ClockThứ Bảy, 30/07/2022 10:00

Ngoại ngữ - điểm yếu của lao động ngành du lịch

TTH - Là ngành nghề đòi hỏi cao về kỹ năng ngoại ngữ, tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, khả năng ngoại ngữ của nhiều lao động còn yếu.

Hiện nay, theo thống kê chỉ có một bộ phận hướng dẫn viên là giỏi về ngoại ngữ

Điểm yếu của lao động du lịch

Bà Cao Linh Nhi, phòng nhân sự Khách sạn Indochine Palace Huế đánh giá, đối với sinh viên đang theo học các trường đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh, điểm yếu lớn nhất chính là kỹ năng về ngoại ngữ. Khi đến phỏng vấn để tuyển dụng vào khách sạn, có cảm giác các sinh viên mới ra trường rất ngại giao tiếp về ngoại ngữ. Các em rất ngại nói và khi nói thường ngập ngừng, ngay cả yêu cầu hãy giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, rất ít em có thể hoàn thành tốt.

Theo các doanh nghiệp du lịch, đây là thực tế của đa số sinh viên du lịch mới ra trường, kể cả sinh viên ở cả 3 hệ đại học, cao đẳng và trung cấp. Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng bộ phận Lễ tân Khách sạn Century Riverside Huế phân tích, có một điều bất hợp lý là những sinh viên được đào tạo chuyên ngành về du lịch thì yếu về ngoại ngữ; trong khi sinh viên học chuyên ngành về ngoại ngữ lại thuận lợi được tuyển dụng vào các vị trí thường xuyên tiếp xúc với khách như lễ tân, nhà hàng, nhưng kỹ năng nghề lại yếu. Vì vậy, ở cả hai trường hợp, bắt buộc doanh nghiệp phải đào tạo thêm một thời gian, khi đó các lao động này mới có thể đảm nhiệm tốt vai trò của mình.

Theo Tổng cục Du lịch, hiện nay, trong tổng số lao động trong ngành du lịch chỉ có 42% được đào tạo chuyên ngành về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành nghề khác chuyển sang và có tới 20% lao động chưa qua đào tạo chính quy về du lịch mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ vừa thiếu vừa yếu. Đa số doanh nghiệp chỉ chú trọng khả năng ngoại ngữ ở một số bộ phận như lễ tân, quản lý, còn những vị trí như buồng, bếp, bảo vệ… gần như không được quan tâm.

Lễ tân là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế nên phải có kỹ năng tốt về ngoại ngữ

Hiệp hội Du lịch tỉnh cho hay, con số được thống kê chỉ ra rằng, có khoảng 60% người lao động trong lĩnh vực du lịch biết sử dụng ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là chủ yếu, khoảng 42%. Các thứ tiếng còn lại như Trung Quốc (5%), Pháp (4%) và một vài ngoại ngữ khác. Đánh giá trên tiêu chí sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin và thành thạo thì hiện chỉ mới có khoảng 15% người lao động trong lĩnh vực du lịch đáp ứng được yêu cầu này, chủ yếu rơi vào bộ phận hướng dẫn viên và lễ tân khách sạn.

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, khi Huế nói riêng và Việt Nam nói chung dần được du khách trên toàn thế giới biết đến và lựa chọn, yêu cầu cả về số lượng và chất lượng về khả năng ngoại ngữ của lao động ngành du lịch càng tăng. Như tại một hội thảo đánh giá khả năng thu hút khách ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông mới đây, ai cũng nhìn nhận đây là thị trường rất tiềm năng, nhưng khả năng phục vụ của du lịch Huế đang còn là dấu hỏi lớn, nhất là nguồn lao động biết tiếng Ả Rập. Gần như ở Huế chưa có lao động nào biết tiếng Ả Rập. Về đào tạo loại ngoại ngữ này ở các trường cũng chưa có.

Thay đổi từ bước đầu

Đại dịch COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua đã tác động mạnh mẽ và gây nhiều tổn thất. Tuy nhiên bên cạnh những thách thức, đây cũng là những cơ hội đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong nước. Xu thế học tập và nâng cao năng lực ngoại ngữ nói chung và năng lực tiếng Anh nói riêng đang và sẽ trở thành một trong những yếu tố cốt lõi để Huế có thể hội nhập quốc tế; đặc biệt khi những loại hình du lịch mới, đòi hỏi kỹ năng cao về ngoại ngữ.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế thông tin, yếu tố đầu vào, thời gian đào tạo, môi trường làm việc rất đặc thù là thách thức của việc học và chất lượng đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên du lịch. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi phù hợp từ cơ sở đào tạo. Trường cao đẳng Du lịch Huế mới tổ chức hội thảo nhằm đánh giá thực trạng giảng dạy ngoại ngữ và tham vấn các ý kiến, các đề xuất giải pháp từ các chuyên gia, các trung tâm giảng dạy, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tại đây, nhiều nguyên nhân, giải pháp đã được chỉ ra và đòi hỏi thay đổi khá nhiều khung đào tạo để phù hợp với số giờ học và khả năng của sinh viên; phải kết nối giữa các nhà trường và doanh nghiệp để tăng tính thực hành…

Bà Cao Linh Nhi góp ý, đầu tiên là phía sinh viên khi đến với nghề du lịch cần đam mê nhiều hơn nữa. Luôn có cảm giác các em chọn nghề cho có, nên không cố gắng để nâng cao chuyên môn ngoại ngữ. Thứ hai, môi trường làm việc ở khách sạn đòi hỏi giao tiếp nhiều và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các trường đào tạo cần bổ sung các học phần với các ngoại ngữ khác nhau phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và Trung ương. Hạn chế của các sinh viên mới ra trường là khả năng nói và viết, nên khi đào tạo cần ưu tiên hơn về phần nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Thùy Dung, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ iLEAD AMA Huế nhấn mạnh, quan trọng vẫn là ý thức tự học của mỗi sinh viên. Thêm một giải pháp cũng cần chú trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của sinh viên trong quá trình đào tạo. Hiện nay, có khá nhiều phần mềm nhận diện giọng nói độc quyền, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp sinh viên có thể tự nhận ra lỗi sai và hướng dẫn sửa cụ thể từng âm tiết, ngữ điệu và độ lưu loát để giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của mình với sự tương tác tối thiểu cùng với giáo viên và bổ trợ hiệu quả cho giáo trình chính khóa của trường.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiểu thương Đông Ba và chuyện học ngoại ngữ

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, nâng cấp và tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… Một trong những yếu tố quan trọng khác cần tập trung là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại tỉnh nhà. Trong bối cảnh này, tiểu thương ở chợ Đông Ba, một trong những chợ nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế, đang dần nhận ra tầm quan trọng và lợi ích của việc học ngoại ngữ.

Tiểu thương Đông Ba và chuyện học ngoại ngữ
Trung tâm Anh ngữ quốc tế EUC-Huế đóng cửa:
Cơ quan chức năng sớm vào cuộc bảo vệ quyền lợi người học

Như Thừa Thiên Huế Online đã thông tin vào ngày 19/6, Trung tâm Anh ngữ quốc tế EUC (Huế), thuộc Công ty TNHH Viện Đào tạo Ngôn ngữ Quốc tế AB tại (địa chỉ Tầng 7, toà nhà Viettel, 11 Lý Thường Kiệt, TP. Huế) đã thu tiền học phí nhưng bất ngờ đóng cửa.

Cơ quan chức năng sớm vào cuộc bảo vệ quyền lợi người học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top