ClockThứ Ba, 12/02/2019 06:45

Liên kết phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên

TTH - Hội nghị phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Huế trong ngày 15 - 16/2/2019 là sự kiện để các địa phương đánh giá lại tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch; qua đó, định hướng và đưa ra giải pháp phát triển có tính liên vùng.

Thừa Thiên Huế đẩy mạnh liên kết du lịch trong và ngoài nướcLiên kết vùng để tăng cường khả năng thu hút kháchLiên kết và đầu tư các dịch vụ chất lượng caoLiên kết để phát triển du lịch Bình - Trị - Thiên

Du khách đến Huế bằng tàu biển

Chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước 

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm qua, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả, cụ thể năm 2018 tổng lượng khách đến cả khu vực đạt khoảng 56 triệu lượt, chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước; trong đó, khách quốc tế chiếm 54,4%. Ngành du lịch đã giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động.

Đánh giá chung, du lịch miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thể hiện qua việc khai thác thô tài nguyên du lịch; sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương; thiếu dịch vụ đi kèm, hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, giao thông, phương tiện vận chuyển khách, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu… Hiệu quả của hoạt động phát triển du lịch, nhất là về thu nhập và tạo việc làm cho xã hội còn hạn chế, cụ thể tổng thu nhập từ du lịch toàn khu vực đạt 116.000 tỷ đồng trong năm 2018, chỉ chiếm 18,75% so với cả nước (620.000 tỷ đồng).

Xét về lợi thế cạnh tranh của các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, khu vực đang hội tụ nhiều tiềm năng và thế mạnh nổi bật về du lịch, tập trung nhiều di sản thế giới; có du lịch biển đảo, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển; có di sản, nhất là di sản văn hóa; có đồi núi đa dạng, phù hợp với phát triển du lịch sinh thái; đặc biệt, địa bàn có vai trò quan trọng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước, một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước, có nhiều cảng biển, cảng hàng không, cửa tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế - du lịch Đông Tây (WEC), nối với đường hàng hải quốc tế...

Huế là điểm đến quan trọng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Một góc TP. Huế nhìn từ trên cao) Ảnh: Văn Đình Huy

Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá, hội nghị phát triển du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên được tổ chức tại Huế lần này là thời điểm để các địa phương cùng đánh giá lại, xây dựng chiến lược phát triển ngành kinh tế du lịch, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhanh và bền vững; xây dựng mối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng để nắm bắt các cơ hội phát triển khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm đưa vùng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu châu Á, điểm đến đầu tư an toàn hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các địa phương đặt mục tiêu thông qua chiến lược phát triển du lịch vùng nhanh và bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trên cơ sở phát huy tối ưu các giá trị tài nguyên, giá trị di sản, văn hóa dân tộc; khuyến khích phát triển du lịch xanh, du lịch sáng tạo, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển đồng thời du lịch biển đảo, đồi núi, du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái, trong đó lấy du lịch biển đảo (vùng Duyên hải miền Trung), đồi núi (Tây Nguyên) làm mũi nhọn và du lịch di sản văn hóa làm trọng tâm; phát triển du lịch chuyển từ “điểm” (từng địa phương) sang “vùng” và “khu vực”, từ “số lượng” sang “chất lượng”, phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp...

Cơ hội cho Huế

Hội nghị phát triển du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên có sự tham gia của gần 600 đại biểu, gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên; hơn 40 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, 36 tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài.

Tại buổi làm việc với Ban tổ chức Hội nghị phát triển du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đây là sự kiện lớn đầu năm mới 2019, với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; nhiều khách quốc tế cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, vì thế là cơ hội để Huế quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư hơn nữa ở lĩnh vực du lịch.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch thông tin, ngành du lịch đã xây dựng nhiều tour tuyến, chương trình tham quan cho các đại biểu tham gia hội nghị; đặc biệt sẽ có hai tour tham quan các điểm phát triển du lịch trọng điểm của Huế để các doanh nghiệp thấy tiềm năng, thế mạnh của Huế, qua đó quyết định đầu tư; tour thứ hai là tham quan, trải nghiệm và khám phá Huế bằng những sản phẩm đã khai thác tốt lâu nay, qua đó, tăng khả năng quảng bá hình ảnh cho Huế… Đây cũng là cơ hội để Huế thúc đẩy phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, sự kiện), một loại hình du lịch chưa được khai thác tốt thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, Trưởng ban tổ chức Hội nghị phát triển du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết thêm, ngoài hội nghị, một hoạt động quan trọng khác là Gala Dinner có chủ đề “Huế - kinh đô Ẩm thực”. Tiệc chiêu đãi này được đầu tư rất công phu, với những món ăn nổi tiếng, độc đáo từ hoàng cung đến dân gian, thể hiện văn hóa ẩm thực đặc trưng của Huế, qua đó tập trung quảng bá Huế chính là kinh đô ẩm thực của Việt Nam.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top