Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng hoa cho các đoàn khách đầu tiên đến thăm di sản trong năm mới. Ảnh: Di tích Huế
Cổ kính và hiện đại
Là người gốc Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã hơn 40 năm, giờ ông Trương Quan Phối mới có dịp trở về quê hương vào đúng dịp Tết Cổ truyền dân tộc. Không phải là người gốc Huế, nhưng ông Phối lại chọn Huế để “chơi” tết, bởi ông muốn một lần thăm hệ thống di sản, tìm hiểu lịch sử của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
“Xa quê hương đã lâu, giờ tôi chỉ muốn về và đi thật nhiều nơi để biết hơn về nguồn cội. Đã xem nhiều trên tivi, internet, nhưng tôi thật bất ngờ với Huế. Ấn tượng đầu tiên là hệ thống cây xanh, hiếm có nơi nào mà có những con đường thẳng tắp và cây xanh phủ bóng mát hai bên dày đặc như ở Huế. Tôi đi dưới một con đường như thế sau khi tham quan Đại Nội có cảm giác thật thanh thản, nhẹ nhàng”, ông Phối trải lòng.
Tái hiện lại lễ đổi gác tại Đại Nội, nghi thức quan trọng ngày tết cung đình xưa
Di sản Huế mấy hôm nay khoác lên mình chiếc áo sặc sỡ hơn thường ngày bằng cờ phướn và muôn màu sắc hoa xuân. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, ngoài việc cố gắng tái hiện lại cái tết cung đình xưa để du khách khám phá và trải nghiệm, đơn vị còn mong muốn tô điểm sắc xuân cho di sản. Ngoài nét cổ kính thường ngày, di sản tươi mới hơn trong năm mới.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhận định, Tết Nguyên đán năm nay du khách đến Huế có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều điểm chơi tết hơn, nhất là tại khu vực hội hoa xuân bên dòng sông Hương tại công viên Lý Tự Trọng kéo dài đến cầu đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, mỗi ngày thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách đến vui chơi, tham gia các trò chơi truyền thống…
Cũng theo ông Phúc, dịp lễ tết là cơ hội không thể tốt hơn để Huế quảng bá hình ảnh về con người, văn hóa, di sản độc đáo đến bạn bè khắp nơi. Huế những ngày này rộn ràng hơn, sôi động và vui tươi hơn. Mỗi một du khách đến Huế luôn được chào đón, xem như những người thân đến thăm thú, hòa mình vào tết Huế.
Hoạt cảnh tết Việt tại chương trình Áo dài show
Yên bình
Điểm được “check in” nhiều nhất là cầu đi bộ trên sông Hương. Một du khách đến từ Hà Lan khi đi dạo bước trên cầu vào ngày mồng 2 tết trầm trồ: “Đứng ở đây nhìn ra xung quanh, những luồng gió mát nhẹ thổi vào khiến tôi có cảm giác rất tươi mới. Chúc mừng bạn vì được sinh sống ở một nơi tuyệt vời như thế”.
Ông Trương Quan Phối chia sẻ, đến Huế, tôi được những người làm du lịch nơi đây dẫn đến một ngôi nhà cổ và được trải nghiệm về Tết Cổ truyền của Huế. Xa quê hương đã lâu, tôi lo việc cháu con sum vầy, tụ họp bên ông bà đầu năm mới sẽ ít đi, nhưng thật bất ngờ, không khí tết thật đầm ấm khiến những người xa quê như tôi chỉ mong thời gian trôi thật chậm, để được sống lâu hơn trong không khí này.
Ông Trương Quan Phối nói, Huế xanh và rất sạch, điều mà Đài Loan - nơi ông sinh sống và nhiều nơi khác ít có. Rất mong Huế cố gắng giữ gìn, bởi quy luật phát triển kinh tế sẽ khiến môi trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Bê tông hóa quá nhiều sẽ khiến thành phố mất đi vẻ cổ kính. Nếu có cơ hội, tôi sẽ trở lại Huế và ở lại nơi đây lâu hơn để tận hưởng những giây phút yên bình, tĩnh tại.
Du khách đến thăm Huế ngày tết
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist đánh giá, Huế là điểm đến văn hóa, cùng với cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh sạch, đó là những yếu tố kết hợp lại tạo cho Huế một điểm đến thu hút khách bởi tính thân thiện, an toàn. Những đoàn khách tham gia tour trong dịp tết Nguyên đán đều có một cảm nhận chung là yêu Huế, xem Huế là điểm đến yêu thích nhất trong hành trình tour.
Theo thống kê, có 17.861 lượt khách đến Huế trong 3 ngày tết, tăng 177% so với 2018, trong đó gồm: 8.611 khách quốc tế, 9.250 khách nội địa. Trong 7 ngày từ 2 - 8/2 (từ 28 tết đến mồng 4 tết) có 67.876 lượt khách gồm 48.187 quốc tế, 19.689 nội địa. 5 thị trường khách đến nhiều nhất gồm: Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đức.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, thời gian đến sẽ tiếp tục định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng thêm những sản phẩm, các loại hình du lịch để phát triển bền vững là rất phù hợp với những mục tiêu và chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch sẽ được phát triển bền vững theo các tiêu chí di sản văn hóa được bảo tồn, cảnh quan môi trường và lịch sử được gìn giữ và tôn trọng, con người thân thiện và các hoạt động dịch vụ đậm giá trị văn hóa truyền thống.
Bài, ảnh: Đức Quang