ClockThứ Ba, 23/01/2024 14:14

Nhiều gói thầu Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch chậm tiến độ

TTH - Các gói thầu thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần Thừa Thiên Huế chưa thể triển khai thi công do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thay đổi thiết kế vật liệu.

ADB: Các nước châu Á cần hợp tác để tăng tốc phục hồi du lịchKích cầu, tạo đà phát triển du lịchXúc tiến mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút du khách đến Huế

 Hạng mục bến thuyền số 5 Lê Lợi đến nay vẫn chưa triển khai thi công

Dự án thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt là DA) được triển khai từ năm 2022 với 3 gói thầu từ khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo đó, DA có 3 gói thầu bao gồm nâng cấp hạ tầng giao thông, du lịch và nâng cấp, xây mới các bến thuyền trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu DA nhằm tăng khả năng cạnh tranh du lịch của các điểm du lịch thứ cấp thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường phục vụ du lịch. Đồng thời, hỗ trợ ngành du lịch của các địa phương khai thác thế mạnh với các sản phẩm du lịch đặc thù để quảng bá và thu hút du khách.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thi công, nhiều hạng mục công trình của các gói thầu chưa thể triển khai do vướng mặt bằng và thay đổi thiết kế vật liệu.

Cụ thể, tại gói thầu số 12 bao gồm nâng cấp tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A đến rìa phía Tây - Nam của ranh giới điện Hòn Chén (xã Hương Thọ, TP. Huế) với chiều dài 1,2km, nền đường rộng 9m mặt đường rộng 7m và hệ thống thoát nước, xây dựng một bãi đỗ xe 5.000m2. Hiện nay nhà thầu đang thi công lớp cấp phối đường vào điện Hòn Chén đoạn đã GPMB với chiều dài khoảng 1,2km.

Dù được triển khai từ tháng 7/2022, với giá trị hợp đồng 18,4 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, nhưng đến nay gói thầu này tiến độ thi mới chỉ đạt 0,76 tỷ đồng. Gói thầu đang vướng mắc công tác GPMB  tại khu vực mặt bằng bãi đỗ xe hiện còn 1 hộ không đồng ý nhận tiền hỗ trợ đền bù, yêu cầu được bồi thường về đất và 1 hộ đang bổ sung xác nhận nguồn gốc đất tại xã Hương Thọ.

Đối với gói thầu số 13 xây dựng mới và nâng cấp các bến thuyền trên sông Hương và đầm phá Tam Giang, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch địa phương nhưng hiện nay nhiều bến chưa thể triển khai. Được khởi công từ thàng 2/2022 với giá trị hợp đồng 52,98 tỷ đồng, dù gia hạn ngày hoàn thành 31/12/2023 nhưng  vẫn chưa triển khai, hoặc thi công dang dở.

Cụ thể, gói thầu này gồm xây dựng 5 bến thuyền trên sông Hương, đoạn từ xã Thủy Bằng xuống xã Phú Mậu (TP. Huế), cùng 2 bến thuyền Vĩnh Tu, Cồn Tộc ở huyện Quảng Điền. Tất cả các bến thuyền đều được đầu tư các hạng mục phụ trợ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch.

Theo chính quyền địa phương, hệ thống bến thuyền được nâng cấp, xây mới khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ đắc lực cho công tác vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên sông Hương và khu vực đầm phá Cồn Tộc (huyện Quảng Điền). Với hệ thống bến thuyền mới được thiết kế đồng bộ các hạng mục sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới phương tiện, qua đó đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của du khách nhất là khách quốc tế.

Dù đã qua ngày dự kiến hoàn thành nhưng theo Ban QLDA, gói thầu số 13 mới thực hiện đạt 70,4% giá trị xây lắp, nhiều hạng mục chưa thể thi công. Chỉ có bến thuyền Thanh Tiên (xã Phú Mậu), bến Cồn Tộc, Vĩnh Tu đã thi công cơ bản hoàn thành các hạng mục. Các bến còn lại như Hổ Quyền - Voi Ré, bến Than, số 5 Lê Lợi, Bao Vinh (TP. Huế) đều đang thi công hoặc chưa thể khởi công do còn nhiều vướng mắc trong công tác GPMB.

Đối với bến Bao Vinh ở phường Hương Vinh (TP. Huế) sẽ xây dựng một bến thuyền dài 30m, nhà dịch vụ 136m2 bao gồm không gian đợi, bán vé và nhà vệ sinh công cộng; bãi đỗ xe và sân vườn, cây xanh 152m2. Việc triển khai xây dựng bến thuyền này sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông bằng đường thủy trên sông Hương để phục vụ du khách đến tham quan khu phố cổ Bao Vinh. Tuy nhiên, bến thuyền này hiện chưa triển khai do nhà thầu thi công chưa có mặt bằng (một trường hợp chưa nhận tiền bồi thường).

Ông Tạ Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh cho biết, trường hợp chưa GPMB gồm có 3 anh chị em đồng thừa kế nhưng hiện chưa đồng ý mức bồi thường, yêu cầu bố trí lô đất tái định cư cho hộ phụ. “Theo quy định thì yêu cầu của họ không đúng đối tượng nên không thể bố trí lô đất. Chính quyền phường đã nhiều lần đối thoại, giải thích, vận động nhưng đến nay hộ dân này vẫn chưa đồng ý”, ông Tuấn cho biết.

Tại hạng mục bến thuyền số 5 Lê Lợi ở sông Hương, đoạn trung tâm TP. Huế, theo thiết kế sẽ xây dựng một bến thuyền dài 40m vươn ra giữa sông 49m; nhà dịch vụ với phòng chờ, không gian thương mại, bán vé và nhà vệ sinh 495m2. Ngoài ra, sẽ nâng cấp đường hiện trạng vào bến thuyền bằng bê tông nhựa dài 180m với quy mô nền đường 16m, mặt đường rộng 10m. Tuy nhiên, đến nay hạng mục này vẫn chưa khởi công được. Theo Ban QLDA, nguyên nhân hạng mục này chậm khởi công là vào tháng 4/2023, UBND tỉnh có công văn đề xuất thay đổi vật liệu mặt đường đường xuống bến từ bê tông nhựa sang lát đá granite.

Đến cuối tháng 10/2023, Ban QLDA mới trình Sở KH&ĐT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến hạng mục này sẽ triển khai vào tháng 2/2024.

Ông Lê Thành Bắc, Phó Trưởng ban QLDA cho biết, đơn vị đã kiến nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB theo các kiến nghị chi tiết ở các hạng mục. Đối với các hạng mục chưa triển khai, hoặc chưa hoàn thành, Ban QLDA sẽ đề xuất gia hạn tiến độ. Thời gian muộn nhất là vào tháng 6/2024 phải thi công hoàn tất các hạng mục còn lại.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top