địa bàn TP. Huế đều full (kín) phòng, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Huế trung bình tăng từ 20 - 25% qua mỗi kỳ. Đây là một con số ổn định và tăng dần đều, thể hiện sự tăng trưởng bền vững. Thông qua Festival Huế, các cơ sở lưu trú, hệ thống các nhà hàng, nhà vườn, cũng được đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ. Sự gắn kết giữa du lịch với văn hoá ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc riêng của du lịch Huế.
Ở một khía cạnh khác, festival mỗi năm đều có sự hiện diện của hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên quần chúng; hàng trăm chính khách, nhà ngoại giao… Đây là kênh quảng bá cho du lịch Huế không thể tốt hơn.
Thành phố của lễ hội
Festival Huế chính là hoạt động kích cầu lớn nhất của Huế trong năm mỗi khi được tổ chức. Những kỳ festival được tổ chức, các chương trình lễ hội có tính tương tác cao, để cho người dân và du khách có dịp được trải nghiệm thực tế. Đặc biệt là tại mỗi kỳ festival, du lịch cộng đồng ở Huế cũng ngày càng được phát triển và có quy mô hơn, theo đó đời sống của người dân trong vùng cũng dần được cải thiện nhờ phát triển du lịch theo mô hình này.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2020 nhìn nhận, để Festival Huế thực sự là festival văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc tế, việc xây dựng chương trình phải duy trì bản sắc nhưng mặt khác phải hướng đến thị hiếu và nhu cầu hưởng thụ của khán giả. Cấu trúc chương trình nghệ thuật và thành phần các đoàn tham gia biểu diễn cần có tỷ lệ cân đối về các tiêu chí truyền thống, đương đại hay độc đáo, mới lạ dành cho giới trẻ. Việc đầu tư cho những chương trình có đẳng cấp sẽ nâng tầm festival, thu hút nhà tài trợ và nâng cao nguồn thu từ bán vé. Ông Lê Hữu Minh đánh giá, qua các năm, Festival Huế có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, tạo ra sản phẩm hấp dẫn, song vẫn còn ý kiến cho rằng, thời gian diễn ra festival còn ngắn, một số hoạt động chưa để lại dấu ấn. Vì thế, việc có thêm những lễ hội, sự kiện có quy mô được tổ chức thường xuyên theo tháng, theo quý là điều cần thiết với sự phát triển bền vững của ngành du lịch tỉnh nhà.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, Huế phải là thành phố của lễ hội, trong đó, lấy Festival Huế là trục chính, lễ hội “đinh”. Ở Huế có 3 sản phẩm mà có thể tổ chức thành lễ hội là văn hóa, tâm linh và ẩm thực. Đây là sự khác biệt với các vùng miền khác, yếu tố cơ bản để Huế hút được du khách, để kích cầu du lịch.
“Từ lễ hội có thể giúp người dân làm kinh tế. Như lễ hội ẩm thực giải quyết được việc làm, tăng thu nhập. Đây là hướng đi lâu dài của lễ hội để biến thành một sản phẩm du lịch quan trọng của Huế”, ông Thắng cho hay.
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, việc xây dựng Huế trở thành thành phố văn hóa, kinh đô ẩm thực, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc hữu, thu hút du khách là điều phải làm. Điều này không chỉ tạo ra chuỗi sản phẩm mà còn là cơ hội tốt để văn hóa Huế được giới thiệu, quảng bá tốt hơn.
Bài, ảnh: QUANG SANG