City tour bằng xe điện mới được khai thác ở Huế
Điểm đến bền vững
Chính phủ đã định hướng phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đánh giá và tìm ra những mô hình phát triển phù hợp dựa trên thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương.
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có chuyến vào Huế để khảo sát, nghiên cứu triển khai “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung bộ”. Thông qua chuyến khảo sát, nhằm giúp viện xây dựng cơ sở khoa học, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp và xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho cả khu vực, sau đó nhân rộng ra toàn quốc.
Tại Huế, đoàn đã đi khảo sát một số cơ sở lưu trú áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, gắn với bảo vệ môi trường; tham quan một số nhà vườn và trải nghiệm dịch vụ truyền thống, mang đậm nét văn hóa Cố đô. Bên cạnh đó, đoàn còn khảo sát một số điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên tại hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Trải nghiệm tour du lịch nông nghiệp. Ảnh: THƯỢNG HIỂN
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Huế là phát triển bền vững, dựa trên các nguyên tắc bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản và thiên nhiên. Thời gian qua, nhiều mô hình, sản phẩm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được ngành du lịch Huế cùng với các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn triển khai và đã tạo thành những sản phẩm hấp dẫn thu hút du khách. Các tour tuyến mới, sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, như xe đạp, xe điện, xích lô; các tour hướng về thiên nhiên bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân… được định hướng và tạo cơ chế tốt để khai thác. Điều này phù hợp với các tiêu chí mà đoàn khảo sát đặt ra.
“Thời gian qua, ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số du lịch giúp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ du khách tối đa. Các tour trải nghiệm mới thông qua chuyển đổi số, áp dụng các mô hình du lịch thông minh, đã và đang giúp giảm tác động đến di sản, thiên nhiên trong khai thác”, ông Phúc nhấn mạnh.
Một thuận lợi không nhỏ là lãnh đạo tỉnh quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nổi bật là phong trào nói không với rác thải nhựa, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, chỉnh trang đô thị… đã giúp môi trường Huế ngày càng “xanh, sạch, đẹp”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát kỹ trước khi phê duyệt các dự án có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, chú trọng các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, dự án xanh…
Sẽ có mô hình mẫu
Sau khi khảo sát các sản phẩm, một số mô hình phát triển du lịch có tính bền vững ở Huế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, Huế đang xây dựng được một hệ sinh thái du lịch bền vững. Kết nối một cách thuận lợi, có sự liên thông giữa chính quyền, người lao động và du khách. Điều này giúp Huế hội đủ yếu tố để phát triển du lịch theo tăng trưởng xanh mà Chính phủ định hướng.
Xu hướng sử dụng phương tiện thân thiện môi trường được các doanh nghiệp đầu tư khai thác
Theo ông Tuấn, mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ ở khía cạnh bảo vệ môi trường thiên nhiên, mà kể cả các vấn đề xã hội, bảo tồn, phát triển bền vững, đặc biệt là tạo sinh kế ổn định, “không ai bị bỏ lại” trong quá trình phát triển chung.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, khi nói đến phát triển xanh, tăng trưởng xanh có thể hình dung được, nhưng thiếu đi những mô hình, quy chuẩn cụ thể để phát triển. Do đó, ngành du lịch Huế đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hướng dẫn thêm về mô hình tăng trưởng xanh, xây dựng các bộ tiêu chí để doanh nghiệp nâng cao kiến thức, áp dụng, hoặc đưa ra các hạng mục, vật liệu, công nghệ xanh để vận động doanh nghiệp thực hiện.
“Nhà nước cần có ưu đãi, hỗ trợ giá, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi sử dụng các công nghệ, vật liệu xanh, để doanh nghiệp thấy được cái lợi khi triển khai. Hoặc đề xuất bổ sung bộ tiêu chí xếp hạng khách sạn xanh, như một tiêu chí khi được công nhận hạng sao, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho các khách sạn”, ông Phúc kiến nghị.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là khái niệm rất mới nên chưa có những định nghĩa và hướng dẫn cụ thể. Do đó, trước hết sẽ xây dựng và thí điểm một số mô hình mẫu. Sau đó, có các cuộc hội thảo, đánh giá toàn diện để tìm ra mô hình tối ưu. Song song với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với thực tế từng địa phương.
Sẽ có những cơ hội mới, những cơ chế, chính sách sẽ được hình thành, cùng với đó là chiến lược phát triển du lịch bền vững xuyên suốt trong thời gian tới. Theo đó, Huế không chỉ là điểm đến xanh, sạch mà còn là điểm đến có mức chi tiêu cao, nhiều dịch vụ đẳng cấp gắn với tăng trưởng xanh.
Bài, ảnh: QUANG SANG