ClockThứ Bảy, 10/02/2024 16:39

“Xê dịch” tự túc ngày tết

TTH.VN - Tết năm nay, nhiều du khách chọn “xê dịch” đến Huế bằng hình thức du lịch tự túc. Chủ động với lịch trình, họ dành thời gian lâu hơn để khám phá tết Huế, tham quan và tìm hiểu mảnh đất, con người Cố đô.

Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tếĐể du lịch Huế bắt kịp thời cơ, tăng tốc phát triểnLượng khách đến Huế tháng đầu năm 2024 tăng hơn 25%

 Trên chiếc ô tô cá nhân, anh Hiệp đưa vợ con từ Bắc Giang vào trải nghiệm tết Huế

Vượt hàng trăm cây số để trải nghiệm tết Huế

Trên chiếc xe ô tô 7 chỗ, anh Nguyễn Xuân Hiệp (đến từ Bắc Giang) chở theo vợ cùng hai con đến Huế trải nghiệm tết. Quãng đường hơn 700 km khiến anh phải dừng lại nghỉ ở nhiều tỉnh, thành nhưng đến chiều 29 tết, anh đã kịp có mặt ở địa phương mà gia đình chọn dừng chân cho tết Giáp Thìn.

Sau khi chụp đủ bộ album ảnh ở làng hương Thủy Xuân, anh Hiệp kể, đây không phải là lần đầu anh đến Huế. Từ năm 2019, gia đình anh Hiệp đã đến Cố đô trải nghiệm. Mảnh đất Huế còn quá nhiều thứ anh muốn khám phá nên tết năm nay, cả nhà đóng cửa “chạy trốn” vào Huế, để xem tết Huế thú vị đến chừng nào. Thuê một khách sạn ở trung tâm thành phố, chỉ đến đêm cả nhà mới về nghỉ, tranh thủ ban ngày trải nghiệm nhiều điểm du lịch. Các thành viên gia đình anh Hiệp đều chia sẻ, hành trình ở lại tết Huế từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 2 tết với họ là vẫn còn chưa đủ.

Dịp tết năm nay, Huế chuyển mưa lạnh khiến chuyến đi của gia đình anh Hiệp không thuận lợi, tuy nhiên, niềm vui thì không bao giờ tắt trên môi của 4 thành viên trong nhà. Anh bảo: “Nhà mình ai cũng thích không khí tết cổ kính như ở Huế. Đến Huế, đi một số chùa chiền, di tích, tới làng hương, cảm giác như tết xưa lại về. Mảnh đất, con người Huế dễ thương quá, ngày tết lại càng ấn tượng. Mình sẽ khám phá càng nhiều điểm ở Huế càng tốt, trong đó sẽ vào Đại Nội Huế để tham quan Điện Kiến Trung mở cửa trở lại đón khách. Mình ước chuyến đi này sẽ dài hơn”.

Không chỉ gia đình anh Hiệp, tết năm nay, rất nhiều người chọn phương án du lịch tự túc khi đến Huế. Phần đông trong số ấy là những vị khách ở các địa phương khu vực miền Trung, tuy nhiên, vẫn có rất nhiều khách trong nước, khách quốc tế chọn xê dịch “tự túc”. Chị Vân Phi (40 tuổi), đến từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh kể, gia đình có người thân ở Huế nên từ ngày 30 tết kết hợp du lịch và thăm người thân ngày tết. Do tàu xe dịp tết đông đúc, việc đặt tour lại phải theo kế hoạch của các đơn vị lữ hành, vì vậy gia đình chị chọn phương án du lịch tự túc để chủ động với hành trình. Chị kể: “Du lịch tự túc có cái hay là muốn ăn gì, đi đâu có thể thoải mái chọn lựa. Có những điểm mình muốn khám phá, tìm hiểu sâu thì dành nhiều thời gian hơn. Huế là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, càng ở Huế lâu càng khám phá được nhiều”.

Có nhiều người dành nguyên cả kỳ nghỉ tết để “phượt Huế”. Sáng mùng 1 tết, tôi gặp anh Đỗ Đức Mạnh (đến từ Hà Nội) cùng 3 con trai đang tham quan ở Đại Nội. Với kinh nghiệm nhiều lần đến Huế, anh tự làm hướng dẫn viên giới thiệu cho các con về các khu vực trong Đại Nội. Anh kể: “Mình thì có quá nhiều lần đến Huế nhưng các con thì chưa. Năm nay, vợ và con gái ở nhà, mình dẫn 3 con trai đi phượt ở Huế. Đợt này mình có hơn 1 tuần ở Huế, từ 29 tháng Chạp đến mùng 7 Tết. Dành một kỳ nghỉ dài để cùng con trải nghiệm Tết Huế có rất nhiều điều ý nghĩa”.

 Anh Mạnh chở 3 con làm chuyến phượt hơn 1 tuần ở Huế dịp Tết

Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng của du khách thích lựa chọn du lịch tự túc và Huế là mảnh đất mà nhiều người yêu thích. Nguyễn Hải Thành, bạn trẻ từ Quảng Nam chia sẻ: “Tết này, em cùng vợ mới cưới chọn Huế làm điểm du xuân. Thuê một homestay ở Huế, hai vợ chồng khám phá Cố đô bằng xe máy. Mảnh đất Huế bình yên rất thích hợp để du lịch tự túc. Mặc dù mưa lạnh hơi buồn nhưng ngắm mưa Huế, thưởng trà, tham quan các điểm đến trong nhà thì cũng rất thú vị”.

Cơ hội cho du lịch thăm thân, du lịch tâm linh

Trò chuyện với rất nhiều du khách đến Huế tết năm nay, một điểm chung được nhiều du khách đi du lịch tự túc chia sẻ là hành trình của họ đến Huế để thăm thân, du lịch tâm linh và trải nghiệm văn hóa. Huế có sẵn các tài nguyên du lịch và đó cũng là cơ hội cho du lịch Huế.

Trong ngày đầu của năm mới Giáp Thìn, tại các ngôi chùa xứ Huế, cùng với người dân địa phương đến chiêm bái và cầu nguyện, còn có một lượng lớn du khách. Chị Nguyễn Thị Thùy An, đến từ Phú Yên chia sẻ: “Huế nổi tiếng là vùng đất có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ. Những ngôi chùa như Từ Đàm, Từ Hiếu, Thiên Mụ, Huyền Không Sơn Thượng… đã quá nổi tiếng. Việc kết hợp cầu nguyện tâm linh và du lịch tâm linh ngày tết cũng rất ý nghĩa, phù hợp với văn hóa người Việt”.

 Hai khách tây vui vẻ selfie khi tham quan Đại Nội ngày mùng 1 tết

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, tết năm nay, dự kiến Huế sẽ đón một lượng khách lớn hơn năm ngoái. Sở Du lịch đã có các thông báo chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh về việc triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công khai, bán theo giá niêm yết và tổ chức các hoạt động chào đón khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn  2024, chủ động đảm bảo nhân lực, nhu yếu phẩm, thực phẩm để phục vụ khách và trực ban theo quy định. Bên cạnh đó, khuyến khích các khách sạn, đơn vị lữ hành và các cơ sở dịch vụ khác, kể các các homestay, linh hoạt tổ chức các hoạt động đón Tết an toàn,  bố trí những chương trình có tính tương tác, trải nghiêm văn hóa truyền thống chào đón du khách đến Huế, một số hình thức vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống, các hoạt động đón Xuân của vùng đất Cố đô Huế đáp ứng nhu cầu khách du lịch và cộng đồng địa phương.

“Các địa phương, đặc biệt là thành phố Huế, một số sở, ngành, địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều có tổ chức các chương trình hoạt động, lễ hội (Tết Huế, Lễ hội Hoàng Mai, Xuân Cố đô, Lễ hội Huyền Trân, Vật làng Sình…) giới thiệu, quảng diễn tái hiện nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Huế và của triều Nguyễn xưa tạo cơ hội để khách trải nghiệm, tìm hiểu”, ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, trước xu hướng du lịch mới, du lịch tự túc, ngành du lịch tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành cũng nghiên cứu, xây dựng các chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để phục vụ khách, kết hợp với du lịch tâm linh, du lịch thăm thân, du lịch khám phá văn hóa Huế.

HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc

TIN MỚI

Grand Cru cung cấp quà tết doanh nghiệp số lượng lớn In lịch treo tường giá rẻ 2025
Return to top