Tham quan, trải nghiệm nghề đan lát Bao La làm cho tour thêm sinh động
Nhiều trải nghiệm
Ông Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên cho biết, tour trải nghiệm “Sáng nhà vườn – Chiều đầm phá” vừa qua, hội chọn Thủy Biều bởi nơi đây có nhiều nhà vườn, các dịch vụ cũng đã được khai thác, điều kiện phù hợp để khách đến trải nghiệm. Ở Huế, ngoài Thủy Biều, ở Kim Long, Phú Mộng… cũng có thể kết nối đưa khách đến tham quan trải nghiệm. Lợi thế của nhiều điểm du lịch nhà vườn Huế là nằm gần trung tâm TP. Huế. Dù nằm giữa thành phố nhộn nhịp, các nhà vườn lại rất yên bình, tĩnh tại.
Qua tour trải nghiệm mới, một dịch vụ mà ở nhà vườn có sự chỉn chu và nghiên cứu kỹ hơn chính là tái hiện lại một buổi thưởng thức ẩm thực ở các nhà vườn, kiểu như của giới quý tộc ở phủ đệ ngày xưa. Huế nổi tiếng với ẩm thực cung đình, không chỉ là ăn mà thưởng thức… trải nghiệm được xem là vô cùng khác biệt khi đưa ẩm thực truyền thống vào được nhà vườn.
Sau khi trải nghiệm những nét cổ kính, đậm chất văn hóa của vùng đất Cố đô, hành trình nửa ngày còn lại đưa du khách về với phá Tam Giang. Hành trình trải nghiệm lần này, đoàn chọn Cồn Tộc. Trước khi về với Cồn Tộc, đoàn vào tham quan làng mây tre đan Bao La, làng nghề truyền thống nổi tiếng bậc nhất ở Huế.
Gần đây, ở Ngư Mỹ Thạnh và Cồn Tộc đưa vào khai thác tham quan rừng ngập mặn, chèo thuyền SUP… những trải nghiệm mới mẻ, bổ sung và làm hài hòa cho sản phẩm nghiêng về văn hóa ở nhà vườn. Sau cùng là không thể bỏ lỡ những món hải sản tươi ngon mà thiên nhiên ban tặng cho Tam Giang và ngắm cảnh hoàng hôn trên đầm phá… Cách thưởng thức ẩm thực cũng sẽ hào sảng hơn, cùng với đó là ít chai bia và gió mát dịu từ đầm phá sẽ níu chân du khách nếu có dịp trải nghiệm.
Theo đơn vị tổ chức, chuyến trải nghiệm này như một tour thử nghiệm để các hướng dẫn viên, DN giới thiệu đến du khách tham gia trải nghiệm sau này. Với sự đánh giá tích cực của những người tham gia, đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa yên bình đến náo nhiệt, từ truyền thống đến hiện đại. Quan trọng hơn, bổ sung và làm đối trọng cho du lịch di sản, hướng đến giữ chân du khách ở lại với Huế.
Liên kết mới khai thác hiệu quả
Tham quan, tìm hiểu nhà vườn được xem là thế mạnh có thể so sánh của Huế đối với các địa phương khác. Lâu nay, dù đã có nhiều kế hoạch phát triển, nhưng du lịch nhà vườn vẫn chưa khai thác tốt. Theo các DN, để khai thác nhà vườn hiệu quả hơn, điều quan trọng là kết nối được các nhà vườn tiêu biểu, cùng với đó kết hợp với một số sản phẩm, điểm đến khác mới có thể thu hút khách.
Ông Trần Minh Tân, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển sản phẩm, Sở Du lịch đánh giá, sản phẩm du lịch Huế khá phong phú, tuy nhiên, hạn chế là sự kết nối các sản phẩm còn đơn lẻ, chưa thể trở thành một chuỗi sản phẩm để trở thành những tour tuyến hấp dẫn. Trước đây, đã có khá nhiều ý tưởng để thêm điểm nhấn thu hút khách ở lại Huế lâu hơn, nhưng việc khai thác của DN chưa hiệu quả.
Khoảng 2 năm trước, một số DN có khai thác tour Phước Tích - Tam Giang, song vẫn chưa thu hút được du khách. Theo Hội Lữ hành, tour có tính hấp dẫn, nhưng hạn chế là khả năng quảng bá chưa tốt. Các điểm đến có quảng bá, nhưng chưa sâu rộng. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ DN để quảng bá tốt hơn.
Nói về chuyến trải nghiệm “Sáng nhà vườn – Chiều đầm phá”, ông Lê Đình Huy cho biết, hiện chỉ mới lên ý tưởng, còn sản phẩm, tour tuyến cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng DN có đẩy mạnh và tổ chức bán sản phẩm hay không. Thực tế, Hội Hướng dẫn viên không thể bán tour mà phải phía lữ hành.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, sẽ khuyến khích và nếu cần thiết có thể tổ chức thêm các chuyến khảo sát để đánh giá sản phẩm. Huế đang cố gắng giữ chân du khách ở lại lâu hơn, do đó, các tour có tính hấp dẫn, bài bản trong vòng 1 ngày để hỗ trợ, bổ sung cho tour tham quan di sản luôn được khuyến khích phát triển. Ngành sẽ nghiên cứu tiếp và ở mỗi điểm đến xây dựng 1 - 2 dịch vụ “đinh” có tính quy mô, tạo ra tính chuyên nghiệp cho sản phẩm nhà vườn kết hợp với đầm phá.
Dù có định hướng, sản phẩm có tính hấp dẫn và khả năng thu hút khách là khả thi, tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy từ những bài học trước đó, để trở thành sản phẩm, trước hết là sự sâu sát từ cơ quan quản lý, không chỉ là định hướng mà đồng hành, gỡ khó và cả động viên DN khai thác. Cần có một kế hoạch quảng bá từ DN và cơ quan quản lý Nhà nước. Về phía DN lữ hành, cần có sự đoàn kết, kết nối cùng nhau khai thác. Liên minh để tạo nguồn khách ổn định, để các chủ thể trong chuỗi cung ứng đảm bảo tồn tại lâu dài.
Bài, ảnh: QUANG SANG