ClockThứ Bảy, 02/11/2024 10:13

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

TTH - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế80% du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

 Đội ngũ kỹ thuật thực hiện triển khai số hóa 3D ẩm thực

Ứng dụng công nghệ số

Từ kiến thức và kinh nghiệm của các nghệ nhân, đầu bếp sau khi chế biến và trình bày các món ăn, Sở Du lịch đã triển khai tái hiện nhiều món ăn đặc trưng xứ Huế thông qua việc số hóa 3D ẩm thực. Công tác số hóa ẩm thực nhằm tạo thư viện lưu trữ công thức các món ăn đặc trưng của Huế một cách bài bản. Năm nay, nhiều món ăn đã được số hóa 3D, như: Súp yến sào bạch tuyết lê, cá cuộn ngũ liễu hấp, chạo tôm lụi mía, bí đao lục dung...; các món chay như mâm cuốn, khay bánh Huế, cơm sen gói lá, vả trộn nấm sò vua.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chuyển đổi số trong du lịch là xu thế tất yếu và việc số hóa 3D ẩm thực là một giải pháp mang lại rất nhiều giá trị. Thông qua hoạt động số hóa trên nền tảng 3D sẽ tạo ra cái nhìn tổng quan về sắc diện, cấu tạo, bài trí của từng món ăn. Từ giải pháp này, Sở sẽ thuận lợi hơn trong việc lưu trữ chi tiết các món ăn một cách đầy đủ, khoa học giúp công tác phát huy các món ăn sau này được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc số hóa nền ẩm thực Việt sẽ là một bước tiến giúp các món ăn Việt thân quen hơn với bạn bè, du khách quốc tế. Khi có được dữ liệu ẩm thực thông qua việc số hóa, ngành du lịch cũng thuận lợi hơn trong công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu về ẩm thực Huế.

Số hóa 3D ẩm thực chỉ là một trong nhiều giải pháp thực hiện và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Theo ông Võ Hoàng Liên Minh, Chánh văn phòng Sở Du lịch, ngành du lịch địa phương cũng đã triển khai ứng dụng “Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport”. Nhờ tính tương tác cao, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, ứng dụng hộ chiếu du lịch Huế giúp du khách dễ dàng tìm kiếm các di tích, thắng cảnh, trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu lối sống của người Huế, nghề truyền thống của địa phương; giúp hành trình du lịch, lưu trú tại Huế của du khách thêm hấp dẫn và có ý nghĩa hơn.

Ngành du lịch địa phương cũng đang triển khai làm app (ứng dụng) thuyết minh với 35 điểm du lịch cùng với việc tăng cường chuyển đổi số trong rất nhiều hoạt động về du lịch. Để đáp ứng được yêu cầu, ngành du lịch còn tổ chức tập huấn công tác chuyển đổi số và báo cáo thống kê ngành du lịch cho cán bộ phụ trách công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đồng hành để tạo hiệu quả

Từ năm 2019, Sở Du lịch đã chủ trương, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số, xác định đó công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Thực tế, ngành du lịch tập trung rất nhiều cho công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, thẳng thắn để nhìn nhận thì công tác chuyển đổi số đòi hỏi những yêu cầu rất lớn. Nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện trong thực tiễn, vận hành hiệu quả trong doanh nghiệp, cho du khách vẫn đòi hỏi cần có sự nỗ lực, chung tay của toàn thể xã hội, từ nhà nước, doanh nghiệp đến người dân, khách du lịch.

Đánh giá về khó khăn trong chuyển đổi số, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, vẫn còn nhiều hệ thống dữ liệu liên quan chưa triển khai đầy đủ, chưa liên thông. Công tác báo cáo, thống kê số liệu khách lưu trú, thị phần... chưa triển khai đồng bộ. Một số đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch dịch vụ chưa thực sự quan tâm và ứng dụng công nghệ mới vào phục vụ cho du khách. Sự tham gia số hóa, cập nhật thông tin của một số ngành, các doanh nghiệp du lịch để làm giàu dữ liệu du lịch, dịch vụ trên địa bàn còn hạn chế. Giải quyết vấn đề trên, cần lắm sự đồng hành của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, nhất là sự đồng hành quan tâm đến các báo cáo thống kê; điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm triển khai số hóa các điểm di tích, văn hóa, tâm linh… ở địa phương để cập nhật thông tin, chia sẻ bổ sung vào cơ sở dữ liệu du lịch.

Một mong muốn của nhiều doanh nghiệp và du khách là cần có một bản đồ số hóa các tuyến điểm du lịch, trong đó các điểm đến, ẩm thực… Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch HueTourist cho rằng, nếu số hóa các các tuyến điểm vào bản đồ du lịch, du khách dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn các điểm đến, từ điểm vui chơi, ăn uống ở các địa phương. Đó cũng là cơ hội quảng bá du lịch và thu hút khách. Giải pháp trên sẽ mang lại rất nhiều giá trị lâu dài, nhưng để thực hiện, cần nguồn kinh phí để thực hiện lớn và đòi hỏi nhiều công sức, rất cần sự đồng hành, chung tay để tạo được nguồn lực thực hiện, mang lại hiệu quả cho du lịch Cố đô.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

TIN MỚI

Return to top