ClockThứ Bảy, 12/11/2022 17:45

Sẽ có đề án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe có tính khoa học và khác biệt

TTH.VN - Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại Diễn đàn Du lịch Huế 2022 “Du lịch chăm sóc sức khỏe ở tỉnh Thừa Thiên Huế” được tổ chức trong ngày 12/11.

Giới thiệu các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏeKhám phá, trải nghiệm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe ở HuếBật mí kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng tự túc tiết kiệm - Tour Đà Nẵng CityPhát triển nông nghiệp hữu cơ - xu thế tất yếu - Kỳ 2: Hướng đi bền vữngPhát triển kinh tế vườn, đồi là động lực để Dương Hòa phát triển

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại diễn đàn

Tham dự diễn đàn còn có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh…

Thế mạnh cạnh tranh của du lịch Cố đô

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin, ngày 10/12/2019, Bộ Chính Trị đã ban hành nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đã xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong định hướng phát triển của du lịch tỉnh nhà đó, với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở du lịch, dịch vụ, Thừa Thiên Huế đang có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để đón đầu dòng khách nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, một xu hướng đang "rộ lên" sau 2 năm cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Tổ chức du lịch thế giới, khi khách du lịch trên toàn cầu có xu hướng ngày càng ưa chuộng các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đep...

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và chuyên gia, tỉnh Thừa Thiên Huế có hầu hết các tài nguyên để tiến hành xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ. Cụ thể, có hệ thống suối nước khoáng nóng thích hợp các phương thức “Thuỷ liệu pháp”; có hệ thống rừng, đồi núi…thích hợp triển khai các hoạt động “Rèn luyện sức khoẻ”; có hệ thống sinh thái biển thích hợp với các hoạt động “thể dục thể thao”; có các Bệnh viện Y học Cổ truyền, Hội Đông y và hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn dân với tâm điểm tuyến cuối có nhiều thành tích trong điều trị…

Với những lợi thế đó, định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe được đánh giá có ý nghĩa lớn trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế, đáp ứng ngày càng tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu, xu hướng của thị trường. Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trong khuôn khổ diễn đàn

Khả năng khai thác chưa cao

Thời gian qua, nhiều dịch vụ du lịch hướng về chăm sóc sức khỏe đã đưa vào khai thác ở Huế. Nhưng đánh giá một cách tổng quan trong “bức tranh” chung của du lịch của Cố đô, loại hình này vẫn chưa phát huy được những thế mạnh đang nắm giữ. Tỷ lệ du khách đến Huế và lựa chọn du lịch chăm sóc sức khỏe chưa đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch thẳng thắn, hiện nay vẫn đang thiếu sự liên kết giữa các công ty lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, trị liệu, spa, massage… để tạo ra chương trình du lịch hấp dẫn. Các công ty lữ hành thường thiết kế riêng các chương trình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, y tế đối với khách du lịch có nhu cầu riêng, chưa có chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe, y tế khởi hành thường xuyên.

TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết, trước khi tham gia diễn đàn này, bà và nhiều đại biểu đã có chuyến khám phá, trải nghiệm một số dịch vụ, điểm đến về du lịch chăm sóc sức khỏe tại Huế. Cả đoàn đã rất bất ngờ trước phương pháp điều trị bệnh bằng Đông y ở Huế, nhất là những phương pháp điều trị cổ truyền, được sử dụng dưới triều Nguyễn mà hiện vẫn được lưu giữ. Đó là tính đặc trưng riêng có của Huế, nhưng lại ít được quảng bá và chưa nhiều du khách lựa chọn.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (GWI), trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, du lịch chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,5% đến năm 2022, nhanh hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6,4% được ước tính cho du lịch nói chung và năm 2022, chi tiêu sẽ đạt 919 tỷ USD với 1,2 tỷ chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe được thực hiện.

Mới đây, Tổ chức Du lịch thế giới cũng đưa ra nhận định các xu hướng du lịch nổi bật của thế giới đến 2030 sẽ là khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15% (UNWTO, 2019). Đó là những cơ sở mang tính định lượng cụ thể để Huế chủ động hơn nữa trong kế hoạch phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe của mình.

Các doanh nghiệp, đơn vị ký kết hợp tác khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe trong thời gian đến

Có lộ trình và giải pháp cụ thể

Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Thừa Thiên Huế cần một chiến lược phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe có tầm nhìn và tư duy “đột phá”. Hai thành tố định hướng cốt lõi là “khác biệt” và “đẳng cấp“, nhằm mang lại sự tận hưởng cho du khách để có một ngành dịch vụ đẳng cấp chất lượng đúng nghĩa, mà trong đó du lịch chăm sóc sức khỏe được xác định đúng vị trí, vai trò đóng góp tạo dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế.

Du khách lựa chọn loại hình du lịch này đều hướng tới một mục đích cải thiện sức khỏe, tạo lối sống lành mạnh, nhận ra những giá trị sống quý báu đang bị cuộc sống tấp nập, ồn ào che khuất... Trong xây dựng sản phẩm cần đề cao tiêu chí vị trí yên tĩnh, không gian trong lành, biệt lập và mức độ tiện nghi luôn là mối lưu tâm hàng đầu. Tận dụng vị trí ngay giữa thiên nhiên xanh, các cơ sở lưu trú phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ, xây dựng khu chăm sóc sức khỏe, trị liệu rộng lớn và thuận tiện để mọi người trải nghiệm, chìm đắm trong những dịch vụ tái tạo cơ thể hoàn hảo nhất. Ngoài dịch vụ chăm sóc tận tâm, chất lượng, một không gian hoang sơ và trong lành cũng là tiêu chí không thể bỏ qua.

Bà Đỗ Thị Thanh Hoa góp ý, cần đầu tư phát triển các mô hình du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe - trị liệu; trong đó, quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng các khu nghỉ dưỡng tiện nghi với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; mở rộng các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách như: Spa, massage trị liệu, tắm dược liệu, tắm khoáng; các hoạt động thể thao ngoài trời gắn với thiên nhiên…

Cùng với đó, phát triển các tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe bao gồm tour du lịch thiền, yoga tại những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng; Tour du lịch giảm cân ở những nơi có địa hình cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp núi, biển, thực hiện chế độ ăn kiêng, tham gia các vận động nhẹ: chạy bộ trên bãi biển, bơi lội, leo núi… Kết hợp sau hoạt động thể chất nhẹ với các hoạt động nhằm thư giãn như: hoạt động massage trị liệu, tắm khoáng, tắm thuốc thảo dược…

Phát biểu kết thúc diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, du lịch chăm sóc sức khỏe là xu thế. Qua phân tích đánh giá, Huế có đầy đủ tiềm năng thế mạnh để phát triển. Quan trọng là giải pháp phát triển trong xu thế chung mà vẫn giữ được đặc trưng riêng. Huế rất mạnh trong việc nhận ra thế mạnh, xây dựng kế hoạch tốt, nhưng triển khhai luôn luôn có vấn đề. Nên đây là vấn đề cần được nhìn nhận thẳng thắn.

“Tiềm năng lớn, nhưng không nhận diện, tổ chức thực hiện hiệu quả thì cũng không thể phát huy. Vì vậy, tỉnh sẽ sớm có đề án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để triển khai một cách có khoa học. Cần có một định hướng tốt để có hướng đi đúng. Với Huế sẽ là suối khoáng nóng, là thiền, là yoga, là thẩm mỹ… hay là một mô hình tổng hợp phải được xác định cụ thể. Cùng với đó cần gắn du lịch chăm sóc sức khỏe trong một hệ thống chỉnh thể chung với các loại hình du lịch khác. Chú trọng hơn trong xây dựng đội ngũ nhân lực và dành nguồn lực xứng đáng kết hợp với kêu gọi đầu tư, xã hội hóa... Nếu khai thác tốt thì đây là “cú hích” để tạo điểm nhấn, khẳng định vị thế của du lịch Huế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đã diễn ra 9 lễ ký kết hợp tác đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe trong thời gian đến giữa các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Clip tại diễn đàn

Bài, ảnh, clip: Đức Quang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top