Các khách sạn dù lượng khách rất ít, vẫn duy trì đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động
Thêm những hỗ trợ
Để giúp người lao động tại doanh nghiệp có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, Công ty TNHH Laguna Việt Nam (Laguna Lăng Cô) triển khai chương trình cho vay khẩn cấp, tối đa là 382,63 USD trên mỗi lao động (tương đương 8,7 triệu đồng) với lãi suất 0%.
Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Laguna Việt Nam cho biết, toàn công ty đã có 67 nhân viên được vay vốn. Chỉ tháng nào mà nhân viên nhận đủ lương theo hợp đồng thì mới phải trả khoản vay này. Mức trả cho từng tháng bằng 25% mức lương cơ bản và sẽ trừ dần vào khoản vay cho đến khi nào hoàn tất. Do đó, nhiều nhân viên khi nhận được khoản vay đã rất vui mừng, xen lẫn bất ngờ về hỗ trợ của công ty trong giai đoạn dịch bệnh.
Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi du lịch (giữa tháng 12/2021), Khách sạn Mường Thanh Huế tổ chức buổi “talk show” với chủ đề “Sẵn sàng quay trở lại”, nhằm đánh giá lại tình hình hoạt động trong thời gian qua kèm những định hướng hoạt động trong năm 2022. Đặc biệt, với phương châm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, tại buổi “talk show” này, toàn bộ khách sạn tiến hành quyên góp, ủng hộ một nhân viên của khách sạn vừa mới phát hiện bệnh hiểm nghèo. Dù gặp khó khăn, ảnh hưởng về thu nhập do dịch bệnh, song ai cũng dành những tình cảm và nguồn kinh phí nhiều nhất có thể để chung tay giúp nhân viên nọ sớm vượt qua bệnh tật.
Trong giai đoạn chuyển sang thích ứng này, lượng khách du lịch chưa nhiều, nên số lượng nhân viên ở các doanh nghiệp trở lại làm việc vì thế còn ít. Song các nhân viên nghỉ việc ở Khách sạn Azerai La Residence Huế vẫn được khách sạn duy trì đóng 100% bảo hiểm, mua thẻ BHYT. Riêng các nhân viên đã đi làm trở lại, được hỗ trợ trang bị về khẩu trang, test COVID-19 định kỳ.
Chị Trần Thị Hoàng Yến, đại diện Khách sạn Azerai La Residence chia sẻ, sự thật là tập đoàn đang phải chịu lỗ rất nhiều để hỗ trợ cho người lao động, vì dịch bệnh kéo quá dài. Nhưng với hỗ trợ như vừa qua là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, cũng là giải pháp để doanh nghiệp giữ nguồn lao động chất lượng, tránh “chảy máu” nhân lực trước thách thức của dịch bệnh.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho rằng, đến thời điểm này mà một số doanh nghiệp vẫn có những hỗ trợ cho người lao động là sự khuyến khích rất lớn, đáng ghi nhận. Có thể đánh giá, vai trò của các tổ chức công đoàn đã thể hiện rất lớn tại các doanh nghiệp.
Chiến lược kinh doanh bài bản
Xét về khía cạnh vĩ mô hơn, doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển bài bản sẽ duy trì được hoạt động và có những chính sách hỗ trợ cho người lao động lâu dài. Chẳng hạn như tại Laguna Lăng Cô, nguồn kinh phí mà nhân viên được vay vốn là từ nguồn quỹ BTGF (Quỹ phát triển xanh) do Tập đoàn Banyan Tree xây dựng. Khách đến nghỉ dưỡng tại Laguna Lăng Cô sẽ đóng góp 1 - 2 USD (không bắt buộc) vào quỹ. Sự phát triển của doanh nghiệp luôn gắn với cộng đồng và xã hội, nên khi dịch bệnh xảy ra, nguồn quỹ đã hỗ trợ rất nhiều cho người lao động.
Theo Sở Du lịch, thông qua việc vay vốn ở Laguna Lăng Cô, cho thấy chiến lược rất bài bản của doanh nghiệp. Cụ thể, người được tham gia vào chương trình hỗ trợ vay vốn phải là nhân viên chính thức đang hưởng lương theo “Chính sách Flexi” với mức lương hiện hưởng thấp hơn 159,43 USD (khoảng 3,7 triệu đồng/tháng) và không trong giai đoạn bị xử lý kỷ luật. “Chính sách Flexi” hay còn gọi là chính sách linh hoạt hóa công việc, là chính sách cho phép công ty điều chỉnh lực lượng lao động tùy vào công suất phòng và tình hình hiện tại của khách sạn. Rõ ràng, không phải doanh nghiệp nào cũng hoạch định được chiến lược phát triển cụ thể như thế. Đây là chiến lược cần được nhân rộng.
Qua dịch bệnh mới thấy, các doanh nghiệp gần như bỏ qua những lĩnh vực như quản lý rủi ro, hình thành quỹ hỗ trợ người lao động trong những giai đoạn khó khăn, hay các quỹ gắn với cộng đồng và môi trường. Theo các doanh nghiệp có xây dựng và phát huy hiệu quả nguồn quỹ, thời gian hình thành và duy trì hoạt động của quỹ minh bạch và hoạt động hiệu quả, đúng lúc, đúng đối tượng là lý do mà các quỹ vẫn được duy trì thời gian dài.
Mở rộng ra các tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của một điểm đến, việc xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh, doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bài bản; hoạt động khai thác du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên, hỗ trợ phát triển cộng đồng được tính đến và thực hiện tốt… sẽ là những tiêu chí quan trọng trong tương lai, góp phần quan trọng thu hút khách.
Tại hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” diễn ra vào ngày 25/12/2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa qua, vấn đề về nhân lực du lịch thiếu hụt trong thời gian đến được nhấn mạnh. Trong giai đoạn này, hỗ trợ lao động là cách để giữ chân lao động cho doanh nghiệp. Tiền đề để tái hoạt động được thuận lợi hơn. Và một điều chắc chắn, với những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh tốt, còn duy trì được hỗ trợ sẽ vẫn giữ được nguồn lao động chất lượng.
Bài, ảnh: Quang Sang