ClockThứ Hai, 21/05/2018 06:00

Nhân lực du lịch: Thêm giải pháp để giữ chân lao động

TTH - Vấn đề cố hữu của Huế lâu nay không nằm ở khâu đào tạo mà là không thể giữ được chân nguồn nhân lực có chuyên môn.

Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành du lịchNgành du lịch “khát” nhân lực chất lượng caoKhuyến khích sinh viên học văn bằng hai ngành du lịchTăng cường liên kết với doanh nghiệp đào tạo nhân lực du lịchDu lịch tuyến huyện: Nhân lực thiếu, liên kết yếu

Giữ chân lao động có kinh nghiệm và chuyên môn luôn là vấn đề khó của du lịch Huế. Ảnh: Quý Minh

Không thể giữ chân

Theo thống kê của Sở Du lịch, đến cuối năm 2017, Huế đang có 18.500 lao động trực tiếp và khoảng 46.000 lao động gián tiếp liên quan đến ngành du lịch. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, qua điều tra, trong tổng lao động trực tiếp, cơ bản đều có trình độ đạt chuẩn và các chứng chỉ về nghề nghiệp liên quan.

Lâu nay, Huế luôn lo lắng về nguồn nhân lực trong du lịch. Có hai nguyên nhân tạo ra sự lo lắng này. Thứ nhất là tốc độ phát triển của du lịch Huế cần nguồn nhân lực đảm bảo số lượng và chất lượng theo từng thời kỳ. Thứ hai, nguồn nhân lực của Huế đang bị “rút ruột” ngày càng nghiêm trọng. Sự chuyển dịch nguồn lao động do thị trường quyết định, cụ thể hơn là bởi thu nhập của người lao động. Như các sinh viên mới ra trường, chưa có vướng bận về gia đình thì nơi nào trả lương cao, khả năng phát triển tốt hơn, chắc chắn sẽ hút họ.

Với thu nhập ở mức vừa phải, nhân lực du lịch Huế rất dễ bị "dụ dỗ" từ bên ngoài

Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế, vấn đề mà Huế cần phải mổ xẻ là làm sao để giữ được nguồn nhân lực chất lượng ở lại Huế làm việc và cống hiến. Mức thu nhập ở Huế vào tầm 3-5 triệu đồng/tháng cho một lao động trong lĩnh vực lưu trú (lĩnh vực chiếm đa phần lao động trong ngành du lịch); trong lúc đó, ở các địa phương ngay bên cạnh Huế, thu nhập của lao động ở lĩnh vực lưu trú gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

“Môi trường làm việc cũng đang khiến Huế yếu thế hơn trong cạnh tranh về hút nhân lực, nhất là những thương hiệu lớn trong du lịch. Doanh nghiệp càng có thương hiệu sẽ ứng xứ, đối xứng với người lao động tốt hơn. Ở các doanh nghiệp này, luôn có quy chuẩn về số lượng lao động, bố trí nhân lực, quy trình làm việc. Bộ phận nào ra bộ phận đó, chứ không có một lao động kiêm luôn nhiều công đoạn. Mặt khác, làm việc tại các thương hiệu cao sẽ giúp lao động tiến bộ, phát triển nghề nghiệp cho tương lai. Riêng ở Huế, thương hiệu lớn còn rất ít. Một lao động hoạt động 3 năm trong ngành du lịch sẽ đạt mức, hết khả năng sáng tạo. Muốn phát triển thêm phải đổi môi trường làm việc”, ông Vũ Hoài Phương phân tích.

Phát triển kèm với việc giữ chân

Lực lượng lao động chất lượng cao ở Huế đang còn thiếu. Đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp ở Huế, chủ yếu các tập đoàn lớn đã thuê giám đốc người nước ngoài hoặc các nơi khác về điều hành. Ở khía cạnh cán bộ quản lý du lịch, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, khi đi ra ngoài mới thấy nhân lực của Huế còn yếu, nhất là về ngoại ngữ. Khi đối tác đến Huế, họ nói ngoại ngữ “ầm ầm”, còn Huế khi đi ra ngoài rất còn hạn chế trong giao tiếp, cần đến phiên dịch.

Ngày 4/5/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 87 về phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đến năm 2020. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020, nguồn nhân lực tăng lên 58% so với năm 2017; trên 90% lao động tại các doanh nghiệp du lịch đã qua đào tạo, hoặc có các chứng chỉ hành nghề.

Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện, như: tăng cường đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động; nâng cao nhận thức và đời sống của lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; tạo thêm việc làm cho lao động; hợp tác quốc tế; trong đó, có đào tạo nhân lực du lịch... Đây là việc quá cần thiết, mang tính đón đầu cho sự phát triển lâu dài của Huế.

Làm sao để tăng thu nhập, tăng mức sống của lao động chính là yếu tố then chốt của du lịch Huế. Nói tăng thu nhập tưởng chừng nghe đơn giản, nhưng là sự tăng trưởng của cả một hệ thống. Tăng thu nhập, buộc mức chi tiêu của du khách khi đến Huế phải tăng, giá các dịch vụ phải theo tỷ lệ thuận. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của của nhiều bên liên quan và cả người dân. Quan trọng hơn là,  Huế phải hấp dẫn hơn, nhiều dịch vụ mới khiến khách tiêu tiền nhiều hơn. Mà muốn làm điều này thì cần phải có sự đầu tư, cần sản phẩm, dịch vụ…

Trước đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch tỉnh khi được thành lập chia sẻ, sẽ giúp Huế tăng thu nhập lao động trong du lịch lên 10-12 triệu đồng/tháng vào năm 2023. Hội đồng cũng vạch ra kế hoạch, để tăng chỉ số này phải có những điều kiện cần, như hạ tầng, sản phẩm, chất lượng dịch vụ… mới dẫn đến điều kiện đủ là khách lưu trú phải đạt 3 đêm và mức chi tiêu phải đạt 100 USD/ngày.

Cũng theo ngành du lịch, song song với phát triển về số lượng và chất lượng nhân lực, Huế cần thêm một cơ chế để giữ chân nguồn nhân lực. Về vấn đề này, ông Lê Hữu Minh cho rằng, trước đó đã có nhiều lần bàn về cơ chế thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng, nhưng với nguồn lực của Huế luôn phải “bóp bụng” thì để có cơ chế không phải dễ.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top