Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng
Theo ông Martin Schelhom, đại diện Quĩ Hanns Seidel (Đức), tăng trưởng xanh đang là sự lựa chọn thông minh của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Tại Áo, dù không có nhiều tiềm năng và những khách sạn hào nhoáng nhưng mô hình du lịch xanh với hàng trăm ngôi làng đã đem đến cho đất nước này lượng khách du lịch từ 40-50 triệu lượt mỗi năm.
Ông Thái Quang Trung - Chủ tịch Hệ Thống Thế Giới Xanh (Green World System) cho rằng, với mức độ phủ xanh cao và sự đa dạng sinh học (với Bạch Mã, Tam Giang, Cầu Hai, cảnh quan sông Hương), hoàn toàn có thể công bố Huế như là điểm đến cho du lịch xanh. “Cùng với quần thể di tích Cố đô, việc xây dựng mô hình du lịch bền vững gắn với di sản thiên nhiên sẽ đưa Huế vào bản đồ du lịch thế giới, sánh với Kyotô và Venice” – ông Trung nhận định. Ông Thái Quang Trung cũng gợi ý cho Huế một số mô hình du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch trách nhiệm. Theo đó, Huế cần tập trung khai thác du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, nhà vườn, truyền thống hiếu khách nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và mang lại những trải nghiệm sống thuần túy cho du khách khu vực nông thôn.
Cũng với thế mạnh ở khu vực nông thôn, GS Tay Kheng Soon (Singapore) gợi ý, Huế có thể tìm hướng phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch nông thị, dựa trên yếu tố thiên nhiên, sản phẩm làng nghề, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Với mật độ dân số thưa, hoàn toàn không có ô-tô, tại đây, sẽ ưu tiên các tuyến đường nhỏ, có thể có mái che để phù hợp vào mùa mưa ở Huế. Bên cạnh môi trường trong lành, những khu nông thị này sẽ tạo dấu ấn bằng việc sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương và rất tiện nghi với công nghệ tháp gió, điện sinh học và công nghệ thông tin… Đang được thử nghiệm tại Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ…GS Soon khẳng định, nếu chú trọng đến mô hình du lịch nông thị, có thể tạo ra bước đột phá cho du lịch Huế ở những vùng nông thôn nghèo-nơi chưa bị đô thị hóa và còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa địa phương. Ông Ando-chuyên gia cáo cấp của tổ chức JICA (Nhật Bản) cũng cho rằng,Huế là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện, JICA đang chọn thí điểm, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích và Cầu ngói Thanh Toàn như đào tạo kỹ năng ẩm thực, hướng dẫn viên cho người dân, hỗ trợ loại hình home stay nhưng không làm mất bản sắc của cộng đồng; khôi phục các loại hình lễ hội; xây dựng bảo tàng gốm… với khẩu hiệu: Xanh, làng mạc, văn hoá bản địa.
Không nên vồ vập trước cái mới
Với lợi thế của quần thể di tích Cố đô Huế, ông Johannes Widodo (GS Đại học Quốc gia Singapore, thành viên UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương) lưu ý, việc khai thác thái quá di sản với loại hình du lịch đại trà là một trong những tác nhân làm tổn hại đến di sản. Do đó, GS Widodo gợi ý cho Huế một số mô hình phát triển du lịch di sản bền vững tại một số quốc gia, trong đó, di sản được kết hợp hài hòa với các cụm dịch vụ mua sắm phân bố trên các tuyến đường phố nhỏ; các tuyến đi bộ, ngắm cảnh gắn với sông hồ, kênh rạch; khu vui chơi giải trí. Điều cần lưu ý là mô hình này đòi hỏi phải làm tốt công tác qui hoạch. Đặc biệt, nhà nướccần có những chính sách hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. GS Widodo nhấn mạnh, với tiềm năng và lợi thế hiện nay, Huế không nên chạy theo những cái quá nhanh cũng như không nên vồ vập trước cái mới mà cần bảo tồn nhịp sống chậm rãi hiện có.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu như Sài Gòn đã đánh mất hoàn toàn, Hà Nội đang mất dần thì may mắn là Huế vẫn còn giữ được môi trường sống trong lành. Đây là tiêu chí quan trọng để tạo sức hút cho Huế nếu tăng cường nâng cao chất lượng sống, thay vì chú trọng tăng trưởng GDP.
Các chuyên gia quốc tế khẳng định, xu hướng du lịch của thế giới ngày nay là mong muốn khám phá, trải nghiệm màu sắc văn hóa, thiên nhiên độc đáo mang tính bản địa. Do đó, quá trình làm du lịch, Huế cần tập trung đào sâu, quảng bá những giá trị độc đáo, từ thiên nhiên, di sản, lối sống cho đến ẩm thực. Đây là điều mà theo một chuyên gia du lịch tại Anh, nhiều địa phương và doanh nghiệp du lịch, vì chạy theo sự hào nhoáng và chuộng ngoại, đã không chú ý đến.
Theo TS Hà Bích Liên (Đại học Sư Phạm T.P Hồ Chí Minh) đưa ra ý kiến ngoài hai di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích Cố đô và Nhã Nhạc cung đình, Huế còn có sức hút vượt xa hơn là “diện tích xanh” và di sản văn hóa sống. Do đó, Huế cần xây dựng một cách chuyên nghiệp cho các sản phẩm du lịch xanh, các điểm đến liên quan đến nhà vườn, ẩm thực, tính hiếu khách. Đây là loại hình du lịch đặc biệt thu hút khách nước ngoài với mức chi trả cao.
Nhật Nguyên