ClockChủ Nhật, 23/07/2017 11:38

Xác định dòng khách chính của du lịch Huế

TTH - Doanh thu của ngành du lịch tức là số tiền chi tiêu của du khách, và tất nhiên, khách giàu có thì sẽ chi tiêu cao hơn khách bình dân. ..

Đó là vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh Phan Thiên Định (Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư) chất vấn lãnh đạo Sở Du lịch tại kỳ họp HĐND vừa diễn ra hôm cuối tuần trước (ngày 13 và 14/7). Theo ông Định, khi nhà đầu tư du lịch đến Huế, điều mà họ cần tìm hiểu là: định hướng của du lịch Huế, khách nào là dòng khách chính?

Du khách tàu biển là dòng khách mà du lịch Huế cần “lưu tâm” nhiều hơn. Ảnh: Võ Đại Phong

Thu được bao nhiêu tiền?

Cũng tại kỳ họp này, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ đã chất vấn về việc tăng trưởng chậm của du lịch Huế. Trong khi khách lưu trú sáu tháng đầu năm 2017 của các tỉnh lân cận như Quảng Nam tăng 11,75%, Khánh Hòa tăng 25%, Quảng Bình tăng 15,3%, Đà Nẵng tăng 5,9%, thì khách lưu trú đến Huế chỉ tăng 2,08% so cùng kỳ (955.000 lượt khách).

Nếu tính toàn bộ du khách trong sáu tháng thì Thừa Thiên Huế xếp thứ 6 trong các tỉnh, thành duyên hải miền Trung, với hơn 1,7 triệu lượt khách. Trong khi tổng khách đến Đà Nẵng hơn 3,2 triệu lượt, và con số của Nha Trang - Khánh Hòa còn “khủng” hơn: 7,8 triệu lượt.

Khi tìm hiểu hoạt động du lịch của một địa phương, người ta thường chú ý đến các con con số: tổng lượt du khách, số khách lưu trú, bình quân ngày khách, và có vẻ như ít chú ý đến con số tổng thu nhập của ngành du lịch. Đón bao nhiêu khách, nhưng quan trọng hơn là thu được bao nhiêu tiền?

  Doanh thu xã hội của du lịch Thừa Thiên Huế trong sáu tháng là 1.735 tỷ đồng, tăng 8,3% (trong đó doanh thu của các cơ sở lưu trú chiếm 734,6 tỷ đồng). Con số này của Khánh Hòa là 7.515 tỷ đồng, nhưng Đà Nẵng thu hơn 9.494 tỷ đồng, dù tổng số khách đến Khánh Hòa cao hơn gấp đôi Đà Nẵng.

Doanh thu của ngành du lịch tức là số tiền chi tiêu của du khách, và tất nhiên, khách giàu có thì sẽ chi tiêu cao hơn khách bình dân. Muốn cho khách “rút hầu bao” nhiều hơn thì trước hết phải có sản phẩm cao cấp theo đúng yêu cầu rất khó tính của dòng khách này. Đây chính là cái thiếu và yếu nhất của du lịch Huế, từ bao năm nay vẫn chưa khắc phục được. Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, lãnh đạo Sở Du lịch cũng thừa nhận đây là nguyên nhân đầu tiên (trong 4 nguyên nhân) khiến du lịch tỉnh vẫn tăng chậm. Sản phẩm du lịch của Huế vẫn chưa đổi mới và thiếu sức cạnh tranh, do chưa có những doanh nghiệp mạnh để tạo ra những sản phẩm du lịch cao cấp (như khu du lịch Laguna), để tạo đột phá thu hút du khách đến Huế.

Chú trọng dòng khách cao cấp

Một ngày trước khi diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh, tôi may mắn được gặp một nhà đầu tư người Huế mang quốc tịch Mỹ chuyên kinh doanh sản phẩm du lịch cao cấp. Ông là chủ của một hãng tàu du lịch đường thủy và một hãng lữ hành quốc tế chuyên đưa đón du khách cao cấp trên toàn thế giới. Khách của công ty ông luôn đặt hàng với giá từ 800-1.000USD/ngày đêm lưu trú hoặc du thuyền. Cách đây không lâu, công ty lữ hành của ông đã đưa một nhóm du khách là con gái một cựu Tổng thống Mỹ và bạn bè của họ đến Huế. Ông chọn một khách sạn hàng đầu của Huế cho khách lưu trú, nhưng khách đã lắc đầu và chuyển vào một resort ở Quảng Nam.

Khách châu Âu được xem là dòng khách sang với du lịch Huế. 

Từ câu chuyện của nhà đầu tư này càng cho thấy du lịch Huế phải chú trọng đến dòng khách cao cấp, hơn là khách đại trà với con số tăng ào ạt. Điều này phù hợp với đặc tính yên tĩnh, thơ mộng của không gian Huế; với một đô thị cổ kính, tôn nghiêm rất kỵ sự ồn ào náo nhiệt; một quần thể di sản cổ xưa thật khó đảm bảo vững bền trước áp lực của số đông người tham quan. Cố đô Huế cũng như Vườn quốc gia Bạch Mã, biển Lăng Cô, đều là tài nguyên quí giá để tạo ra sản phẩm du lịch cao cấp. Vì vậy, theo chúng tôi, con số mà du lịch Huế nên quan tâm là doanh thu của ngành du lịch. Và để đón ít khách mà thu được nhiều tiền thì khách cao cấp phải là dòng khách chính. Dòng khách này chi tiêu nhiều nhưng ít “xài xể” tài nguyên, ít hư hại tài sản, ít gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, họ lại mang văn minh đến cho cộng đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch và xã hội mà khách cao cấp còn thu hút đầu tư tạo ra những khách sạn, nhà hàng, resort cùng hệ thống hạ tầng du lịch sang trọng, hiện đại. Tất nhiên, chú trọng khách cao cấp không có nghĩa là bỏ qua dòng khách bình dân đại trà. Thị trường này vẫn được khai thác hợp lý với hệ thống sản phẩm cũng rất dồi dào của Huế.

Ông Lê Hữu Minh - Quyền Giám đốc phụ trách Sở Du lịch - có giải thích thêm về sự tăng trưởng “khủng khiếp” của du lịch Đà Nẵng và Khánh Hòa. Khách quốc tế của Đà Nẵng tăng hơn 72% và Khánh Hòa tăng đến hơn 80%, chủ yếu là do khách Trung Quốc tăng đột biến. Trong số 1 triệu lượt khách quốc tế lưu trú Nha Trang thì khách Trung Quốc chiếm đến gần một nửa. Trên báo Tuổi Trẻ ngày 23/4/2017, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - nhìn nhận việc tăng quá nhanh du khách đến từ Trung Quốc đã khiến Khánh Hòa gặp nhiều lúng túng. Theo Hiệp hội du lịch Khánh Hòa, đồng thời với khách Trung Quốc tăng thì dòng khách châu Âu như Anh, Pháp, Đức và cả khách Mỹ, Úc cũng suy giảm. Giới kinh doanh du lịch cho rằng, việc dòng khách châu Âu được xem là khách có chi tiêu cao nhưng suy giảm là điều đáng tiếc, vì sản phẩm của Nha Trang là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (theo báo Dân Việt ngày 9/7/2016).

Trong kinh doanh, người bán hàng thường không từ chối khách hàng nào cả, miễn họ có tiền, nhưng mỗi cửa hàng đều có khách hàng riêng của mình, vì nếu phục vụ nhóm khách này thì  có thể sẽ không làm hài lòng nhóm khách khác. Nền du lịch của quốc gia hay địa phương nào cũng có triết lý riêng, chiến lược riêng, khách hàng riêng, để xây dựng qui hoạch, kế hoạch cũng như hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thiên Định, ông Lê Hữu Minh cho biết thị trường truyền thống của Huế là Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, ASEAN và nội địa. Trong đó, nhóm khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á là khách cao cấp. Ngoài ra, theo ông Lê Hữu Minh, Huế cũng không bỏ qua dòng khách cao cấp đến từ Trung Quốc - một thị trường du lịch lớn nhất thế giới.

Nếu du lịch Huế đã xác định được dòng khách chính của mình thì việc còn lại là thúc đẩy ra đời những sản phẩm cao cấp, mang giá trị đặc sắc riêng của Huế. Để những du khách giàu có không phải mất công vào Quảng Nam hay Đà Nẵng mà nghỉ lại sau khi tham quan di sản nhân loại ở Huế.

Bài: MINH TỰ - ảnh: VĐN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top