ClockThứ Ba, 27/04/2021 11:59

Phát triển du lịch nông nghiệp: Chưa bài bản, thiếu liên kết - kỳ 2: Không để sản phẩm ở “lưng chừng”

TTH - Du lịch nông nghiệp giúp phát triển kinh tế bền vững, quan trọng hơn là tăng tính đa dạng, bổ sung hiệu quả cho du lịch văn hóa - di sản; giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

Phát triển du lịch nông nghiệp: Chưa bài bản, thiếu liên kết - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu

 Các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay chưa có dịch vụ lưu trú

Mới thu được phí tham quan

Việc vận dụng loại hình du lịch xanh như du lịch nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch khác để phát triển bền vững là hướng đi phù hợp với những mục tiêu và chiến lược đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số tour tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, như trải nghiệm vườn thanh trà Thủy Biều (TP. Huế), mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương trong lòng thành phố hoặc ở vùng Thủy Thanh (TX. Hương Thủy), vườn rau sạch A Lưới…

Thống kê từ Sở Du lịch, trung bình hàng năm, Huế đón được khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch; nâng cao bước đầu nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng.

Thu hút khách, song theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch, loại hình du lịch nông nghiệp ở Huế đang ở “lưng chừng”, nhiều mô hình đã triển khai, nhưng làm chưa tới, chưa có sự đầu tư bài bản, chưa gắn kết tốt với lữ hành nên khách không ổn định, chất lượng dịch vụ ở mức trung bình. Nguồn thu chủ yếu ở phí tham quan, vào cổng, còn những dịch vụ đi kèm chưa hình thành.

Trở lại câu chuyện đại dịch COVID-19, yếu tố du lịch nghỉ dưỡng hướng về thiên nhiên, an toàn cao trong khai thác đã giúp du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch có sự phát triển tốt ở tỉnh ta thời gian qua. Nhìn vào thực tế ở Huế, chỉ tính riêng các điểm đến như tại vườn hoa Hương An, Văn Thánh, Thủy Thanh… thu hút lượng khách đáng kể đến “check in”.

Nhiều du khách thích được check in và trải nghiệm trồng trọt 

Liên kết mới tạo được chuỗi giá trị

Trang trại Greenlife tại phường Hương An, TX. Hương Trà được xem là mô hình du lịch nông nghiệp bài bản nhất ở Huế hiện nay. Dù thế, hoạt động của Greenlife đơn thuần chỉ mới là dịch vụ nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị của nông sản tại trang trại lên nhiều lần so với cách sản xuất, trồng trọt thông thường. Chưa có hoạt động ngủ lại qua đêm.

Anh Nguyễn Trọng Sáng, chủ trang trại Greenlife cho hay, nếu làm du lịch nông nghiệp thật sự thì phải liên kết tour tuyến bài bản và đáp ứng các tiêu chí của nhà cung cấp dịch vụ đề ra. Để hấp dẫn khách đối với mô hình dịch vụ nông nghiệp, sẽ thay đổi mô hình và các loại cây canh tác hai đến ba lần, liên kết để phát triển và quảng bá các nông sản địa phương hoặc nông sản vùng như rau hành, ổi…

Theo anh Sáng, những người làm trong lĩnh vực này muốn tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai hay vay vốn đầu tư từ ngành nông nghiệp. “Tôi biết là có nhưng không phải ai cũng biết và quy trình tiếp cận những gói ưu đãi này chưa lan tỏa mạnh”. Anh Sáng thông tin.

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng khoa Điều hành Du lịch và Lữ hành, Trường ĐH Phú Xuân Huế phân tích, sẽ có hai dạng hình thức khai thác dịch vụ với loại hình du lịch, là du lịch giáo dục nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. Điều kiện cần là phải có điểm tham quan sản phẩm nổi bật, cơ sở hạ tầng phải thuận tiện. Khi chọn địa bàn nào đó để phát triển nghĩa là phải chỉ ra được sản phẩm đặc trưng phục vụ tour tuyến.

Theo bà Cẩm, sẽ không thể áp dụng ác mô hình du lịch nông nghiệp mà các tỉnh thành đã có như: Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long, Điện Biên, Sơn La, Ba Vì. Phải chọn mô hình phù hợp với đặc thù địa phương như vùng trồng thanh trà Thủy Biều, vùng trồng rau hữu cơ Quảng Điền, trưng bày nông cụ và trải nghiệm nghề nông vùng cầu ngói Thanh Toàn… Làm gì thì làm, phải có sự liên kết lẫn nhau mới tạo nên chuỗi giá trị. Có thể học hỏi cách làm du lịch nông nghiệp ở Indonesia, đó là họ tập trung các làng nghề vào một địa điểm gồm rất nhiều hoạt động nghề nghiệp để khách lựa chọn và trải nghiệm, mang sản phẩm về tùy theo nhu cầu. Giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ được nhân lên gấp nhiều lần đồng thời góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

“Ở mô hình nào cũng thế, cần hội tụ mô hình 3 nhà, gồm Nhà nước – nhà kinh doanh – người dân. Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra cơ chế; Nhà kinh doanh sẽ đưa ra mô hình phát triển có tính bài bản, chia sẻ, quảng bá, giới thiệu khách, kết nối tour tuyến và người dân trực tiếp phục vụ khách”, Th.s Nguyễn Thị Ngọc Cẩm góp ý.

Niềm vui thu hoạch cá trong một tour du lịch về nông nghiệp. Ảnh: Thượng Hiển

Tìm mô hình mẫu, sản phẩm hoàn thiện

Sau khi có chuyến khảo sát đánh giá các mô hình nông nghiệp gắn kết phát triển du lịch ở Huế mới đây, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề nghị Huế cần xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch. Đặc biệt, củng cố, xây dựng một số mô hình mẫu, tạo điểm nhấn về du lịch nông nghiệp nông thôn, sau đó nhân rộng ra trong tỉnh.

Cũng theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong tỉnh cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương. Vai trò của các doanh nghiệp lữ hành cần phát huy hơn, cần phối hợp các địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ tháng 7/2020, lĩnh vực du lịch đã được đưa vào danh mục công nhận sản phẩm OCOP. Còn trước đó, do chưa được hướng dẫn nên dù nhiều mô hình hay mà không thể có sự hỗ trợ kinh phí kịp thời. Đây là cơ sở để tìm mô hình hay, hỗ trợ nguồn kinh phí hình thành các sản phẩm hoàn thiện, chất lượng. Huế đặt quyết tâm trong năm 2021, ít nhất có 2 sản phẩm OCOP về du lịch được công nhận. Để làm được điều này, một mình ngành nông nghiệp sẽ không thực hiện được mà có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành liên quan.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, trong sản phẩm OCOP về du lịch thường chỉ chọn 1 điểm để hỗ trợ, nhưng trong du lịch phải có chuỗi điểm đến, có tính bổ sung cho nhau mới tăng tính hấp dẫn, giữ chân được khách. Do đó, sự lựa chọn mô hình hỗ trợ cần phù hợp, đúng đối tượng. Quan trọng là sự hỗ trợ về cơ chế tạo được sự phát triển, sinh kế bền vững cho cộng đồng. Ngành du lịch sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp để sớm xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp, trang trại du lịch kiểu mẫu trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, ngoài sự chủ động của tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương cầm sớm hướng dẫn về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch...

Tuệ Ninh – Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Tour Phan Thiết 2 Ngày 1 Đêm Tác dụng của Phân kali với cây trồng
Return to top