ClockThứ Bảy, 07/09/2019 06:15

Tranh thủ làm dịch vụ để thoát cảnh “nhà hoang”, tại sao không?

TTH - Đang nghỉ chân chờ nhóm bạn từ thác Đỗ Quyên ra, thấy mấy người khách lên xe chuẩn bị xuống núi, tôi “kích động”: “Sao về sớm thế, ở lại đêm, đốt lửa trên đỉnh Bạch Mã thú vị lắm”- “Cũng thích vậy, nhưng không tìm được chỗ ở anh ơi.”, khách trả lời, vẻ tiếc rẻ...

Khám phá thác Đỗ QuyênĐến Huế, đừng bỏ qua Bạch Mã

Biệt thự Morin càng lúc càng hoang vắng khiến nhiều người xuýt xoa tiếc nuối

Những năm gần đây, hầu như mùa hè nào tôi cũng có dịp lên thăm Bạch Mã. Đi mãi rồi như sinh… ghiền, năm nào không đi là thấy nhớ. Mà hình như không chỉ có mình tôi. Hè này, bắt chuyện một người đàn ông gặp ở biệt thự Bảo An. Giọng nói miền ngoài nhưng ông cho biết mình đến từ TP. Hồ Chí Minh. Ông bảo đã 3 năm liên tục rồi, hễ đến hè là ông lại lên chơi Bạch Mã. “Yên tĩnh, trong veo, cuốn hút và mát mẻ thế này, ở nó sướng!”. Cái chữ sướng cuối câu ông nhấn giọng và kéo dài, nghe đến sảng khoái.

Sau nhiều thập kỷ ngủ yên, chừng hơn chục năm trước, một số ít trong số 139 ngôi biệt thự từng hiện hữu trên đỉnh Bạch Mã đã được các đơn vị, doanh nghiệp nhận đầu tư và đưa vào hoạt động phục vụ du lịch. Chúng tôi đã từng đưa đoàn chuyên gia Thụy Điển lên ở tại biệt thự Morin. Không rõ biệt thự này có tên gì khác không, nhưng do Morin đầu tư nên được mọi người gọi luôn bằng tên của doanh nghiệp. Biệt thự nằm ngay vị trí cây số 0 ở cao độ 1.450. Kiến trúc đẹp, không gian đẹp và view thì quá tuyệt vời khiến cho các bạn Thụy Điển cứ cảm thấy nuối tiếc khi phải nói lời tạm biệt. Bẵng đi một thời gian, mấy năm sau này trở lại, thấy biệt thự Morin bị đóng cửa. Nghe nói bởi vắng khách, thu không đủ bù chi. Cứ ngỡ ấy là do có thời gian con đường lên núi đang trong quá trình được đầu tư nâng cấp, giao thông trở ngại. Không dè, tình trạng đóng cửa kéo dài mãi. Biệt thự Morin dần hoang tàn đổ nát trở lại, đến mức một tờ báo mới đây đã dùng mấy chữ “rợn người” để tả cái cảm giác khi đứng trước ngôi biệt thự này. Và không chỉ có Morin, về phía dưới một đoạn biệt thự Cẩm Tú cũng trong tình trạng bỏ hoang như vậy. Thật tiếc…

Có lẽ sẽ có người bảo: “Tiếc chi vô duyên. Của người ta, thấy không hiệu quả thì người ta đóng cửa, mắc mớ chi tiếc?”. Ngẫm thì quả là như vậy thật, nhưng không hiểu sao trong lòng cứ… “bắt” tiếc mới lạ kỳ. Mà đâu chỉ có mình tôi. Đợt vừa rồi đoàn chúng tôi đi Bạch Mã cả nhóm hơn chục con người ta, ngang qua những biệt thự để không, ai cũng buộc miệng xuýt xoa: “Sao lại lãng phí thế này!”. Rồi câu chuyện “nhà hoang” cứ kéo dài suốt cả quãng đường lên Vọng Hải Đài. Lẽ thường nhà cửa mà thiếu hơi người thì sẽ rất nhanh xuống cấp, cảm giác “âm khí” nặng nề nên báo chí dùng chữ “rợn người” để mô tả cũng… phải đạo. Trong lúc đó, rất nhiều đoàn khách lên với Bạch Mã không có nhu cầu cần phải được chăm sóc phục vụ như các khách sạn, nhà nghỉ ở phố thị. Ấy không phải là người ta thiếu tiền mà có khi là do khách muốn tự do trải nghiệm cái cảm giác được hòa nhập với thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm với không khí của một cuộc picnic đúng nghĩa mà thời thanh niên trai trẻ họ đã từng… Vậy thì cơn cớ gì mà không mở cửa làm dịch vụ với phân khúc này. Hãy cứ giao nhà, giao phòng trọn gói cho khách, còn ăn uống, sinh hoạt để khách tự lo.Với doanh nghiệp, có lẽ chỉ cần một đôi người quản lý thôi là đủ. Phí thu trước mắt có thể không nhiều, nhưng nhà “có hơi người”, được coi sóc, sẽ tránh được xuống cấp và “âm khí rợn người” như hiện trạng. Sau này, khi du lịch Bạch Mã phát triển, cần tu bổ, trang cấp để đón dòng khách cao cấp có lẽ cũng đơn giản và đỡ tốn kém hơn. Mở cửa “tranh thủ” làm dịch vụ, thiết nghĩ sẽ là giải pháp tốt để vừa giữ được cơ sở vật chất, sẽ vừa giúp đáp ứng nhu cầu lưu trú đang xu hướng tăng trưởng của Bạch Mã.

Từ chỗ không đường, không điện, không nước… Bạch Mã đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường lên đến tận cây số 0. Điện lưới có, nước sạch có, sóng điện thoại có. Nhưng sau đó, không điện vì… đứt cáp và điện lực hình như cũng không buồn sửa do vắng khách(?); doanh nghiệp nước cũng than phiền lãng phí vì bỏ vốn đầu tư mà lại quá ít người dùng, các trụ cấp nước xuống cấp, hư hỏng không được sửa nhìn rất muộn phiền; điện thoại cũng tịt ngòi vì không sóng hoặc sóng rất yếu… Đó là thực trạng cách đây 3 năm khi chúng tôi đưa một đoàn mấy chục nhà báo thăm Bạch Mã. Năm ngoái lên lại, tình hình chưa khá hơn bao nhiêu. Rút kinh nghiệm, năm nay, trước khi thẳng tiến Bạch Mã, chúng tôi lo tăng cường thêm mấy bình ắc quy, bóng đèn để đảm bảo ánh sáng, không dè điện đã được nối cáp, sáng thoải mái 24/24. Sóng điện thoại cũng khá hơn rất nhiều…. Vui nhất là lượng khách có vẻ đã rất dồi dào. Âu có, Á có, nội địa có. Thời điểm chúng tôi đến, may mà đặt trước, không thì có lẽ đã như mấy người khách gặp ở đường vào Đỗ Quyên, phải “hạ sơn” sớm. Đường lên Vọng Hải Đài bây giờ đã rất đông vui, bãi đỗ xe ở cây số 0 có ngày không đủ chỗ chứa. Chúng tôi bắt gặp không chỉ thanh niên trai tráng mà có cả những bậc trung niên, phụ lão và rất nhiều cháu ở lứa tuổi thiếu niên cũng hào hứng vén mây khám phá “ngọn núi ảo ảnh”... Bất chợt nhìn qua biệt thự Morin, biệt thự Cẩm Tú và một số công trình nhà cửa đều có thể tranh thủ cho khách ở được, rồi lại nhớ đến vẻ hụt hẫng của một số du khách không được ở lại trải nghiệm đêm Bạch Mã do không tìm được nơi lưu trú mà cứ thấy tiêng tiếc thế nào. Nhưng mà… ô hay, cứ vẩn vơ như vậy có bị cho là người vô duyên, bao đồng không nhỉ...

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế
80% du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025

Nền tảng tìm kiếm thông tin du lịch Skyscanner vừa công bố một báo cáo mới tiết lộ xu hướng du lịch năm 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó nổi bật là các vấn đề về xu hướng du lịch, chi tiêu cho du lịch, sở thích về điểm đến, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong du lịch và du lịch bền vững.

80 du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025
Return to top