ClockThứ Hai, 17/12/2018 14:08

Hỗ trợ, kết nối điểm đến

TTH - Nếu tận dụng tốt những hỗ trợ, liên kết trong cụm thi đua của các Sở Du lịch sẽ tăng khả năng quảng bá cho điểm đến, qua đó, tăng khả năng thu hút khách cho mỗi địa phương.

Du lịch sinh thái từ rừng ngập mặn Quảng LợiKhám phá Huế dưới mưa

Doanh nghiệp Huế và Hải Phòng trao đổi về việc hợp tác kết nối điểm đến

Hỗ trợ

Đầu năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động thi đua trong toàn ngành du lịch. Cụm thi đua các Sở Du lịch khu vực phía Bắc, tính từ Huế trở ra được hình thành, với 7 địa phương được thành lập Sở Du lịch, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, những nội dung cơ bản của giao ước thi đua là triển khai thực hiện những vụ chính trị, các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trên các lĩnh vực công tác của các địa phương; tham mưu cho Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành ban hành các nghị quyết, quy định, đề án, những thể chế, chủ trương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch; qua đó, thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Một nhiệm vụ khác được thực hiện trong nội dung thi đua là đảm bảo công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch của ngành ở từng tỉnh, thành phố; công tác thanh, kiểm tra được thực hiện, kịp thời xử phạt các cơ sở vi phạm, nhắc nhở và chấn chỉnh các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động đúng pháp luật; tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện du lịch để tăng sức thu hút khách du lịch cho các điểm đến.

Lãnh đạo Sở Du lịch các địa phương nhìn nhận, ngoài lĩnh vực thi đua mang tính hành chính, điều cần làm tốt hơn nữa là hỗ trợ, liên kết để phát triển. Dù có thế mạnh về du lịch, song tận dụng lợi thế để quảng bá hình ảnh, tăng cường đưa khách đến cho nhau vẫn chưa được thực hiện tốt. Nếu liên kết tốt hơn sẽ hình thành được các sản phẩm mang tính liên vùng, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Thực tiễn cho thấy, một điểm đến dù có phong phú đến cỡ nào cũng cần phải có thêm nhiều không gian, sản phẩm khác hỗ trợ.

Nói như thế chưa hẳn sự hỗ trợ, liên kết giữa các địa phương chưa được thực hiện, trong năm 2018, ngành du lịch Huế đã tổ chức đoàn famtrip gồm nhiều doanh nghiệp du lịch đến khảo sát, kết nối với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Điều nhận ra sau chuyến đi là lâu nay các địa phương chủ yếu là cạnh tranh nhau, chứ không cùng tận dụng thế mạnh để bổ sung cho nhau. Sau chuyến đi, các địa phương đã ký văn bản ký kết và tour “hành trình khám phá di sản văn hóa và tự nhiên” qua các địa phương được phác thảo. Khi hạ tầng, giao thông kết nối tốt hơn, chắc chắn tour này sẽ hỗ trợ các địa phương thu hút khách. Tuy nhiên, những hợp tác cần có tần suất cao và cụ thể hơn.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Đại diện Sở Du lịch TP. Hà Nội đề xuất, công tác phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến phải gắn kết với nhau để cùng triển khai mới đem đến hiệu quả. Các địa phương cần triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu về du lịch chung. Hà Nội là một trong hai cửa ngõ đầu tiên mà du khách đến với Việt Nam, việc Hà Nội hỗ trợ quảng bá tại các điểm tham quan, nhà ga, sân bay… sẽ thêm cơ hội để khách biết hơn các điểm đến; ngược lại, các địa phương cũng quảng bá cho Hà Nội. Ngoài ra, hỗ trợ quảng bá trên các website, fanpage cũng cần được các địa phương đẩy mạnh hơn.

Một hoạt động được tập trung triển khai trong năm 2019 là tổ chức các đoàn famtrip để tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương gặp gỡ, trao đổi và tiến đến xây dựng được những mối quan hệ, hợp tác trong việc đưa khách đến cho nhau. Riêng với Huế, sau thành công bước đầu của chuyến khảo sát đến Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, việc hợp tác là vô cùng cần thiết, tránh cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của các địa phương. Điều này càng cần thiết khi lượng khách từ Huế đi các địa phương và từ các địa phương đến Huế có sự tăng trưởng ổn định.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, ngành sẽ hỗ trợ tối đa khi có các đoàn famtrip từ các tỉnh, thành đến khảo sát; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm kiếm sự hợp tác.

 Về lâu dài, điều cần làm của ngành du lịch các địa phương là xác định thế mạnh của nhau, từ đó có định hướng rõ sự phát triển của từng địa phương; xây dựng chuỗi các sản phẩm có tính hỗ trợ, không “dẫm đạp” nhau, nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách cũng như tạo sự cạnh tranh đối với các nước trong khu vực và thế giới.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Return to top