Hướng dẫn viên, người lao động trong ngành du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ du khách khi đến Huế
Nhiều sở ngành cùng chung tay
UBND tỉnh mới ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo quy chế, du khách sẽ được hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an toàn trong các tình huống gặp tai nạn, bị cướp giật, mất cắp. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng tiếp nhận phản ánh, góp ý về chất lượng dịch vụ, giá cả; khiếu nại, yêu cầu xử lý các bất đồng, mâu thuẫn trong giao dịch hàng hóa, dịch vụ; để quên vật dụng, hành lý trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, nếu du khách cần, sẽ còn được tư vấn, cung cấp thông tin, dịch vụ cho khách du lịch, thủ tục xuất nhập cảnh…
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, đối tượng áp dụng quy chế này là tất các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hỗ trợ khách du lịch trên địa bàn tỉnh, chứ không chỉ riêng ngành du lịch. Theo quy chế, Sở Du lịch có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của khách du lịch các phản ánh, góp ý liên quan và tổ chức xử lý các nhiệm vụ theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường để xử lý các vấn đề liên quan không thực hiện niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết; thông báo cho Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan dịch vụ vận tải, taxi...; thông báo cho Sở Y tế xử lý các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm...
Theo ông Lê Ngọc Sanh, một yếu tố của quy chế sẽ khiến việc hỗ trợ khách hiệu quả, là có cơ chế giám sát. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Du lịch sẽ tổng hợp báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng và cuối năm, đánh giá tình hình và báo cáo kết quả để có định hướng hiệu quả hơn.
Du khách tìm hiểu về Huế qua hoạt động tham quan
Lãnh đạo Sở Du lịch nhìn nhận, sẽ không lo về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong ngành mà lo lắng hơn chính là người dân, những người đang hành nghề buôn bán rong, xích lô… họ có thể chèo kéo khách, lừa khách để trục lợi. Điều này khá nan giải vì chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, hay quy hoạch lại vùng kinh doanh đang được tính toán. Giải pháp trước mắt là sẽ tăng cường kiểm tra và vận động, tập huấn nâng cao ý thức cho người dân.
Hỗ trợ chiều sâu
Ông Lê Ngọc Sanh phân tích, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến hầu hết các ngành khác. Tuy nhiên, nhiều năm qua, sự chung tay vẫn chưa được nhiều, một số ngành khi đầu tư phát triển chưa đưa du lịch vào mục tiêu chung. Điều này đôi khi dẫn đến sự lúng túng, khi du lịch bắt đầu phát triển. Cụ thể như một mô hình du lịch cộng đồng, liên quan đến ngành nông nghiệp, giao thông, công thương… nếu khi phát triển, chỉ cần một ngành đứng ngoài cuộc thì mô hình đó sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch nhà vườn, làng nghề, ngành du lịch vào cuối năm 2018, ngành du lịch đã phối hợp thêm với ngành khuyến công, văn hóa của các huyện, thành phố để có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, đối với du lịch làng nghề, chỉ một mình ngành du lịch chỉ có thể giải quyết được vấn đề về nguồn khách, phối hợp trong tour tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhưng để du lịch phát triển bền vững, cần thêm sự hỗ trợ của ngành khuyến công để làng nghề có thể “sống”. Đây chính là cách hỗ trợ du khách, giúp có những trải nghiệm trọn vẹn khi đến với điểm đến. Mặt khác, khi có sự chung sức, nguồn lực cũng mạnh hơn và cơ hội thành công cho sản phẩm sẽ cao hơn.
Theo Quy chế phối hợp hỗ trợ khách du lịch, UBND tỉnh giao Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch làm đầu mối tiếp nhận các thông tin, cuộc gọi từ khách du lịch nhờ hỗ trợ thông tin về du lịch, phản ánh về chất lượng dịch vụ du lịch hoặc yêu cầu giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp khi gặp sự cố trên địa bàn tỉnh, thông qua đường dây nóng: 0234.3828288 hoặc 0234.3501111.
|
Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, chưa bao giờ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan và cả doanh nghiệp du lịch được đề cao trong việc phát triển, hỗ trợ khách du lịch như thời gian qua. Đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành du lịch và công an đã giúp nhanh chóng khắc phục những hình ảnh không tốt của du lịch Huế. Điển hình như kịp thời tìm và trao trả nhiều giấy tờ quan trọng cho một du khách Tây Ban Nha; tìm và trả lại một số tiền lớn cho du khách Nhật Bản… Hay tình trạng chèo kéo khách phần nào được hạn chế.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, tăng cường các kênh để tiếp nhận thông tin của khách được ngành triển khai, chẳng hạn như cung cấp đường dây nóng hỗ trợ khách, xây dựng hệ thống bảng biển chỉ dẫn có thông tin hỗ trợ; tận dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ du khách thông quan điện thoại thông minh…
“Phối hợp với các hội ngành nghề để tăng cường sự hỗ trợ sẽ hiệu quả. Mỗi một hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng… đều là một cá thể sẵn sàng hỗ trợ những thắc mắc của khách, tiếp nhận và kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng những sự việc ảnh hưởng đến du lịch… Vì những cá nhân này trực tiếp tiếp cận du khách, góp phần nâng cao khả năng làm hài lòng du khách của doanh nghiệp và ngành du lịch”, ông Trương Thành Minh cho biết.
Bài, ảnh: Đức Quang