ClockThứ Năm, 28/12/2023 13:34

Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện

TTH - Cùng với việc đa dạng và nâng tầm chất lượng các sản phẩm du lịch, việc xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện sẽ góp phần quan trọng giúp tăng mạnh số lượt khách quốc tế đến Huế và tổng doanh thu du lịch.

An toàn thực phẩm, yếu tố quan trọng trong phát triển du lịchTăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

 Công an tỉnh và Sở Du lịch triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch

Tốt vẫn còn lo

Rất nhanh sau khi vụ việc đánh nhau giữa các du khách với nhóm chạy xích lô làm náo loạn khu phố Tây ở TP. Huế (tháng 7/2023), chính quyền địa phương, cơ quan công an và ngành du lịch đã vào cuộc để làm rõ và có hình thức xử lý thỏa đáng, dư luận đồng tình. Trong năm qua, ngành du lịch cũng đã phối hợp với lực lượng công an giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự trong du lịch, tạo sự an tâm cho du khách khi đến Huế.

Năm 2023 cũng là năm ngành du lịch Thừa Thiên Huế có sự phục hồi mạnh mẽ so với thời điểm trước dịch COVID-19. Nhiều chương trình, sự kiện lễ hội, văn hóa, du lịch có quy mô được tổ chức tại địa phương đã thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự kết hợp lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng. Theo đánh giá của Công an tỉnh về việc phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch, năm 2023, tình hình an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch, xúc tiến đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch phát triển.

Tuy nhiên, môi trường du lịch vẫn còn xảy ra tình trạng cò mồi, đeo bám, chèo kéo khách du lịch; bán hàng không đúng nơi quy định; thu đổi ngoại tệ trái phép; hát rong, ăn xin đã gây phản cảm đối với du khách… Bên cạnh đó, tình hình trật tự công cộng, an toàn giao thông chưa thực sự đi vào nề nếp, các phương tiện vận tải du lịch dừng, đỗ đón trả khách, hàng hóa chưa đúng nơi quy định; chất lượng dịch vụ xích lô du lịch còn hạn chế; hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ chưa thực hiện nghiêm túc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…

Trên thực tế, so với giai đoạn trước, việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch của ngành công an và du lịch đã hạn chế được rất nhiều những vấn đề không đáng có ở môi trường du lịch. Nếu so với vài năm trước, tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch tại các điểm du lịch, khu di tích dù ít nhiều còn tồn tại những đã được kiếm chế đáng kể. Song, công tác đảm bảo an ninh, trật tự là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài. Không thể không trăn trở về việc xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện bởi đó là yếu tố hàng đầu để thu hút khách. Và điều này cần sự chung tay từ nhiều phía, để mỗi người làm du lịch, mỗi người dân Huế là một “đại sứ” du lịch.

Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, sự chủ động trong xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và giải quyết nhanh chóng những bức xúc, vấn đề từ phía du khách là giải pháp giúp khách du lịch có thêm nhiều thiện cảm với Huế, tạo ra hiệu ứng tốt đẹp về hình ảnh du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư về du lịch. Cũng vì thế, đây là vấn đề phải luôn được quan tâm hàng đầu.

Phối hợp chặt chẽ, tạo ấn tượng với du khách

Dự báo của ngành du lịch cho thấy, năm 2024 và các năm tiếp theo, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện về mọi mặt. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đặt ra đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch. Đại diện Công an tỉnh đánh giá, các thế lực thù địch có thể tăng cường xâm nhập, trà trộn, lồng ghép âm mưu, ý đồ xấu; tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia và vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú, dịch vụ và đầu tư trong lĩnh vực du lịch diễn ra sôi nổi đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng các chính sách về du lịch để trục lợi…

Giải quyết vấn đề này rõ ràng cần sự hợp lực từ nhiều cơ quan, ban ngành, cá nhân, nhưng vai trò quan trọng nhất là sự phối hợp của lực lượng công an và ngành du lịch địa phương. Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch và Công an tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình vụ việc xảy ra liên quan đến khách du lịch; hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp nhịp nhàng trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trên lĩnh vực du lịch…

Công an tỉnh và Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp tham mưu các cơ quan, ban ngành khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh vô hiệu âm mưu, hoạt động lợi dụng du lịch để chống phá, gây mất tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Năm 2024, Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch diễn ra, việc triển khai đảm bảo an toàn, trật tự cần được chủ động triển khai sớm. Các đơn vị chức năng cũng cần xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án trấn áp tội phạm, truy quét, đẩy đuổi, xử lý nghiêm các trường hợp làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top