ClockThứ Ba, 07/05/2024 07:09

Vướng mặt bằng, nhiều gói thầu dự án hạ tầng du lịch gặp khó

TTH - Dù đã gia hạn tiến độ hoàn thành, nhưng đến nay nhiều hạng mục thuộc các gói thầu của Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch), vẫn chưa thể thi công do chưa có mặt bằng.

Nhiều gói thầu Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch chậm tiến độ

 Bến Bao Vinh (Hương Vinh, TP. Huế), một trong những hạng mục thuộc gói thầu số 13 không thể triển khai thi công do không có mặt bằng

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch gồm có 3 gói thầu, bao gồm nâng cấp hạ tầng giao thông, du lịch và nâng cấp, xây mới các bến thuyền trên địa bàn tỉnh, được triển khai từ năm 2022 từ khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

DA có mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh du lịch của các điểm du lịch thứ cấp thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường phục vụ du lịch. Đồng thời, hỗ trợ ngành du lịch của các địa phương khai thác thế mạnh với các sản phẩm du lịch đặc thù để quảng bá và thu hút du khách. Tuy nhiên, sau thời gian thi công, nhiều hạng mục của các gói thầu phải “giậm chân tại chỗ” do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, đến nay chỉ mới có gói thầu số 14 gồm xây dựng mới và nâng cấp một số hạng mục hạ tầng du lịch tại huyện Phú Lộc với tổng giá trị 37,5 tỷ đồng đã thi công hoàn thành. Theo đó, đối với bến Đá Bạc đã hoàn thành công trình và nghiệm thu kỹ thuật, bàn giao đưa vào sử dụng; đường vào Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đã thảm bê tông nhựa mặt đường 5,5km, đang thực hiện công tác đấu nối điện chiếu sáng, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Trong khi đó, 2 gói thầu còn lại nhiều hạng mục chậm tiến độ trong thời gian dài và ngưng thi công do không có mặt bằng.

Đơn cử, tại gói thầu số 13 bao gồm xây dựng mới và nâng cấp các bến thuyền trên sông Hương và đầm phá được khởi công từ tháng 2/2022 với tổng giá trị hợp đồng gần 53 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, hệ thống bến thuyền được nâng cấp, xây mới đi vào hoạt động sẽ phục vụ đắc lực cho công tác vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên sông Hương và khu vực đầm phá, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, các công trình đến nay dù đã gia hạn tiến độ hợp đồng một lần (đến 31/12/2023), gói thầu vẫn đang dang dở do còn hạng mục không thể có mặt bằng thi công.

Gói thầu này gồm xây dựng 5 bến thuyền trên sông Hương, đoạn từ xã Thủy Bằng xuống xã Phú Mậu (TP. Huế), cùng 2 bến thuyền Vĩnh Tu, Cồn Tộc ở huyện Quảng Điền. Tất cả các bến thuyền đều được đầu tư các hạng mục phụ trợ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch. Dù đã qua ngày dự kiến hoàn thành nhưng theo Ban QLDA, đến nay gói thầu số 13 mới thực hiện được khoảng 85% khối lượng (tương đương giá trị 42,6/50,2 tỷ đồng), một số hạng mục chưa thể hoàn thành do không có mặt bằng thi công.

Cụ thể, hiện nay nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thành các bến Thanh Tiên, Than, Voi Ré - Hổ Quyền, 5 Lê Lợi, Vĩnh Tu và Cồn Tộc, chuẩn bị nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Riêng đối với bến Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP. Huế) sẽ xây dựng một bến thuyền dài 30m, nhà dịch vụ 136m2 bao gồm không gian đợi, bán vé và nhà vệ sinh công cộng; bãi đỗ xe và sân vườn, cây xanh 152m2. Việc triển khai xây dựng bến thuyền này sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông bằng đường thủy trên sông Hương để phục vụ du khách đến tham quan khu phố cổ Bao Vinh.

Tuy nhiên, bến thuyền này hiện chưa triển khai thi công do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, còn 1 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường dù chính quyền địa phương đã nhiều lần đối thoại, vận động nhưng đến nay hộ dân này vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, tại gói thầu số 12 bao gồm nâng cấp tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A đến rìa phía Tây - Nam của ranh giới điện Hòn Chén (xã Hương Thọ, TP. Huế) với chiều dài 1,2km, nền đường rộng 9m mặt đường rộng 7m và hệ thống thoát nước, xây dựng một bãi đỗ xe 5.000m2. Hiện gói thầu này bị chậm tiến độ khá “sâu” do chỉ mới thực hiện được khoảng 50% khối lượng (tương đương giá trị 8,5/17,5 tỷ đồng).

Gói thầu đang vướng mắc công tác GPMB với 1 hộ không đồng ý nhận tiền hỗ trợ đền bù, yêu cầu được bồi thường về đất và 1 hộ đang bổ sung xác nhận nguồn gốc đất tại xã Hương Thọ, khiến không có mặt bằng để thi công bãi đỗ xe và khoảng 200m đường trên tuyến.

Được biết, từ cuối tháng 10/2023, Ban QLDA đã trình Sở KH&ĐT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Đối với các hạng mục chưa triển khai, hoặc chưa hoàn thành, Ban QLDA sẽ tiến hành đề xuất gia hạn tiến độ, dự kiến đến tháng 6/2024 phải thi công hoàn tất các hạng mục còn lại.

Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, để đảm bảo tiến độ hoàn thành các hạng mục còn vướng mắc về mặt bằng, hiện nay Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công để hoàn thành toàn bộ dự án.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top