ClockThứ Ba, 14/03/2017 10:20

Đừng sợ khi mình là doanh nghiệp nhỏ

TTH - Nhượng quyền thương hiệu (Franchise) không còn là một khái niệm xa lạ với nhiều thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên ở Huế, Franchise vẫn còn khá mới mẻ. Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia trong lĩnh vực này để có những góc nhìn mới, nhất là đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.

Bà Nguyễn Phi Vân

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Franchise là một quan hệ hợp tác kinh doanh, trong đó, một đối tác sẽ cho phép đối tác còn lại sử dụng bản sao một hệ thống kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công để đổi lấy quyền lợi là phí cho phép sử dụng ban đầu và các phí cho phép sử dụng liên quan trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực. Nhượng quyền thương hiệu đơn giản là chia sẻ sự thịnh vượng.

Thực tế hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam và Huế hiện nay ra sao, thưa bà?

Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam còn rất mới mẻ. Năm 2009, một số thương hiệu nước ngoài mới bắt đầu bước vào thị trường Việt Nam và có thể coi chúng ta là thị trường gieo hạt, đầy tiềm năng trong nhận quyền từ các thương hiệu nước ngoài. Huế cũng không ngoại lệ. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển ở Huế của các thương hiệu nhượng quyền nước ngoài sau khi họ đã phát triển tốt ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Ngược lại, các thương hiệu địa phương vẫn còn đang tìm hiểu và học hỏi về hình thức phát triển này do còn quá mới. Tôi tin rằng, 3 năm sau, chúng ta sẽ nhìn thấy sự rộ lên của các thương hiệu nội địa bắt đầu sử dụng hình thức nhượng quyền để phát triển.

Theo bà đâu là điều kiện cần và đủ để bắt đầu nghĩ đến Franchise?

Để có thể nhượng quyền thương hiệu, trước tiên, mô hình đó phải qua thử nghiệm thành công, nghĩa là đã qua thời gian vận hành, hiệu chỉnh và đạt hiệu quả tài chính tốt. Doanh nghiệp (DN) cũng cần lưu ý là mô hình tài chính hiệu quả cho chính DN mình chưa đủ; cần phải tính toán lại hiệu quả mô hình sau khi đã đưa vào các khoản phí nhượng quyền và giá cung cấp nguyên vật liệu hoặc hàng hoá cho đối tác. Nếu sau khi đã tính toán các loại phí và giá cung cấp mà mô hình vẫn có tỷ suất lợi nhuận tốt, ít nhất là phải hơn tỷ suất gởi tiết kiệm ngân hàng, mô hình đó mới có thể chuyển nhượng.

Tiếp theo, cần chuẩn bị các tài sản sở hữu trí tuệ ví dụ như đăng ký bảo hộ logo thương hiệu, bí mật kinh doanh, tài liệu tự soạn…Một phần doanh thu rất lớn trong nhượng quyền là thông qua việc cung cấp các hàng hoá và nguyên vật liệu độc quyền. Nếu chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về việc sản xuất, cung ứng và vận chuyển nguyên vật liệu hay hàng hoá đến cho đối tác, mô hình sẽ không vững bền. Điều này sẽ gây rủi ro lớn về chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và rủi ro vận hành cho hệ thống và cho đối tác nhận quyền.

Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị các nền tảng hỗ trợ cho đối tác nhận quyền (đối tác nhận quyền là người không có kinh nghiệm và trải nghiệm trong ngành).Khi mua nhượng quyền, họ hoàn toàn nhờ vào DN nhượng quyền đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn, tư vấn. Vai trò tư vấn, định hướng và lãnh đạo của DN nhượng quyền hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt vai trò này, DN nhượng quyền cần chuẩn bị xây dựng các nền tảng hỗ trợ vững mạnh bao gồm marketing và thương hiệu, nhân sự và đào tạo, vận hành, phát triển hệ thống, chuỗi cung ứng.

Để thực hiện Franchise và xây dựng chuỗi hệ thống Franchise, các DN, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ cần làm gì?

Việc DN nhỏ hay siêu nhỏ không quan trọng. Tất cả các tập đoàn nhượng quyền lớn như McDonald’s, Walmart, hay Domino’s đều bắt đầu từ những DNgia đình siêu nhỏ. Do đó, các bước chuẩn bị thật ra không khác nhau lắm. Khác nhau nằm ở việc bạn phát triển hệ thống nhanh hay chậm, phát triển tại Việt Nam hay có ý định vươn ra khu vực và thế giới sau này. Bạn chỉ cần tập trung 3 bước xây dựng nền tảng mà tôi đề nghị bao gồm: xây dựng mô hình tiêu chuẩn hiệu quả, xây dựng nền tảng quản trị DN hiệu quả, cuối cùng là xây dựng nền tảng hỗ trợ đối tác hiệu quả.

Bà có thể cho biết,  trong Franchise và xây dựng chuỗi hệ thống Franchise định giá giá trị thương hiệu rất quan trọng, giải pháp nào giúp DN định giá đúng giá trị thương hiệu?

Bà Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc, là thành viên sáng lập & phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á; thành viên sáng lập & điều hành Công ty Retail & Franchise Asia; đại diện cho gần 1.000 thương hiệu quốc tế tại châu Á Thái Bình Dương và cho nhiều thương hiệu châu Á phát triển ra thế giới. Bà là thành viên hội đồng, cố vấn tổ chức các giám đốc marketing quốc tế CMO tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và thành viên hội đồng cố vấn phát triển thương hiệu quốc gia qua mô hình nhượng quyền cho chính phủ Malaysia. Năm 2015, Nguyễn Phi Vân được tổ chức Bán lẻ & Nhượng quyền châu Á trao tặng danh hiệu “Lãnh đạo xuất sắc” ngành bán lẻ và nhượng quyền châu Á.

Định giá chỉ quan trọng khi DN muốn tìm đối tác đầu tư chiến lược hay mua bán sáp nhập công ty. Nếu chỉ phát triển nhượng quyền, DN không cần định giá. Tại Việt Nam, việc định giá DN hiện này vẫn còn khá mới và chi phí định giá do các công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện rất cao. Tuy nhiên, DN vẫn có thể nhờ các chuyên gia tài chính nội địa định giá bằng cách sử dụng các phần mềm định giá dành cho DN vừa và nhỏ với chi phí thấp hơn nhiều. Khi cần mua bán, sáp nhập và cần định giá chính thức để làm căn cứ đưa ra giá bán, DN sẽ vẫn phải sử dụng các công ty tư vấn về định giá có uy tín.

Lời khuyên của bà đối với các DN vừa và nhỏ trong hoạt động Franchise?

Đừng sợ khi mình là DN vừa và nhỏ. Hình thức nhượng quyền là hình thức phát triển thương hiệu hiệu quả nhất. Tuy nhiên, DN không được nóng vội, bỏ qua các bước xây dựng nền tảng mà tôi đã hướng dẫn trên đây. Nếu không, việc nhượng quyền vội vã sẽ dẫn đến mâu thuẫn và tranh chấp giữa DN và đối tác nhận quyền. Nhượng quyền cần chậm để xây dựng nền tảng. Khi nền tảng đã xây xong, việc phát triển nhanh và rộng sẽ không là vấn đề đối với DN.

Sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thì sao, thưa bà?

DN cần tìm chuyên gia tư vấn về tài sản sở hữu trí tuệ và tiến hành đăng ký bảo hộ tất cả các tài sản này trước khi phát triển. Đối với nhượng quyền, điều này rất quan trọng nhằm đảm bảo tài sản sở hữu trí tuệ của bạn không bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích. DN bán nhượng quyền lưu ý cần đăng ký bảo hộ toàn bộ các tài sản sở hữu trí tuệ (kể cả đăng ký ở nước ngoài, nếu phát triển nhượng quyền thương mại ra nước ngoài), trước khi tiến hành đàm phán hợp đồng nhượng quyền. Những tài sản sở hữu cá nhân quan trọng nhất là: nhãn hiệu; kiểu dáng; sáng chế; giải pháp công nghệ hữu ích; xuất xứ hàng hóa; bí mật thương mại. Riêng quyền tác giả không cần đăng ký bảo hộ vẫn được bảo hộ.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này! 

Hoàng Loan (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top