ClockThứ Hai, 23/01/2023 05:18

Khách Hàn Quốc đến Huế còn ít

TTH - Năm 2022, khách Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều nhất kể từ khi du lịch mở cửa hoàn toàn, nhưng lượng khách ở xứ sở Kim Chi đến với Huế lại rất hạn chế.

Du khách Hàn Quốc được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam

Du khách Hàn Quốc đến Huế thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Năm 2022, có trên 3,66 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam; trong đó, khách Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26,4% (965,4 nghìn lượt khách). Tại Thừa Thiên Huế, khách Hàn Quốc bắt đầu quay lại, nhưng chưa nhiều. Thời gian qua, mỗi tháng Huế đón chỉ khoảng trên dưới 1.000 khách Hàn Quốc.

Đây là con số còn quá khiêm tốn nếu so với giai đoạn chưa xảy ra dịch bệnh. Trước dịch, giai đoạn 2017 – 2019, Hàn Quốc luôn là thị trường chiếm thị phần khách quốc tế lớn nhất của Huế. Như năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến Huế đạt 2,186 triệu lượt. Khách du lịch Hàn Quốc dẫn đầu các thị trường khách trong năm đó, khi chiếm 19,9%.

Một hướng dẫn viên tiếng Hàn cho biết, dù khách quốc tế đang phục hồi khả quan, nhưng riêng với khách Hàn Quốc đến Huế còn rất ít. Hiện tại, chỉ thỉnh thoảng mới có tour để phục vụ. Trong khi đó, chỉ cách đèo Hải Vân thôi, ở Đà Nẵng và Hội An, các đồng nghiệp lại tất bật với công việc - nơi Hàn Quốc đang là khách quốc tế chiếm thị phần lớn nhất của bạn.

Theo Hanatour, công ty lữ hành chuyên khai thác khách Hàn Quốc, các dịch vụ như ẩm thực, dịch vụ biển gắn với nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... đang là nhu cầu chính của khách Hàn Quốc hiện nay. Vì vậy, các điểm đến đáp ứng nhu cầu này được khách Hàn Quốc lựa chọn hàng đầu. Đó là lý do mà khách Hàn chọn Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Khánh Hòa, chứ không phải là Cố đô Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngành du lịch Huế vừa tham gia hội thảo “Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” diễn ra tại TP. Đà Nẵng, ngành đã làm việc với một số doanh nghiệp chuyên khai thác khách Hàn Quốc. Phía các doanh nghiệp cho biết, khách du lịch Hàn Quốc hiện nay chủ yếu là giới trẻ, nhu cầu chính là vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với biển. Lượng khách có nhu cầu tham quan, trải nghiệm văn hóa, di sản chưa nhiều, nên chưa chọn Huế.

Cần thêm các giải pháp mới

Một thông tin rất bất ngờ là, trong tổng số gần 1 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong năm 2022, thì có gần 50% đến trực tiếp tại Đà Nẵng. Với một khoảng cách rất gần với Huế, lại nằm trong khối liên kết tour “ba địa phương, một điểm đến”, liệu có phải du lịch Huế chưa có những sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu mới của khách xứ sở Kim Chi, hay còn những lý do nào khác nữa?

Hội Lữ hành tỉnh thông tin, đúng là một phần nguyên nhân là do Huế chưa phải là điểm đến có những sản phẩm mà khách Hàn mong muốn. Nhưng cũng giống như khách Thái Lan gần đây, giá tour đang chi phối khá nhiều các quyết định đi du lịch của khách Hàn Quốc. Giá dịch vụ cũng là nguyên nhân khiến lượng khách Hàn ra Huế thấp. Hiện khách Hàn đi du lịch chủ yếu thông qua các đơn vị lữ hành, trong khi đó, hình ảnh du lịch Huế ở Hàn Quốc còn rất hạn chế. Du khách gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lịch trình tour của doanh nghiệp xây dựng.

Vì vậy, phía Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, Huế cần linh động hơn trong các giải pháp tiếp cận thị trường. Đặc biệt là tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến, đưa hình ảnh du lịch Huế đến nhiều hơn thị trường Hàn Quốc. Riêng với khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp của Huế, rất cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Một hướng dẫn viên tiếng Hàn đề xuất, hai giải pháp mà Huế cần triển khai là quảng bá và làm mới sản phẩm. Sau một thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hình ảnh điểm đến của Huế ít nhiều bị mờ nhạt ở nhiều thị trường, trong đó có Hàn Quốc. Vì vậy, cần có chiến lược quảng bá mới đối với các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là làm mới sản phẩm văn hóa di sản. “Tôi tin rằng, với những trải nghiệm có tính khác biệt trong khu di sản, như ngâm chân, ăn uống, sinh hoạt, thưởng thức nghệ thuật… tái hiện như cung đình xưa, du lịch Huế vẫn thu hút được những dòng khách kén chọn nhất”, hướng dẫn viên này chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhà ga hành khách mới (T2) của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối Quý I – đầu Quý II năm 2023, “nút thắt” về vận chuyển phần nào được tháo gỡ. Cùng với đó, ngành sẽ triển khai nhiều hình thức quảng bá mới, tận dụng triệt để công nghệ vào quảng bá; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để làm mới các sản phẩm trên nền tảng văn hóa, di sản...

Một nhu cầu mới của khách Hàn Quốc được các doanh nghiệp chuyên khai thác dòng khách này thông tin là nhiều khách chọn chuyến “du lịch dài ngày”, kỳ nghỉ dài với nhịp độ chậm. Với một điểm đến yên bình, có cảnh quan đẹp, môi trường xanh mát, đặc biệt là ẩm thực đa dạng,… Huế rất phù hợp để đáp ứng được nhu cầu đó. Quan trọng là có các giải pháp tiếp cận, tiếp thị đúng đối tượng khách đang có nhu cầu.

Một doanh nghiệp du lịch bày tỏ, đôi lúc rất “chạnh lòng” khi so sánh cách làm du lịch của Huế với một số địa phương bạn. Ngay sau khi du lịch mở cửa toàn diện, các địa phương bạn tổ chức ngay chương trình giới thiệu du lịch ở Hàn Quốc, với các chính sách ưu đãi, sản phẩm mới. Đồng thời, nắm bắt thông tin về xu hướng thị trường, từ đó, kết nối với các đối tác Hàn Quốc hiệu quả. Còn với Huế, sự chủ động như thế, gần như không có.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển
Return to top