Để cùng với nghệ nhân Thân Văn Huy (ngoài cùng, bên trái) làm hoa giấy Thanh Tiên du khách phải “đặt lịch”
Bị động
Xu hướng của du khách khi đến Huế là muốn về các làng quê, tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân. Du khách muốn tự mình khám phá những nét riêng, cùng làm việc, ăn uống và cả ngủ nghỉ như một người dân bản địa. Qua thực tế kinh doanh, khoảng cách di chuyển xa đang trở thành rào cản với nhiều điểm đến. Chẳng hạn như ở làng cổ Phước Tích, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ở Huế, đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của du khách. Do ở vị trí quá xa với TP. Huế, các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc khai thác.
Theo các doanh nghiệp, các địa điểm phù hợp nhất để hình thành “vệ tinh” du lịch có khoảng cách với TP. Huế 12km trở lại. Đây là khoảng cách phù hợp để có thể sử dụng được nhiều phương tiện di chuyển. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu về điểm đến ở bất cứ đâu mà vẫn đảm bảo sức khỏe, như đi xe đạp, xe máy, xích lô… Huế có nhiều làng quê đáp ứng được tiêu chí này, như Thủy Biều, cầu ngói Thanh Toàn, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng Sình…
Những làng quê ven đô TP. Huế là “vệ tinh” du lịch hấp dẫn bổ trợ cho chính TP. Huế
Thủy Biều một ngày đầu tháng 11, mùa thanh trà đã hết. Gần hết một vòng quanh làng mới thấy hai vị khách nước ngoài cùng hướng dẫn viên (HDV) du lịch đạp xe tham quan. Dừng xe, vào một nhà dân, chưa đầy mười phút đồng hồ, hai vị khách đã kết thúc tham quan và lên xe tiếp tục hành trình. HDV cho hay, mùa này không có những hoạt động hái và thưởng thức thanh trà. Thiếu các hoạt động, khách chỉ vào xem để biết đặc trưng của các ngôi nhà truyền thống ở Huế.
Ông Hoàng Đắc Huynh, Giám đốc Công ty TNHH AV Huế Travel phân tích, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho lý do Huế thiếu những sản phẩm hấp dẫn. Điều mà Huế đang thiếu là cách làm hiệu quả. Ví dụ như tour du lịch cộng đồng ở Thủy Biều chỉ mang tính mùa vụ, hết mùa thanh trà thì không thể có thêm những trái cây khác, những trải nghiệm khác để thu hút du khách. Thời điểm này, Huế đón nhiều dòng khách Âu - Mỹ, rất thích tham gia du lịch cộng đồng như ở Thủy Biều. Hay du khách đạp xe tìm về Phú Mậu, muốn trải nghiệm làm hoa giấy Thanh Tiên thì phải “ngậm ngùi” ra về vì nhà của nghệ nhân Thân Văn Huy khóa cửa. Chỉ có những khách đi theo tour, doanh nghiệp có liên hệ với nghệ nhân thì mới gặp được.
“Vệ tinh” cho TP. Huế rất nhiều, nhưng cách làm du lịch như hiện nay còn quá bị động. Người dân chưa sẵn sàng để làm kinh tế từ du lịch. Khả năng của chính quyền địa phương không thể chủ động trong việc xây dựng các sản phẩm. Doanh nghiệp chưa có tư duy chịu thiệt bước đầu, không dám mạnh dạn đầu tư… Ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Thủy Biều chỉ có bề nổi chứ chưa có chiều sâu. Khách chỉ đến đông vào mùa thanh trà, còn vào những tháng khác người dân không có thu nhập từ du lịch. Nhu cầu lưu trú qua đêm ở Thủy Biều là có, nhưng lại chưa có dịch vụ homestay. Hiện nay, chỉ có hai hộ ông Hồ Xuân Đài và Tôn Thất Phương là còn đón khách, có dịch vụ ngâm chân bằng thảo dược, làm kẹo và ăn trưa.
Ý tưởng thôi, chưa đủ
Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả người dân biết được sự bị động này. Tồn tại lâu nay được chỉ ra là sự phối hợp giữa ba bên chưa được nhịp nhàng. Chẳng hạn ở Thủy Biều, để tạo sức hút vào những tháng này, một số doanh nghiệp có ý tưởng xây dựng thêm một số trải nghiệp mới vào trong tour, như trồng hoa màu, trồng hoa, làm bánh… Du khách sẽ trực tiếp chăm sóc, thu hoạch cùng với người dân… Song, đó cũng chỉ là ý tưởng, nhiều năm qua vẫn không thể thực hiện. Ông Hoàng Thăng Long khẳng định, chính quyền địa phương rất hoan nghênh ý tưởng này và trên thực tế đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp về kế hoạch. Song để thực hiện được, phải xin thêm chủ trương.
Ngoài những vệ tinh đã được khai thác thời gian qua, còn nhiều địa điểm khác cũng có thể trở thành điểm đến phục vụ du khách nếu khai thác tốt, như: Dạ Lê, Thủy Dương, Quảng Thành, Hương Chữ, Hương Hồ, Hương Thọ…
|
Trở lại với chuyện tham quan và trải nghiệm làng hoa giấy Thanh Tiên. Đã về Phú Mậu, phải đến nhà của nghệ nhân Thân Văn Huy, bởi sự nổi tiếng của ông trong việc phục dựng lại làng nghề này. Nhưng chỉ riêng một mình nghệ nhân không thể túc trực để phục vụ khách, trong khi nhà chính của ông ở tại TP. Huế. Vấn đề được đặt ra, ngoài nghệ nhân, làng hoa giấy Thanh Tiên còn ai đón du khách đến trải nghiệm? Câu trả lời là có, nhiều là đằng khác! Song, những người dân này tư tưởng làm du lịch hầu như chưa có, đa số làm để bán ra thị trường. Cần có sự gợi mở bước đầu từ doanh nghiệp và chính quyền địa phương mới tạo cơ sở cho người dân làm du lịch.
Ông Trương Thành Minh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch cho rằng, xây dựng được chuỗi “vệ tinh” cho TP. Huế là vô cùng quan trọng. Để những “vệ tinh” này thu hút được du khách đúng là cần có cách làm mới, sự phối hợp tích cực hơn giữa các bên. Các bên cần nhìn nhận và tìm hướng giải quyết hợp lý hơn.
“Vệ tinh” du lịch quanh TP. Huế không thiếu, song chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu du khách. Các khó khăn đã được chỉ ra và không khó để khắc phục. Điều quan trọng là cần một “tư duy” mới trong cách làm, sự phối hợp và tìm được một bên “cầm mũi”, nhất là khi du lịch được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG