Chương trình “Âm vọng sông Hương” tại Festival Huế 2018 được đánh giá có thể trở thành show diễn phục vụ khách thường xuyên
Thiếu ánh đèn sân khấu
Lợi thế của Huế trong du lịch là văn hóa, tiền đề để Huế có thể hình thành được những show biểu diễn nghệ thuật, được sân khấu hóa phục vụ du khách. Thế nhưng qua bao năm, qua biết bao lần thử nghiệm, đầu tư và không ít lần dư luận thắc mắc, doanh nghiệp du lịch đề xuất, mòn mỏi chờ đợi, show diễn đặc trưng của Huế vẫn chưa thể hình thành.
“Ngay cả một chương trình nghệ thuật đặc trưng, với khán đài nhỏ chỉ vài chục khán giả, được tổ chức thường xuyên chưa có, chứ đừng nói là một show diễn hoành tráng với cả ngàn khán giả”, đó là chia sẻ của một cán bộ phụ trách mảng lữ hành trong ngành du lịch.
Trên thực tế, Huế có chương trình Áo dài show đang hút khách, mỗi đêm đón khoảng 200 - 300 khách, chứ không hẳn là không có. Xét về tính đặc trưng thì chương trình đang đẩy mạnh về áo dài, trang phục truyền thống, còn các bộ môn nghệ thuật khác, các chương trình tái hiện lại đời sống văn hóa đặc trưng của Huế từ xưa đến nay thì vẫn chưa có. Tuy nhiên, có chương trình này đã là rất tốt cho Huế. Đây còn được xem là chương trình tiên phong, phần nào đáp ứng được nhu cầu của du khách về giải trí vào ban đêm khi đến Huế.
Du khách tìm hiểu thông tin về lăng Tự Đức. Ảnh: K.O
Festival Huế mỗi kỳ có hàng loạt chương trình sân khấu hóa quy mô, có chất lượng nghệ thuật cao, tuy nhiên, sau khi ánh đèn sân khấu tắt đi thì không được bật lại bằng một chương trình khác dựa trên nền tảng đó; hoặc có thì duy trì hoạt động chỉ trong thời gian ngắn rồi cũng phải tắt đèn. Một sự lãng phí không nhỏ, không phải về kinh phí tổ chức mà là chất xám, ý tưởng và công sức để dàn dựng lên những chương trình, mà đáng lẽ ra phải liên tục tổ chức để “khoe” với du khách và công chúng.
Có thể kể đến như chương trình “Âm vọng sông Hương” trong khuôn khổ Festival Huế 2018, được tổ chức tại bãi bồi công viên Trịnh Công Sơn. Một chương trình gần như lột tả hết được đời sống của vùng đất Cố đô qua nhiều chặng đường lịch sử. Chương trình diễn ra thăng hoa trong vòng 2 tiếng đồng hồ rồi bị lãng quên. Đáng ra sân khấu đó, kịch bản đó cần được giữ lại để tổ chức thường xuyên. Đó là sự chậm trễ và chưa có tầm nhìn xa hơn trong việc giữ lại một sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Huế.
Với nhiều du khách khi đến Huế, ít nhiều bị hụt hẫng vì rất muốn nhưng không được xem một show nghệ thuật mang tính đỉnh cao, thể hiện văn hóa Huế từ truyền thống đến hiện đại. Do đó, dù đã có một số sản phẩm đưa vào khai thác, song du khách khi đến Huế vẫn đang còn “đói” các dịch vụ vào ban đêm. Anh bạn của tôi ở miền Nam ra chơi cũng phải tiếc cho Huế vì những lợi thế về văn hóa, truyền thống, sao không tận dụng để “hốt” tiền của khách.
Cần có sự đầu tư
Tôi đã có dịp đi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, muốn trải nghiệm không khí của ánh đèn sân khấu thì luôn có, mọi lúc và mọi nơi. Những bộ môn nghệ thuật vẫn cố gắng sáng đèn hàng đêm, hàng tuần để phục vụ công chúng và du khách.
Với Huế, ý tưởng hình thành các show diễn luôn dồi dào, nhưng từ ý tưởng đến thực tiễn là một thái cực khác. Có thể liệt kê một số ý tưởng hình thành show được đúc kết từ các chương trình có giá trị, đặc trưng nhất qua các kỳ Festival Huế; xây dựng các thực cảnh ở cồn Dã Viên, cung An Định, Đại Nội…
Hỏi về việc đầu tư xây dựng các show diễn để phục vụ khách, một doanh nghiệp cho rằng, nếu xây dựng chương trình không bài bản thì sẽ “không ra môn ra khoai”. Một số chương trình đã vấp phải trước đó và phải dừng hoạt động là điều rất dễ xảy ra. Còn những chương trình lớn, quy mô thì doanh nghiệp Huế không đủ nguồn lực để triển khai.
Để có những show diễn có quy mô, tính hấp dẫn, đòi hỏi có những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp để cho ra những “kịch bản” lâu dài. Mới đây, Vietravel nghiên cứu show thực cảnh tại Huế. Địa điểm triển khai show diễn cơ bản được xác định, tuy nhiên, nhưng theo đại diện Vietravel, cần phải thêm thời gian để nghiên cứu và quá trình chạy thử. Nếu không, khi ra đời nhanh bị lạc hậu và không tạo ra sự khác biệt so với các show diễn đang được khai thác trong cả nước hiện nay.
Sau những thành công và đã tạo được thương hiệu, show diễn Áo dài của Công ty VK Star đang lên kế hoạch mở quy mô show diễn lên 700 khán giả. Theo Tổng Giám đốc của công ty, để có thể hình thành show diễn có quy mô như thế cần có địa điểm phù hợp. Thời gian qua, công ty phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát một số địa điểm phù hợp, nhưng vẫn chưa nhận được trả lời. Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ sớm mới có thể triển khai.
Dự kiến khoảng 4,7 triệu lượt khách đến Huế trong năm 2019; theo đó mỗi đêm, có khoảng 8 ngàn lượt khách lưu trú lại Huế; trong đó, khoảng 500 khách đi nghe ca Huế trên sông Hương, 300 khách đi show Áo dài, khoảng 7 ngàn khách còn lại vẫn chưa có lời giải về chơi gì, xem gì vào ban đêm.
ĐỨC QUANG