Các bạn trẻ thu gom rác, làm sạch bãi biển
Một chiều cuối hè tại bãi biển Thuận An (huyện Phú Vang), địa điểm sát nách TP. Huế từ lâu thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, ăn uống, anh Nguyễn Thành Đạt (sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh) tỏ ra bất ngờ bởi bờ cát dài thoai thoải, trắng xóa và môi trường biển trong lành. Anh Đạt vốn là người Huế, lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm anh về Huế vài lần để cảm nhận “hương vị” quê nhà. “Sinh ra lớn lên ở vùng quê miền biển nên mỗi lần trở lại Huế tôi thường ghé bãi biển Thuận An để vui chơi, ăn uống. Khác với những lần trước, lần này đến biển Thuận An tôi có cảm giác khác. Môi trường trong lành, không khí đỡ bức bối hơn. Đặc bệt, bãi biển sạch đẹp hơn, không còn cảnh rác thải bị vứt lung tung. Những chủ hàng quán ở đây cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung”, anh Đạt nói.
Từ sau phong phong trào “Chủ nhật xanh”, ý thức của người dân lẫn du khách khi đến bãi biển đã chuyển biến rõ nét. Cảnh tượng vô tư vứt rác hay để lại bãi chiến trường rác thải sau khi ăn uống đã thuyên giảm.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch thị trấn Thuận An, Trưởng ban Quản lý bãi tắm Thuận An bảo, để tìm lại màu xanh của biển cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tại Thuận An, nhiều mô hình hay, cuộc vận động vì môi trường xanh – sạch – đẹp ra đời, lan tỏa trong đời sống người dân. “Những thùng rác mi ni được chúng tôi bố trí dọc bãi biển. Tần suất thu gom rác cũng được nâng lên và định kỳ hàng tuần Đoàn thanh niên, người dân ra quân dọn rác kết hợp trồng cây xanh làm cho môi trường biển trở nên trong lành. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức nhiều mô hình như, “Bãi biển mang quân hàm xanh”. Bây giờ, trên tất cả là ý thức của người dân đã thay đổi khiến bãi biển thu hút ngày càng đông du khách ghé thăm”, ông Giàu chia sẻ.
Với những ai đam mê biển xanh, cát trắng, nhiều bãi biển trên địa bàn tỉnh như, Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), Hải Dương (TX. Hương Trà) là điểm đến lý thú, mới lạ với bãi bờ hoang sơ, tuyệt đẹp, trở thành điểm “check in” lý tưởng vào ngày hè. Ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng (xã Lộc Vĩnh) nói: “Chúng tôi cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh bãi biển. Thông thường trước đây vào mùa mưa bão rác từ biển trôi dạt vào bãi bờ thành từng đống. Rác theo nước biển dạt vào dạt ra, mỗi lần đánh cá, rác mắc nặng cả lưới, có lần rách lưới. Do vậy, bây giờ nếu mỗi ngư dân ý thức việc giữ gìn vệ sinh trên bờ thì rác dưới nước sẽ không còn, thuận lợi hơn cho việc đánh bắt. Thời gian gần đây, khi các cấp phát động phong trào thu dọn rác thì bãi biển đã sạch đẹp hơn, khách đến tham quan ngày một đông”.
Bãi biển sạch đẹp trở thành điểm vui chơi, "check in" lý thú của các bạn trẻ
Thực trạng rác thải tồn đọng sau bão cũng đã tồn tại ở bãi biển Hải Dương, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu địa phương này tăng cường bố trí các điểm thu gom rác tập trung để người dân có điểm bỏ rác, triển khai xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường đối với người dân và khách du lịch để trả lại màu xanh cho biển.
Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh, làm sạch đẹp bãi biển, địa phương này thường xuyên phối hợp với các mặt trận, đoàn thể ra quân dọn rác đồng thời vận động các chủ hàng quán kinh doanh tại bãi biển ký cam kết bảo vệ môi trường. Những hàng quán nào vi phạm sẽ có chế tài răn đe, xử lý. Nhờ vậy mà những bãi biển ở Lộc Vĩnh như, Bình An, Cảnh Dương trở thành điểm đến yêu thích của du khách thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Vào mỗi dịp hè, các bãi biển thu hút hàng vạn người dân, du khách đến vui chơi mỗi ngày. Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch biển để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường thì việc bảo vệ môi trường, tìm lại màu xanh cho biển là vấn đề cần thiết. Tỉnh đã phát động nhiều phong trào làm sạch bãi biển, được người dân hưởng ửng mạnh mẽ và có sự chuyển biến tích cực. Thời gian qua, ngành du lịch cũng đã tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền cho những người làm du lịch biển và trong cộng đồng. Chúng tôi cũng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tấm pano, áp phích, bố trí tại các bãi biển để người dân hưởng ứng tìm lại màu xanh cho biển, giúp biển trở nên xanh – sạch – đẹp, thu hút du khách gần xa”.
Ý thức của người dân đã chuyển biến rõ nét, biển đã tìm lại một màu xanh yên bình, nhưng để giữ mãi màu xanh ấy cần sự chung tay dài hơi của cả cộng đồng.
Bài, ảnh: L.Thọ