Mấy năm sau này, một vài lần trở lại Bạch Mã, nghe nói đường xuống chân thác Đỗ Quyên đã được đầu tư xây bậc cấp, tạo điều kiện cho ai có nhu cầu khám phá. Rất háo hức, nhưng vì quỹ thời gian, hoặc vì chương trình lên sẵn, tôi lại đành lỡ hẹn.
Hè năm nay, Huế bước vào những ngày “nắng nóng đặc biệt” (như thông báo của Đài Truyền hình Quốc gia) cũng trùng thời điểm nhóm bạn học thời trung học chúng tôi tái ngộ Bạch Mã theo lịch đã lên từ rất lâu trước đó. Quả là hên, nhất cử lưỡng tiện! Từ cái nóng hầm hập của phố thị đồng bằng, lên đến đỉnh “ngọn núi ảo ảnh”- như cách gọi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với non thiêng Bạch Mã - mới thấy quý vô ngần bầu không khí mát lành đến tinh khiết nơi đây. Chẳng vướng bận chương trình công tác hay nghị sự gì như những chuyến đi trước, đơn giản chỉ là họp mặt, nghỉ ngơi, thư giãn chơi, tôi rủ rê cả nhóm hạ quyết tâm phải trở lại Đỗ Quyên trong chuyến đi này.
Ngày càng nhiều du khách tìm về trải nghiệm Bạch Mã
Ăn uống và tranh thủ ngủ trưa một giấc thật đẫy, cả nhóm nai nịt gọn gàng, mang theo nước uống, ít thức ăn nhẹ và lên đường. Cứ thong thả mà đi, mệt đâu nghỉ đó, xả bỏ tâm lý “đi cho tới để còn về” như mọi bận, tôi và nhóm bạn trực chỉ Đỗ Quyên. Đúng là có “quán triệt” có khác. Cả nhóm thong dong không vướng bận, thấy cảnh đẹp, thấy hoa lạ, suối trong… là dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh thỏa thích. Đường đi Đỗ Quyên không còn quá rậm rạp, hoang dã như trước, lại nhẩn nha như thế nên không ai hề thấy mệt nhọc tí nào.
Cảnh sắc kỳ vỹ, hữu tình khiến 2 chàng thanh niên này không muốn rời đi, quyết hạ trại “ở” qua đêm với Đỗ Quyên
Đỗ Quyên đây rồi. Vẫn hoang sơ hùng vĩ đến nao lòng. Đường bậc cấp dẫn xuống chân thác nằm về mé bên trái, cả lên và xuống tổng cộng 1.378 bậc. Mới nghe qua đã… rất dễ nản, nhất là đối với những người sức vóc đã ngoại ngũ tuần như chúng tôi. Một số quyết định dừng chân trên đỉnh thác, tôi và một nhóm khác gồm 8 người đang một thoáng phân vân không biết nên đi hay dừng thì một bạn nữ dõng dạc: “Đi! Tới đây rồi mà không đi thì phí. Không đi bây giờ, thêm một vài tuổi nữa xem như vĩnh viễn hết cơ hội”. Nói quá chí lý. Vậy thì đi. Cũng tinh thần như đã xác định từ đầu: Di chuyển thong thả, mệt đâu nghỉ đó. Nhưng chưa tới trăm bậc đã thấy có những vị trí dốc đứng, bậc cấp thì cao ngất ngưởng chứ không như những bậc cấp bình thường. Lại nữa, hệ thống lan can tay vịn để vừa đảm bảo an toàn, vừa trợ lực cho khách hầu hết đều đã đổ rụi do chất liệu sắt đã gỉ sét gần như “triệt để”. Thấy “ngợp” quá, đoàn rụng lại 2 thành viên. Còn lại 6 người, trong đó có tôi thì vẫn “kiên trì mục tiêu” đã định. Vừa đi vừa quan sát, chợt thấy cảm phục vô kể những người thợ xây.
Một số đoạn lan can còn sót lại, nhưng đều đang trong tình trạng “rệu rã”
Chẳng hiểu làm sao cheo leo đến thế mà họ vẫn có thể vận chuyển cát đá, xi măng và treo mình xây được tuyến bậc cấp phục vụ nhu cầu khám phá của du khách. Chỉ tiếc là lần làm lần khó, trong môi trường ẩm ướt thường xuyên của rừng nhiệt đới, những người thiết kế, chủ đầu tư sao lại không chọn vật liệu phù hợp để đến nỗi hệ thống lan can tay vịn bây giờ đã hư hỏng, sụp đổ cả, trong lúc giá trị vật liệu không chừng còn thua cả tiền thi công, lắp đặt?!! Nhóm 6 người chúng tôi, 4 nam, 2 nữ vừa đi vừa nghỉ, vừa cười đùa động viên nhau, bỗng nghe ầm ào tiếng thác, và hơi gió mát rượi lách rừng thổi đến. Chúng tôi biết mình đã sắp đến đích. Đây rồi, bậc cấp cuối cùng. Chào đón chúng tôi là một cánh rừng già, thoáng đãng, uy phong và đẹp như cảnh trong phim. Bao nhiêu mệt nhọc như tan loãng đi. Hào hứng lưu lại những bức ảnh với cây rừng Bạch Mã, sau đó, rẽ cây tiến về phía chân thác. Từ trên đỉnh cao chót vót, một cột nước trắng xóa ầm ào đổ xuống. Phải lùi rất sâu, đẩy ống kính xa tối đa, và cả nằm rạp xuống nữa, mới có thể thu hết cột nước vào trong khuôn hình. May mà smart phone và camera kỹ thuật số, còn không thì đến “cháy” phim mất. Nghỉ ngơi, phim ảnh thỏa thuê, chúng tôi chào Đỗ Quyên, chào thác nước hùng vĩ để quay lại với con đường bậc cấp. 689 bậc cấp dẫn lên đỉnh thác đang chờ thách thức chúng tôi. Không sao, xuống được thì tất lên được. Và sau gần một tiếng vừa leo vừa… thở, chúng tôi đã đến nơi trong sự chào đón của bạn bè và trong niềm vui “Vượt lên chính mình”.
Vậy là lần này tôi đã không còn lỗi hẹn với ngọn thác huyền thoại. Nhưng sao chưa rời đi đã chợt mơ một ngày nào đó, đúng dịp hoa đỗ quyên rộ nở, sẽ lại được cùng bè bạn trở về để ngắm hoa và để lắng nghe ầm ào tiếng thác trong miên viễn âm vọng của núi rừng Bạch Mã…