Họ là khách du lịch Huế đến từ... thành phố Huế và các huyện trong tỉnh. Họ đến Đại Nội và các lăng tẩm không chỉ vì nhu cầu tham quan di sản, mà còn vì các điểm du lịch này đang mở cửa miễn phí. Hình ảnh này ta vẫn thường gặp vào những ngày lễ tết trong năm, khi các di tích miễn vé cho người địa phương. Những ngày đó, chỉ cần nhìn vào bãi giữ xe máy, xe đạp là bạn sẽ thấy du khách đến từ Thừa Thiên Huế đông hơn cả khách thập phương. Tuy nhiên, hình ảnh đó cũng chỉ nhìn thấy vào vài ngày lễ tết mà thôi. Các hướng dẫn viên du lịch cho biết, ngày bình thường hầu như rất ít gặp du khách địa phương tại các điểm du lịch của Huế.
Có bao nhiêu người dân Thừa Thiên Huế đã tham quan Đại Nội - một điểm du lịch mà người của năm châu bốn biển đều đã tìm đến? Chưa có một con số thống kê nào để trả lời chính xác cho câu hỏi đó, nhưng nhìn từ thực tế, có thể thấy vẫn còn không ít người Thừa Thiên Huế chưa từng bước chân vào khu di tích đặc biệt quốc gia này. Nếu không có những ngày mở cửa miễn phí thì sẽ còn không ít người Huế chưa biết đến những di tích nổi tiếng của quê hương mình. Đó là di tích Đại Nội - điểm tham quan số 1 của Huế, nằm ngay giữa lòng thành phố, huống chi những điểm đến xa hơn như biển Lăng Cô, núi Bạch Mã, phá Tam Giang, đầm Cầu Hai...
Laguna - khu du lịch biển sang trọng đẳng cấp quốc tế tọa lạc bên bờ biển Chân Mây đẹp mê hồn, nhiều người Huế ao ước nhưng chưa thể đặt chân vào đó, vì giá cả rất cao. Nhưng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 & 1/5 vừa rồi, Laguna cũng như các khu du lịch cao cấp của Huế đã dập dìu trở lại sau mấy tháng im lìm, nhờ vào nguồn khách đến từ... Huế. Và cũng nhờ chính sách giảm giá để kích cầu sau dịch mà người Huế mới có thể hưởng thụ được dịch vụ sang trọng của những khu du lịch đẳng cấp quốc tế này.
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cả thế giới, làm lung lay nhiều thành trì bền vững của nền kinh tế, và làm thay đổi hẳn cái nhìn của giới kinh doanh, nhất là kinh doanh du lịch. Những nền kinh tế lớn thường lấy xuất nhập khẩu làm nguồn thu chính, thì bây giờ phải quay trở lại với thị trường nội địa, để duy trì hoạt động. COVID-19 cũng đã buộc ngành du lịch Việt Nam chăm chút kỹ lưỡng hơn thị trường nội địa, không chỉ là “nội quốc” mà còn phải “nội tỉnh”. Slogan của du lịch Việt Nam lúc này là: “Người Việt Nam nên đi du lịch Việt Nam”. Du lịch Huế cũng phải như vậy: “Người Huế ưu tiên du lịch Huế”.
Và khi quay nhìn lại, mới thấy vẫn còn nhiều người Huế chưa đi du lịch Huế. Vẫn còn nhiều người Huế chưa biết đến khu nghỉ mát trên đỉnh núi Bạch Mã, chưa biết đến bùn khoáng và nước nóng Thanh Tân, càng chưa biết đến “trải nghiệm 5 sao” với Laguna, Vedana, Làng Hành Hương... Tương tự, không phải người Việt Nam nào cũng đã đi đến mọi miền của đất nước mình.
Với người thu nhập thấp thì du lịch vẫn còn là một dịch vụ xa xỉ. Nhưng khi các dịch vụ đó kích cầu hạ giá, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn mời gọi, thì sẽ không còn xa xỉ với người thu nhập thấp nữa. Đối với người thu nhập trung bình, bộ phận chiếm số đông trong xã hội, mức giá giảm đến 50% là cơ hội để họ được làm “thượng đế” của những resort 5-6 sao nằm ngay bên cạnh nhà mình, nơi mà có lẽ còn lâu nữa họ mới có thể đặt chân vào đó.
MINH DÂN