ClockChủ Nhật, 08/10/2017 17:00

Thị trường trọng điểm & dòng sản phẩm du lịch cao cấp

TTH - Huế xác định các thị trường khách du lịch trong điểm là Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng bá đến các thị trường này vẫn chưa được đậm nét.

Thay đổi phương thức quảng bá giúp du khách đến Huế nhiều hơn

Thiếu những hoạt động ký kết

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, các thị trường khách trọng điểm Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á không phải đến Huế trong thời gian gần đây, mà là những dòng khách truyền thống, luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua. Đặc điểm của những dòng khách này là muốn khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Huế. Quan trọng hơn là mức chi tiêu của các dòng khách ở các nước này thường cao hơn so với mặt bằng chung, hay còn được gọi là dòng khách cao cấp.

Theo số liệu từ Sở Du lịch, so với năm 2016, lượng khách ở các thị trường trọng điểm đến Huế trong 9 tháng đầu năm 2017 được duy trì ổn định. Tổng thị phần khách ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á chiếm khoảng 70-80%, như: Pháp 7,7%, Anh 5%, Mỹ 4,7%, Đức 4,1%... Riêng đối với thị trường khách Hàn Quốc có sự tăng trưởng mạnh trong 3 năm trở lại. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2017, khách Hàn Quốc đến Huế đạt 145.672 lượt, chiếm đến 18% thị phần.

Sở Du lịch cho hay, qua những phân tích dựa trên nhu cầu, xu hướng của khách, cộng với đánh giá của một số chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành, các thị trường trọng điểm mà Huế đang nhắm đến sẽ còn tiếp tục chọn Huế trong nhiều năm tiếp theo. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho biết, định hướng của ngành du lịch Huế trong 3 năm đến sẽ đẩy mạnh quảng bá vào các thị trường Pháp, Đức, Anh, Nhật và Hàn Quốc. Thông thường, để đạt hiệu quả và tạo sức lan tỏa đến với thị trường muốn quảng bá thì ít nhất phải mất 3 năm, nên ngành sẽ ưu tiên kinh phí để tăng khả năng xúc tiến, quảng bá công tác quảng bá đến các thị trường trọng điểm này.

Các hội chợ cần có sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp

Công tác xúc tiến quảng bá vào các thị trường trọng điểm nhiều năm qua có thực hiện, nhưng chưa được mạnh và đậm nét, sức lan tỏa chưa đủ lớn. Thường để quảng bá vào các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á tốn khá nhiều kinh phí, nên khi đi quảng bá chỉ dừng ở mức quảng bá điểm đến, chứ chưa có những hoạt động ký kết giữa doanh nghiệp để đưa khách về Huế. Riêng với thị trường khách Bắc Mỹ, du lịch Huế chưa có quảng bá trực tiếp ở trên các nước này, mà chỉ dừng lại xúc tiến tại chỗ, thông qua các website và mạng xã hội, hoặc thông qua quảng bá của các doanh nghiệp du lịch lớn trong nước.

Thay đổi phương thức

Trong các tháng đầu năm, ngành du lịch Huế tham gia nhiều hội chợ du lịch lớn ở các thị trường trọng điểm. Trong năm nay, du lịch Huế tăng tần suất quảng bá tại Singapore. Lý do là đa số các hãng lữ hành lớn trên thế giới đều đặt chi nhánh tại đây. Việc đến trực tiếp các trụ sở chính ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ rất khó, thông qua các chi nhánh để giới thiệu Huế là việc làm hiệu quả trước mắt. Dự kiến thời gian đến, ngành du lịch Huế sẽ tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế lớn, như Hội chợ WTM London – Anh, nhất là hội chợ du lịch lớn nhất thế giới hiện nay là ITB tại Berlin – Đức.

Ông Trương Thành Minh cho biết, tham gia các hội chợ vẫn là hình thức quảng bá hiệu quả, song song với quảng bá trực tuyến trên internet. Điều mà ngành du lịch Huế bước đầu thấy hiệu quả trong các lần tham gia hội chợ gần đây là có sự tham gia với số lượng đông của doanh nghiệp du lịch Huế. Riêng tại Hội chợ du lịch Nhật Bản JATA 2017 vừa qua (21 - 24/9/2017, cả đoàn 3 tỉnh (Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) có doanh nghiệp đi cùng là 24 thành viên, riêng Huế có đến 11 người. Từ sự tham gia của doanh nghiệp mới có những ký kết để đưa khách về bằng các sản phẩm, tour tuyến cụ thể. Chỉ cơ quan quản lý thì dừng lại ở quảng bá điểm đến, chứ không thể có những sản phẩm cụ thể, giá thành bao nhiêu để đối tác dễ hợp tác.

Tổ chức Roadshow tại các hội chợ sẽ tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm hợp tác

Tổ chức các Roadshow cũng lần tiên được tổ chức khi tham gia Hội chợ Du lịch Nhật Bản JATA các hội 2017. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đến dự buổi giới thiệu có đại diện của hơn 50 doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và tổ chức đưa khách đến Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung. Hiệu quả của Roadshow là các doanh nghiệp hai bên có thêm không gian gặp gỡ, trao đổi và kết nối kinh doanh. Tại đây, những thắc mắc về lưu trú, đi lại, hướng dẫn viên… được các doanh nghiệp đưa ra thảo luận. Cũng thông qua buổi gặp gỡ, giúp du lịch Huế biết được du khách Nhật Bản đang cần gì ở Huế, giúp ngành du lịch định hướng và xây dựng các sản phẩm phù hợp hơn trong thời gian đến.

Du lịch Huế đã xác định các thị trường trọng điểm, việc cần làm trong thời gian đến là tăng cường quảng bá. Đồng thời yêu cầu đặt ra là xây dựng được các sản phẩm cao cấp để phục vụ nhu cầu của những dòng khách cao cấp này khi đến Huế.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top