ClockThứ Tư, 25/01/2017 13:50

Đừng làm “mất mì xưa”

TTH - Theo quan niệm của người Huế, người “đạp đất” được coi như sứ giả của gia đình và thời nay còn bao gồm cả cơ quan, doanh nghiệp.

Ngày đầu năm mới, người Huế mình có tục “đạp đất”. Các nơi khác mà tiêu biểu là ở miền Bắc cũng có tục lệ này nhưng họ gọi khác, là “xông đất’. Cũng khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi Giao thừa. Sau này, Nhà nước thường tổ chức bắn pháo hoa ở quảng trường Ngọ Môn vào thời khắc đón Giao thừa nên một bộ phận người Huế, đa phần là giới trẻ, đã “biết” ra khỏi nhà vào đêm 30 Tết để chờ xem. Tuy nhiên, người lớn tuổi vẫn thích ở nhà lo việc cúng bái hơn. Mặt khác, người Huế không dám về nhà sau phút giao thừa để tránh lệ “đạp đất” nhà mình. Vậy nên, sau thời khắc Giao thừa mà đặc biệt là trong sáng mồng Một Tết, các nhà đều có tâm lý chờ người đến “đạp đất” nhà mình. Ai cũng mong và hồi hộp chờ xem người đến “đạp đất” là ai.

Theo quan niệm của người Huế, người “đạp đất” được coi như sứ giả của gia đình và thời nay còn bao gồm cả cơ quan, doanh nghiệp. Họ có thể đem tới những điều tốt lành, nhưng cũng có thể là sự rủi ro, khó khăn cho gia chủ nếu “vía” không tốt hay không hợp “vía”. Đặc biệt, người “đạp đất” không bao giờ là người đang chịu tang vì người ta tin rằng cái chết, sự tang tóc sẽ mang lại những điều không may mắn. Bởi thế nên mới có lệ người có tang lớn không thăm viếng ai và dịp Tết.

Cũng lại nảy sinh (ít thôi), do mong ước một năm mới thuận buồm xuôi gió khiến cho một số gia đình Huế đã tìm trong số người quen, bạn bè, dòng họ mình một người tốt tính và hợp tuổi với chủ nhà cũng như con vật đại diện cho năm đó để nhờ đạp đất đầu năm mới. Chuyện “hạp tuổi” là điều rất khó, bởi một con người, sức khỏe và tài danh đều có nhưng nếu tuổi không hạp với gia chủ thì xem cũng như không. Thường thì tuổi tý chẳng hạn khắc với tuổi ngọ nhưng lại hợp với tuổi sửu. Thế nên nếu là năm tý, gia chủ thường chọn người tuổi sửu đến “đạp đất”. Riêng chuyện vía nặng và vía nhẹ, có nhiều gia đình còn lệnh cho con cái đứa nào nặng vía thì sáng mồng Một không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, đặt chân xuống đất trước, lúc đó những đứa khác mới được ra khỏi giường, ghê chưa.

Nhớ xưa ở quê, năm nào cũng vậy, có mấy điều mà mạ tôi cứ dặn đi dặn lại. Một là, sáng mồng một đừng quét nhà và lanh chanh chạy qua nhà hàng xóm. Không được quét nhà là bởi nếu quét nhà sẽ hất hết tài lộc ra khỏi cửa. Còn chạy vội qua nhà hàng xóm lại liên quan đến tục “đạp đất’. Sau này có dịp tìm hiểu, tôi được biết thiên hạ còn có rất nhiều cái “không” nữa, kiểu như không đổ rác ra ngoài đường, không cho lửa, không cho nước, không làm đổ vỡ đồ dùng, kiêng nói điều xui…Hai là, có chuyện chi không vui thì tối ba mươi cứ nói hết, đừng để buổi sáng đầu năm mà mặt mày nhăn nhó, bị xị. Khách đến chơi phải vui vẻ, lễ phép, ai có lì xì thì phải biết cám ơn chứ đừng làm “mất mì xưa” cả năm.    

“Mất mì xưa” là câu chuyện dài ngày Tết. Tôi nghe nhiều chuyện kể ở các chùa Huế. Vào những ngày Tết, chùa nào cũng sinh động và ấm tình đạo vị, khoảng cách giữa thầy với trò, giữa huynh với đệ gần gũi, thân thiết. Không được để “mất mì xưa”, người này chỉ bảo cho người kia, mỗi người mỗi việc, từ trong chùa đến ngoài vườn đều sạch bóng tươm tất, đâu đâu cũng thấy cỏ hoa đua nhau khoe sắc khoe hương. Đêm 30 mới thật là ấn tượng và khó quên, điệu này nằm xuống thì điệu kia đến thức dậy bởi thầy dạy đầu năm mà điệu nào ngủ quên trước giờ Giao thừa là xem như “mất mì xưa”cả năm, đường tu học sẽ bị trễ nãi. Các điệu (tiểu) do thế, thường cùng nhau thức để chờ và phân chia công việc ba ngày Tết, nào thỉnh chuông, hương khói, hầu trà…

Cũng chuyện Tết xưa ở quê. Nhớ sau khi đã chọn giờ khởi hành để khỏi phải “đạp đất”, ngày đầu năm mới chị em tôi thường dắt nhau đi thăm ông bà, chú bác. Háo hức nhất là được lì xì, không bao giờ mấy chị em làm “mất mì xưa” ai. Thế nhưng, ngại nhất cũng là cái khoản “mất mì xưa” đầu năm kia. Ở quê vào ngày Mồng một Tết, sau nghi thức thăm viếng, kính chúc ông bà, chú bác xong là được mời ăn xôi chè. Một thời, xôi cũng nếp mà chè cũng nấu từ hạt nếp, ăn ngon nhưng rất mau ớn. Chị em tôi thì đã “bắt no” (no, chán, không muốn ăn nữa) mà nội thì mời ăn mà cứ như ra lệnh: “Ăn đi, chứ không có mô tê răng rứa chi hết. Bộ chê mệ nấu dở hay răng?”. Rồi mệ lại nài nỉ: “Đừng làm mất mì xưa của mệ”. Tôi đã cố ăn vì cái khoản không để “mất mì xưa” kia. Ôi, hạt nếp quê mình cũng như cái đất Huế nắng mưa khắc nghiệt, ăn vào thấy ớn nhưng lâu ngày nhớ lại thì thèm sao một chén chè nếp ngọt lịm! 

Tôi đã cất công đi tìm mãi trong từ điển nghĩa của từ “mất mì xưa” nhưng đến giờ vẫn chưa tra được. Nó là lời mời không thể từ chối được, là quy định bất thành văn buộc phải làm theo. Nó như lời nguyền đầu năm hướng tốt, hướng thiện cho mọi người. Lại nghĩ tới chuyện cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động sau 3 ngày Tết, mọi người hãy mau chóng bắt tay vào chuyện công việc chuyên môn và làm ăn. Đừng để những cuộc vui kéo dài mà sai sót và bê trễ, làm “mất mì xưa’ cả năm thì buồn lắm lắm.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình thông tin chuyên đề về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
Return to top