Du khách đến Huế bằng đường hàng không
Bị động vì thiếu kinh phí
Tổ chức các đoàn famtrip để doanh nghiệp (DN) chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các địa phương trong nước được xem là giải pháp quan trọng và có tính chủ động cao. Tuy nhiên, thông tin từ Sở Du lịch, tần suất tổ chức các chuyến famtrip hiện khá khiêm tốn. Riêng đoàn famtrip đi nước ngoài chưa thể tổ chức, trong khi đó, thời gian qua các đoàn famtrip từ nước ngoài vẫn thường xuyên đến Huế để khảo sát tour tuyến. Một cán bộ của Sở Du lịch cho biết, kinh phí để tổ chức những đoàn famtrip rất eo hẹp. Dù có sự quan tâm nhưng mỗi chuyến đi phải yêu cầu DN đóng góp thêm kinh phí. Nhiều DN ủng hộ, nhưng cũng có những DN "lời vô, lời ra" rất khó chịu. Một số DN khác ban đầu hăng hái đăng ký, sau khi biết có góp kinh phí lại từ chối.
Trong nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị để “bắt bệnh” cho du lịch Huế, các chuyên gia khẳng định một phần nguyên nhân là Huế quá thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; nằm ở các vị trí chủ chốt, quyết định sự “sống còn” cho ngành du lịch, như bộ phận quản lý, nghiên cứu, định hướng phát triển, đánh giá thị trường… Nếu có nguồn kinh phí tốt, Huế đủ khả năng chủ động đưa những cán bộ trẻ, nằm trong quy hoạch, những người có chuyên môn đi đào tạo, học tập. Đây sẽ là nhân lực chủ chốt, đưa ra được những kế sách mang tính thực tiễn, đưa du lịch Huế đi lên. Điều này, ở các địa phương khác rất chú trọng và đã triển khai được vài năm qua.
Để làm "sạch" môi trường du lịch và các vấn đề liên quan khác, thành lập, đưa vào hoạt động đội phản ứng nhanh được xem là giải pháp tối ưu khi hiện nay chưa có cảnh sát du lịch và lực lượng thanh tra lại quá mỏng. Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch chia sẻ, cứ nghĩ ở các điểm du lịch hiện nay có người của đội phản ứng nhanh túc trực, mặc đồng phục, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của du khách và kịp thời xử lý. Nếu được như thế, hình ảnh du lịch Huế sẽ rất đẹp, chuyên nghiệp và khi du khách đến Huế cũng rất yên tâm tận hưởng chuyến du lịch đúng nghĩa.
Đội phản ứng này đã được ngành du lịch lên phương án thành lập đã khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể hình thành. Nguyên nhân chính là ở kinh phí tổ chức hoạt động.
Khi nào sẽ có?
Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty DMZ cho biết, để duy trì hoạt động và tránh các rủi ro đáng tiếc, DN nào cũng hình thành một quỹ riêng, được gọi là quỹ rủi ro trong kinh doanh. Từ mỗi DN, rộng hơn đối với ngành du lịch Huế, việc có một quỹ để hoạt động và giải quyết các rủi ro là vô cùng cần thiết. Những công tác, như bảo vệ môi trường, trùng tu bảo tồn di tích, xúc tiến quảng bá được sâu rộng hơn… thì luôn cần có nguồn quỹ này. Thử làm một phép tính nhanh, mỗi DN lữ hành trích khoảng 3.000 - 5.000 đồng/khách; DN lưu trú trích 1.000 – 5.000 đồng/khách tùy vào chất lượng hạng sao. Các nhà hàng, quán bar, đơn vị vận chuyển cũng dựa trên số lượng khách khách để đóng góp… Với con số 3,258 triệu lượt khách; trong đó, khách lưu trú đạt 1,74 triệu lượt trong năm 2016, quỹ sẽ huy động được một con số không hề nhỏ.
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Hiệp hội Du lịch hiện vẫn hình thành một quỹ, nhưng chủ yếu là để duy trì hoạt động của hội. Để hỗ trợ và xây dựng chiến lược phát triển dài hơi của ngành du lịch thì nguồn quỹ này không đủ, đòi hỏi có một nguồn quỹ lớn hơn. Trong tương lai, với nguồn ngân sách đã cố định, xây dựng được quỹ hỗ trợ phát triển du lịch không thể nào khác.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đúng là rất cần thiết cho Huế hiện nay. Dự kiến, nguồn quỹ này sẽ được hình thành từ một phần vé tham quan di tích, kinh phí làm visa cho khách và các DN kinh doanh du lịch đóng góp. Tuy nhiên, để có thể hình thành được quỹ thì cần chờ Luật Du lịch mới được thông qua và thông tư hướng dẫn từ các bộ.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty Du lịch Đại Bàng khẳng định, về phía DN, đóng góp trên đầu khách 5.000 đồng hay cao hơn nữa vẫn đồng ý. Có điều, với nguồn quỹ lớn thì cần xây dựng được chiến lược phát triển cụ thể. Chẳng hạn như 3 năm hay 5 năm tới, du lịch Huế đặt mục tiêu sẽ thu hút được bao nhiêu lượt khách; quảng bá đến được bao nhiêu thị trường khách mới… Quá trình thực hiện phải cũng cần có đánh giá về mức độ hiệu quả, sau đó rút kinh nghiệm… Điều quan trọng hơn cả là khi DN đóng góp quỹ như thế thì có được những lợi ích gì. Với DN đưa 10.000 lượt khách đến Huế phải có các quyền lợi lớn hơn so với DN đưa 2.000 khách. Ông Lê Xuân Phương góp ý, Huế cần đi trước một bước, xây dựng cơ chế riêng. Xây dựng nguồn quỹ mang tính hội ngành nghề. Sau khi quỹ hỗ trợ phát triển chính thức hoạt động, có thể chuyển giao. Đối với DMZ, sẵn sàng là đơn vị tiên phong đóng góp vào nguồn quỹ.
Việc hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần thiết, giúp du lịch Huế có đủ kinh phí và chủ động hơn trong xây dựng chiến lược phát triển. Các DN cần chung tay vì như Sở Du lịch trăn trở, trong một cuộc họp gần đây đã có đề cập đến đóng góp quỹ, nhiều DN Huế còn khá băn khoăn, cho rằng đã có đóng thuế trong quá trình kinh doanh.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG